Giữ vai trò động lực
Giám đốc Sở KH&CN - Lê Quốc Dũng cho biết: Năm 2017, sở triển khai thực hiện 35 DA, đề tài chuyển tiếp từ các năm trước sang, gồm 2 mô hình nhân rộng, 27 đề tài/DA cấp tỉnh, 6 đề tài/DA cấp cơ sở. Đa số đề tài, dự án thuộc lĩnh vực: Nông nghiệp, xã hội nhân văn, một số đề tài về y tế, tài nguyên và môi trường,...
Mô hình thử nghiệm quy trình canh tác rau an toàn ứng dụng công nghệ cao do Trung tâm Khuyến nông thực hiện
Hiện nay, Sở đang triển khai 3 đề tài cấp nhà nước, trong đó có 2 DA do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN chủ trì: “Ứng dụng công nghệ sản xuất phân phức hợp hữu cơ vi sinh từ bùn đáy ao nuôi thủy sản và rơm rạ cho các loại cây trồng chính của tỉnh Long An”; “Ứng dụng công nghệ sản xuất các chế phẩm sinh học từ hèm rượu, cám gạo, phân trùn quế phục vụ nông nghiệp tại tỉnh Long An”. 2 DA này nhằm mục tiêu chuyển đổi phương thức canh tác truyền thống sang hướng canh tác hữu cơ, giảm phân hóa học, góp phần chăm sóc sức khỏe người dân và bảo vệ môi trường. Một DA khác là “Khai thác và phát triển nguồn gen giống lúa Nàng thơm Chợ Đào tại xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An” do Trường Đại học Cần Thơ chủ trì thực hiện.
Bên cạnh đó, Sở KH&CN tiếp tục triển khai một số đề tài từ các năm trước chuyển sang, đạt kết quả khả quan: Cây khoai mỡ Bến Kè; sơ chế, bảo quản chanh không hạt; thử nghiệm các mô hình nuôi ong dú; cá lăng nha; nuôi ếch kết hợp cá rô trong vèo,... Các đề tài này được nghiên cứu, triển khai nhằm góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và giúp nông dân tiếp cận các quy trình kỹ thuật tiên tiến, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống.
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp
“Chuyển giao quy trình công nghệ cao sản xuất rau an toàn cho Trung Tâm Khuyến nông tỉnh Long An” là một trong những đề tài khoa học được Sở KH&CN nghiệm thu vào cuối tháng 9-2017. Đề tài được Hội đồng Khoa học tỉnh đánh giá xuất sắc và khả năng ứng dụng trong thực tiễn, do kỹ sư Nguyễn Thanh Tùng (nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh) làm chủ nhiệm. Đề tài thực hiện nhằm hoàn thiện quy trình canh tác rau an toàn ƯDCNC cho một số loại rau ăn lá (cải xanh, xà lách, húng quế), rau ăn quả (dưa leo, dưa lưới và cà chua) để tăng năng suất cây trồng, bảo đảm các tiêu chuẩn về rau an toàn.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng mô hình canh tác rau ăn lá và rau ăn quả trong nhà màng ƯDCNC tại đơn vị (1.000m2); xây dựng mô hình vườn ươm để nhân giống (cây ghép) phục vụ trồng rau trong nhà màng và cung cấp cho nông dân trong tỉnh trong thời gian tới (500m2); mô hình sơ chế, xử lý, đóng gói bảo quản rau (120m2), kho chứa vật tư (30m2); 5 mô hình trồng rau gia đình (tại Tân An, Bến Lức và Đức Hòa). Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông tỉnh còn đào tạo, huấn luyện, tư vấn nhằm nâng cao năng lực, trình độ cho các cán bộ kỹ thuật, nông dân về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp ven đô của tỉnh Long An.
Mô hình trồng dưa lưới thử nghiệm tại Trạm nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ Đồng Tháp Mười
Kỹ sư Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ: Sau hơn 3 năm thực hiện đề tài, cán bộ kỹ thuật tại Trung tâm Khuyến nông tỉnh được tiếp cận và nắm vững quy trình kỹ thuật sản xuất cây giống tiên tiến trong nhà màng. Ngoài ra, qua thực nghiệm sản xuất các loại rau ăn quả, rau ăn lá trong nhà màng tại đây, năng suất tăng bình quân 20-30% so với phương pháp trồng truyền thống. Riêng các mô hình trồng rau thủy canh hoàn lưu, rau non có rất nhiều hộ gia đình làm theo, cung cấp rau sạch cho doanh nghiệp thu mua và chợ truyền thống. Kết quả của đề tài góp phần thúc đẩy việc thực hiện mô hình 2.000ha rau an toàn ƯDCNC của tỉnh (từ năm 2016-2020) và phát triển các mô hình nông nghiệp ven đô của tỉnh trong thời gian tới.
“Nghiên cứu và xây dựng hệ thống theo dõi tưới tiêu thông minh trên cây thanh long” là đề tài do PGS.TS Lê Đình Tuấn - Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An, chủ trì thực hiện và đang thực nghiệm trên 1.500 trụ thanh long tại vườn nhà ông Trương Quang An, Hợp tác xã Thanh long Tầm Vu. Đề tài nhằm hướng tới canh tác nông nghiệp bằng công nghệ cao, nâng cao năng suất, bảo đảm chất lượng sản phẩm, giảm thiểu chi phí canh tác, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng.
Theo PGS.TS Lê Đình Tuấn, hệ thống theo dõi tưới tiêu thông minh trên cây thanh long được thiết kế và xây dựng với nhiều chức năng: Theo dõi hoạt động và điều khiển trạng thái các vùng trồng; theo dõi điều kiện môi trường (nước và dinh dưỡng của đất) của vùng trồng thông qua các thiết bị cảm biến; lập lịch hoạt động trong ngày/tháng của toàn bộ vùng tưới tùy theo giai đoạn phát triển của cây trồng;...
Kết quả bước đầu triển khai mô hình tại Hợp tác xã Thanh long Tầm Vu, hệ thống hoạt động ổn định và mang lại lợi ích kinh tế đáng kể. So sánh chi phí công tưới nước cho 1.500 trụ này với phương pháp truyền thống, người trồng có thể tiết kiệm chi phí 67,5 triệu đồng/năm. Ngoài ra, người dùng có thể giảm số lượng đầu vào (sử dụng nước, phân bón một cách chính xác) và thu được lợi nhuận bằng cách tiết kiệm các chi phí liên quan.
Ông Lê Quốc Dũng cho rằng, hoạt động KH&CN đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần giải quyết một số vấn đề bức xúc của xã hội; đa dạng hóa các giống cây trồng, vật nuôi, tăng hiệu quả sản xuất./.
Mai Hương