Tiếng Việt | English

27/10/2017 - 21:08

Khai mạc triển lãm “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội”

70 phiên bản tài liệu hành chính, hình ảnh, bản vẽ kỹ thuật của 6 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu ở Hà Nội - một phần của khối tài liệu lưu trữ quốc gia quý giá hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) đã được trưng bày, giới thiệu tại triển lãm “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội.”

Lãnh đạo Bộ Nội vụ trao tặng tài liệu về cầu Long Biên cho Đại sứ Pháp. (Ảnh: Đinh Thị Thuận/TTXVN)

Triển lãm do Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Sở Thông tin-Truyền thông Hà Nội tổ chức sáng 27/10, tại Phố sách – một không gian tri thức, lịch sử, văn hóa của Hà Nội.

Trong gần một thế kỷ ở Việt Nam, với giấc mơ về một "thủ đô hành chính kiểu Pháp ở Đông Dương," người Pháp đã xây dựng nhiều công trình, biệt thự mang phong cách phương Tây và một số công trình có sự kết hợp giữa kiến trúc Pháp với những nét đặc trưng của kiến trúc bản địa.

Trải qua hơn 100 năm, các công trình này vẫn đang được sử dụng và trở thành di sản có giá trị về văn hóa, mang tính thẩm mỹ cao, góp phần tạo nên một diện mạo đô thị Hà Nội vừa cổ kính, vừa hiện đại. Kiến trúc Pháp ở Việt Nam là di sản kiến trúc đặc sắc, phản ánh sự giao thoa của hai nền văn hóa Pháp-Việt. Với Hà Nội, những di sản này không chỉ có giá trị sử dụng mà còn có giá trị văn hóa, lịch sử, thẩm mỹ...

Những tài liệu trưng bày tại triển lãm là những công trình do các kiến trúc sư Pháp thiết kế và xây dựng vào những năm cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX: Nhà hát Thành phố (Nhà hát Lớn Hà Nội hiện nay), Bảo tàng Louis Finot (Bảo tàng Lịch sử Việt Nam hiện nay), Sở Bưu điện Hà Nội (hiện nay Bưu điện thành phố Hà Nội đang sử dụng), Trường Đại học Đông Dương (hiện nay Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Dược Hà Nội đang sử dụng), Nha Tài chính Đông Dương (trụ sở Bộ Ngoại giao hiện nay) và cầu Doumer (cầu Long Biên hiện nay).  

Các đại biểu tham quan triển lãm. (Ảnh: Đinh Thị Thuận/TTXVN)

Theo ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, những tài liệu lưu trữ được đưa ra triển lãm lần này mang đến cái nhìn đầy đủ hơn về những công trình kiến trúc tiêu biểu do các kiến trúc sư Pháp thiết kế và xây dựng vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 ở Hà Nội. Việc tiếp cận văn hóa Pháp thông qua kiến trúc Pháp tại Hà Nội từ bản gốc của tài liệu lưu trữ sẽ góp phần nâng cao ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy các di sản kiến trúc đó, nhất là trong giai đoạn Thủ đô Hà Nội đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

Cục trưởng Đặng Thanh Tùng cho biết, triển lãm được tổ chức là sự kiện mở đầu cho các hoạt động hợp tác giữa Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước - Bộ Nội vụ, Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam và Cục Lưu trữ quốc gia Cộng hòa Pháp nhằm tiếp tục củng cố và phát triển mối quan hệ hợp tác tốt đẹp, truyền thống giữa hai quốc gia trong lĩnh vực lưu trữ; trong đó phải kể đến Hội thảo về hành trình gìn giữ Di sản Ký ức chung, Triển lãm tài liệu lưu trữ kỷ niệm 100 năm thành lập Nha Lưu trữ và Thư viện Đông Dương vào tháng 12 sắp tới tại Hà Nội hay Triển lãm tài liệu lưu trữ về quan hệ hợp tác Việt Nam và Pháp nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 2018.

Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Bertrand Lortholary cho biết, triển lãm diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Nha Lưu trữ và Thư viện Đông Dương, đây là một trong những minh chứng cho mối quan hệ bền lâu của hai nước, đặc biệt là việc gìn giữ và phát huy các di sản lưu trữ. Việt Nam và Pháp có truyền thống lịch sử chung rất dài và đa dạng, là nền tảng vững chắc để hướng tới tương lai. Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước có vai trò quan trọng gìn giữ quá khứ để vạch ra con đường cho tương lai.

Những công trình được giới thiệu qua tài liệu lưu trữ không những minh chứng cho sự hiện diện của Pháp tại Việt Nam mà còn chính là nét hấp dẫn, tạo nên bản sắc của Thủ đô Hà Nội, Đại sứ Bertrand Lortholary nói.

Triển lãm kéo dài đến ngày 05/11./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích