Nhiều cây xăng than không có hàng
Ngày 25.10, theo thông tin từ Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, có 13 cửa hàng xăng dầu tại địa phương hiện không còn hoạt động có lý do. Chưa kể đến cuối ngày 24.10 có thêm 15 cửa hàng xăng dầu treo bảng hết một trong 2 mặt hàng xăng hoặc dầu. Anh Nguyễn Văn Tân (ngụ đường Phan Đình Phùng, Đà Lạt) cho biết dọc QL20, đoạn qua huyện Đức Trọng và Di Linh, nhiều cửa hàng rơi vào tình trạng hết xăng, còn dầu hoặc ngược lại. Chủ cửa hàng xăng dầu M.Đ tại P.8, TP.Đà Lạt - đơn vị nhượng quyền thương mại của Petrolimex Lâm Đồng cũng thừa nhận, nguồn cung xăng khan hiếm từ mấy ngày qua. Thế nên sau khi bán định mức cho khách 30.000 đồng một lần đổ xăng, nay cửa hàng này chính thức “treo cò” hết xăng bán.
Vị này cho biết: “Thương nhân phân phối báo chiết khấu 200 - 250 đồng/lít, hoa hồng đã thấp nhưng nếu có đặt hàng cũng chỉ để giữ giá, còn giao hàng khi nào là quyền của họ. Bởi ngay chính họ cũng chưa chủ động được nguồn hàng về lúc nào. Gia đình kinh doanh hơn 20 năm, chưa từng thấy tình cảnh này. Đã lỗ tiền tỉ từ tháng 6 đến giờ. Nay không những lỗ mà còn không có hàng để bán. Trung bình trong 1 tuần có vài ngày hết xăng, không có hàng”.
Thị trường xăng dầu liên tục tái diễn tình trạng khan hàng, đứt gãy nguồn cung
NHẬT THỊNH
Trước đó, Sóc Trăng cũng thông tin khoảng 10% số cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh đang “không mua được hàng, hết hàng” từ mấy ngày qua, do doanh nghiệp (DN) đầu mối không cung cấp đủ hàng. Dọc quốc lộ qua các tỉnh miền Tây Nam bộ như Sóc Trăng, Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau,… đến sáng 25.10, theo phản ánh của nhiều bạn đọc Báo Thanh Niên, vẫn có nhiều cửa hàng chỉ bán 1 trong 2 mặt hàng xăng hoặc dầu, có nơi “đứt hàng” cả hai loại.
Bà Trần Thị Thảo, chủ một cửa hàng xăng dầu tại Cà Mau, thông tin cửa hàng của gia đình mua không có hàng, phải đóng cửa 3 - 4 ngày. Khi nào hàng về bán hết rồi lại đóng cửa tiếp chờ hàng. “Dần dần, khách bỏ đi tìm các cửa hàng xăng của Petrolimex để mua vì đa số cửa hàng của DN nhà nước thường đủ hàng. Cuối cùng, DN nhỏ như chúng tôi vừa mất khách, mất thu nhập, lỗ và phá sản chỉ trong nay mai”, bà Thảo bức xúc.
Tại TP.HCM, nơi đang có hàng trăm cửa hàng bán lẻ xăng dầu dù đã được cơ quan quản lý khẳng định không để tình trạng đứt gãy, Petrolimex Saigon cam kết nguồn dự trữ không thiếu… thì tính hết ngày 24.10, theo số liệu báo cáo của Sở Công thương TP.HCM, số cửa hàng đang hoạt động là 392, số tạm dừng hoạt động chỉ 4 cửa hàng; nhưng số có nguồn cung bị gián đoạn liên tục, không đủ các mặt hàng vẫn lên đến 51 cửa hàng,...
Mượn xe, mang túi nilon đi mua xăng vì nhiều trạm nghỉ bán
Lỗ nên không bán, không nhập?
Trong cuộc họp mới đây giữa Bộ Công thương, Hiệp hội Xăng dầu VN và các DN đầu mối, Bộ Công thương đã nêu đích danh các DN không bảo đảm số lượng nhập khẩu được giao như Công ty Hưng Phát, Phúc Lâm, Giang Nam, Trung Linh Phát, Phúc Lộc Ninh, Thương mại Sài Gòn,… Trao đổi với Thanh Niên, một trong những DN nói trên phân trần, chi phí nhập khẩu xăng đang lỗ đến 650 đồng/lít, nên càng nhập về nhiều, mức lỗ càng tăng, DN không “gồng” nổi, đành vi phạm, chấp nhận bị cơ quan quản lý phạt hành chính, thậm chí rút giấy phép chứ không thể nhập khẩu để phá sản, tình hình càng tồi tệ hơn.
