Tiếng Việt | English

31/05/2016 - 09:21

Hút thuốc và sức khỏe sinh sản

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh hút thuốc lá làm giảm khả năng sinh sản ở cả nam giới và nữ giới.

Hút thuốc lá làm giảm khả năng sinh sản ở nam giới

Hút thuốc giảm lượng tinh trùng. Một nghiên cứu tổng quan kết quả 20 nghiên cứu của Vine va cs. (1994) cho thấy so với người không hút thuốc, mật độ tinh trùng của người hút thuốc giảm 13%.

Hút thuốc làm biến đổi hình dạng tinh trùng. Hiện nay, có một số bằng chứng đáng tin cậy đã kết luận những người hút thuốc có phần trăm tinh trùng dị dạng cao hơn. Điều này có thể dẫn tới sẩy thai, thai nhi dị tật bẩm sinh, hoặc biến chứng khi sinh.

Nghiện thuốc lâu năm có thể dẫn tới chứng liệt dương. Giống như cơ chế gây tắc nghẽn mạch máu ở tim do quá trình xơ vữa động mạch, hút thuốc cũng là một trong những nguyên nhân cốt lõi của bệnh xơ vữa động mạch trong mạch máu của dương vật, làm giảm khả năng cương cứng.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Hút thuốc lá ảnh hưởng tới khả năng sinh sản ở nữ giới

Các nghiên cứu khoa học hiện nay đã chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hút thuốc với khả năng sinh sản ở nữ giới. Hút thuốc làm giảm khả năng sinh sản của nữ, làm chu kỳ kinh nguyệt ngắn lại, ảnh hưởng đến khả năng thụ thai.

Nghiên cứu của Laurent va cs. (1992) về vô sinh nguyên phát cho thấy so với nữ không hút thuốc, nữ hút trên một bao thuốc một ngày mắc chứng này cao hơn 1,4 lần.

Các nghiên cứu khác cũng cho thấy phụ nữ hút thuốc, khả năng mang thai chỉ bằng từ 50% đến 89% so với phụ nữ không hút thuốc.

Nghiên cứu cũng cho thấy hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ của việc thai ngoài tử cung. Phụ nữ hút thuốc làm tăng nguy cơ bị thai ngoài tử cung từ 1,3 đến 2,5 lần, gây đẻ non hoặc thai chết lưu từ 1,4 đến 2,4 lần so với người không hút thuốc lá. Ngoài ra, hút thuốc còn làm giảm 20-30% cân nặng của trẻ sơ sinh.

Những thay đổi của cơ thể sau khi bỏ thuốc (WHO)

20 phút: Huyết áp và mạch giảm dần tới mức bình thường.

8 giờ: Lượng oxy trong máu trở về trạng thái bình thường. Nguy cơ bị nhồi máu cơ tim bắt đầu giảm. Nhiệt độ ngoài da bắt đầu tăng.

24 giờ: Lượng CO trong máu bắt đầu được đào thải; phổi bắt đầu quá trình tự làm sạch và phản xạ ho tăng để thải đờm.

48 giờ: Cảm giác ngon miệng và mùi vị bắt đầu được cải thiện.

1 tuần: Giấc ngủ trở lại bình thường.

2 tuần đến 3 tháng: Sự lưu thông máu trong cơ thể và chức năng thông khí được cải thiện.

1 đến 9 tháng: Các triệu trứng như ho, tiết dịch nhầy, mệt mỏi, khó thở giảm; nhung mao của tế bào niêm mạc phế quản trở lại hoạt động bình thường, giảm tốc độ suy chức năng thông khí đối với người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

1 đến 2 năm: Nguy cơ nhồi máu cơ tim giảm 20-50%; giảm tỷ lệ bệnh tái phát và tăng tỷ lệ thành công trong điều trị, phẫu thuật mạch vành.

5 năm: Nguy cơ bị đột quỵ giảm tới mức như người không hút thuốc sau 5-15 năm cai thuốc.

10 năm: Nguy cơ tử vong do ung thư phổi giảm một nửa so với người tiếp tục hút; các nguy cơ ung thư miệng, họng, thực quản, bàng quang, thận, tuỵ cũng sẽ giảm so với người hút./.

Thanh Bình

Chia sẻ bài viết