Khó khăn chỉ mới bắt đầu?
Châu Âu có lẽ cho rằng với việc Dòng chảy phương Bắc 2 gần hoàn thành và cuộc khủng hoảng khí đốt Moldova tìm được giải pháp, những vấn đề về năng lượng đã đến hồi kết. Tuy nhiên, thực tế lại không phải như vậy. Việc Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko gần đây đe dọa sẽ đóng cửa đường ống Yamal cho thấy những vấn đề trên mới chỉ là khởi đầu. Hiện nay, hàng nghìn người di cư đang đổ về biên giới với Ba Lan và nếu không thể đối phó với cuộc khủng hoảng kép này, châu Âu có thể sẽ phải trải qua một mùa đông đầy khó khăn.
Khủng hoảng biên giới giữa Belarus và các nước châu Âu. Ảnh: Reuters
Các nhà quan sát phương Tây cho rằng đường ống Yamal - châu Âu trung chuyển khí đốt qua Belarus tới Ba Lan và Đức đang trở thành quân bài để Tổng thống Lukashenko gây sức ép nhằm tìm kiếm sự nhượng bộ từ châu Âu. Brussels vừa thông báo áp lệnh trừng phạt mới nhằm vào Belarus để phản ứng trước cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới Ba Lan - Belarus.
Theo National Interest, khoảng 2.000 người di cư hiện đang mắc kẹt không thể vào Ba Lan và cũng không thể quay lại Belarus. Phản ứng trước điều gọi là "cuộc tấn công chiến tranh lai", Ba Lan đe dọa sẽ đóng cửa biên giới. Đáp lại, Tổng thống Lukashenko cho biết ông sẽ dừng việc cung cấp khí đốt.
"Chúng tôi đang cung cấp khí đốt cho châu Âu nhưng họ lại đe dọa rằng sẽ đóng cửa biên giới. Vậy điều gì xảy ra nếu chúng tôi chấm dứt cung cấp khí tự nhiên? Vì thế, tôi đề nghị giới lãnh đạo Ba Lan, Litva và các nhà lãnh đạo khác nên cân nhắc trước khi phát ngôn", Tổng thống Lukashenko nhận định.
Theo National Interest, quyết định của Tổng thống Belarus khi cho phép dòng người di cư tiến về biên giới các nước láng giềng và đe dọa cắt nguồn cung khí đốt phục vụ cho hai mục đích. Thứ nhất, đây là một động thái mang tính răn đe nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt của EU. Thứ hai, Belarus muốn sự nhượng bộ từ châu Âu. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov từng đề nghị châu Âu nên trả tiền cho Belarus để giải quyết vấn đề người di cư, tương tự như những gì họ từng làm với Thổ Nhĩ Kỳ để ứng phó với dòng người tị nạn từ Syria. Những khoản chi trả này có thể giúp Belarus chống chọi trước các lệnh trừng phạt của EU.
Ba Lan đã yêu cầu EU tiến hành "các biện pháp cụ thể" nhằm hỗ trợ nước này trong cuộc xung đột, yêu cầu EU đồng hỗ trợ ngân sách cho bức tường biên giới mà nước này có kế hoạch xây dựng. Ba Lan cũng đặt ra khả năng kích hoạt Điều 4 trong Hiến chương NATO, dẫn đến các cuộc tham vấn với các đồng minh khác nhằm thảo luận về các mối đe dọa với an ninh của Ba Lan, Litva và Latvia. Hiện nay, lập trường của EU chủ yếu là đứng về phía Ba Lan, chỉ trích các hành động của Belarus và áp đặt các biện pháp trừng phạt.
Lệnh trừng phạt được EU thông báo chủ yếu nhằm vào các hãng hàng không và vận chuyển của Belarus, vốn là những đơn vị đưa người di cư sang Belarus cùng với 30 quan chức nước này có liên quan đến chính quyền Tổng thống Lukashenko. Một số nước Trung Đông đã dừng các chuyến bay tới Belarus. Iraq bắt đầu quá trình đưa công dân từ Minsk hồi hương.
Tổng thống Lukashenko đã gọi những cáo buộc rằng Belarus đứng sau tình hình hỗn loạn hiện nay là "vô lý". Ông đe dọa sẽ đáp trả các lệnh trừng phạt mới của EU. Cắt nguồn cung khí đốt có thể là một lựa chọn. Khi được hỏi về khả năng này, Tổng thống Putin trả lời rằng Tổng thống Belarus không đề cập đến vấn đề này với ông song nhà lãnh đạo này chắc chắn có khả năng thực hiện điều đó.
Rạn nứt trong lòng EU
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - người đang cố gắng giành được nhiệm kỳ nữa vào năm tới, đã có cuộc trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 16/11. Cuộc điện đàm này của hai nhà lãnh đạo đã vấp phải phản ứng từ phía Ba Lan khi nước này cho rằng đã bị bỏ lại trong những cuộc thảo luận về chính biên giới của mình.
Diễn biến trên cho thấy căng thẳng ngày càng mở rộng trong những liên minh phương Tây như EU và NATO nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng leo thang ở biên giới với Belarus.
Ba Lan đã từ chối lời đề nghị của Đức nhằm hỗ trợ đảm bảo an ninh biên giới giữa nước này và Belarus. Ngày 16/11, Ba Lan cho biết nước này bắt đầu xây dựng một hàng rào biên giới thứ hai lớn hơn.
Một quan chức EU cho biết, Thủ tướng Đức Angela Merkel, người vốn thường trao đổi trực tiếp với Nga và Belarus, đã không tham gia cùng với các nước Baltic và Ba Lan chuẩn bị cho cuộc điện đàm bởi tính chất nhạy cảm của vấn đề.
Trong khi đó, các thành viên EU ở phía đông từ lâu đã không hài lòng với sự hợp tác của bà Merkel với Nga và Belarus. Bất chấp sự phản đối từ Mỹ và các nước Đông Âu, Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn tiếp tục dự án Dòng chảy phương Bắc 2 với Nga.
Cho tới nay, Mỹ vẫn thận trọng quan sát tình hình. Mỹ hiện chưa có đại sứ quán tại Ba Lan, Pháp và Đức, dẫn tới sự hạn chế của các cuộc tiếp xúc cấp cao.
Về phía Pháp, nước này không ủng hộ đề xuất từ 12 quốc gia EU nhằm cung cấp ngân sách cho bức tường biên giới giữa Ba Lan và Belarus, Ngoại trưởng Pháp phụ trách các vấn đề châu Âu Clément Beaune cho biết sáng 16/11.
"Tôi ủng hộ châu Âu bảo vệ biên giới nhưng không phải một châu Âu dựng lên những bức tường và hàng rào dây thép gai", Ngoại trưởng Pháp tuyên bố trên kênh France 2 sau khi Ba Lan thông báo bắt đầu xây dựng một bức tướng biên giới vào tháng 12 tới.
Ba Lan đã xây dựng hàng rào dây thép gai để hạn chế dòng người di cư vượt biên từ Belarus. Chính phủ nước này cũng có kế hoạch sẽ hoàn thành bức tường biên giới vào mùa hè năm 2022./.
Theo VOV.VN