TP.HCM sẽ quy định thời gian bán xăng dầu
Ngày 25/10, Sở Công thương TP.HCM lấy ý kiến góp ý cho dự thảo tờ trình, quyết định ban hành quy định giờ bán hàng, các trường hợp dừng bán hàng, quy trình thông báo trước khi dừng bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, dự thảo tờ trình quy định thời gian bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải rõ, cụ thể hơn, bởi thực tế có cửa hàng đăng ký bán đến 17 - 18 giờ - giờ cao điểm nhu cầu đổ xăng dầu của người dân tăng cao; quy định tối đa thời gian được tạm dừng bán hàng,…
Sở Công thương TP cho rằng việc xin ngưng bán hàng, thường có ý kiến chấp thuận của Sở Công thương đối với các trường hợp tạm dừng bán hàng tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu gặp khó khăn (cá biệt có trường hợp đối phó của DN) vì chưa có quy định cụ thể các trường hợp được tạm dừng bán hàng.
Đồng thời, cũng chưa có quy định thời gian tối đa được tạm dừng bán hàng, trình tự cần thực hiện đối với trường hợp cần thiết phải gia hạn thời gian tạm dừng bán hàng (thực hiện nâng cấp sửa chữa nhưng chưa thể hoàn thành theo thời gian dự kiến; thương nhân kinh doanh đối với cửa hàng xăng dầu có việc tang; công nhân đình công...). Mặt khác có tình trạng chỉ khi có kiểm tra, nhắc nhở của cơ quan chức năng, DN mới liên hệ Sở Công thương để được chấp thuận đề nghị tạm dừng bán hàng của cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
|
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN, cũng cho biết chi phí nhập khẩu dù đã được điều chỉnh song thời gian vừa qua lại biến động tăng rất cao, việc điều chỉnh không theo kịp, không sát thực tế nên các DN lỗ hơn 2.000 tỉ đồng trong quý 3 ngay tại khâu tạo nguồn. Ông kiến nghị nên rà soát chi phí, thay đổi 3 tháng một lần thay vì 6 tháng, giúp DN cắt lỗ; lấy Quỹ bình ổn bù trực tiếp vào chênh lệch của premium nhập khẩu để bằng với giá trong nước.
“Xăng dầu trong nước đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu, nguồn cung thế giới thì đang tràn trề, giá lại rẻ, nên chắc chắn không có chuyện thiếu xăng dầu. Đơn giản là các DN làm ăn không có lời nên họ không nhập để bán nữa”, TS Huỳnh Thanh Điền, giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, khẳng định và cho rằng gốc rễ của vấn đề là điều hành thị trường xăng dầu. Cụ thể, nhà nước quản lý giá xăng dầu nhưng thường xuyên thay đổi giá. Mỗi tháng điều chỉnh 1 lần, mỗi lần điều chỉnh lại là cơ hội cho hiện tượng đầu cơ xuất hiện nếu giá kỳ tới tăng mạnh.
Trong thực tế, đã có tình trạng người bán biết ngày mai tăng giá nên ghim hàng, chờ “ăn” lời lớn. Thông tin thì rò rỉ, cây xăng bán hạn chế. Người dân thấy “có biến” thì lại lao đi mua xăng, xếp hàng dài chờ mua xăng, tạo thêm hiệu ứng gây bất ổn thị trường. Đó là tình trạng của trước đây. Mặt khác, nguyên tắc là khi nhà nước quản lý giá thì thường dẫn đến thiếu hụt. Việc áp giá trần khiến giá loại mặt hàng được quản lý sẽ luôn thấp hơn giá thị trường, dẫn tới cầu nhiều, cung giảm, thiếu hụt sản phẩm và nhà nước phải tìm cách bù đắp vào phần thiếu đó. Vì thế, nếu chọn hướng điều hành xăng dầu dưới sự quản lý như hiện nay thì cần giảm tần suất điều chỉnh giá, một năm chỉ điều chỉnh 2 - 3 lần.
Trao đổi với Thanh Niên, từ DN đầu mối, đến thương nhân phân phối, DN bán lẻ đều đưa ra một lý do duy nhất cho tình trạng đứt gãy nguồn cung hiện lại là do lỗ quá nhiều, không thể kinh doanh được.
Để giải quyết vấn đề này, theo TS Huỳnh Thanh Điền, nguyên tắc của quản lý nhà nước là một khi đã để nhà nước quản lý thì không cần quan tâm giá thế giới, không cần theo thị trường. Giống như giá điện của VN cũng khác với giá điện các nước. Còn không thì thả tự do theo thị trường, chỉ quản lý vấn đề độc quyền. Phải cấp phép cho nhiều đơn vị được phép nhập khẩu xăng dầu. Xu hướng thế giới lên thì giá trong nước lên, xuống thì giá trong nước xuống theo. Nhà nước chỉ cần tập trung mở rộng kho dự trữ quốc gia để can thiệp trong nước trường hợp đặc biệt, đảm bảo an ninh năng lượng./.
Theo Thanh Niên