Tiếng Việt | English

04/03/2017 - 05:27

Khuyến cáo người tiêu dùng không nên ham rẻ mua gia cầm trôi nổi

 

Nhân viên thú y kiểm tra, đóng dấu kiểm dịch sản phẩm thịt gia cầm tại Hải Dương. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Trước thông tin về tình hình dịch cúm gia cầm đang xảy ra tại nhiều địa phương, sáng ngày 3/3 tại cuộc Họp báo thường kỳ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đại diện Cục Thú y cũng đã đưa ra những khuyến cáo nhằm giúp người tiêu dùng yên tâm lựa chọn và sử dụng các sản phẩm từ gia cầm an toàn.

Theo ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y, tính đến ngày 2/3, cả nước có 15 ổ dịch cúm gia cầm xảy ra tại 15 hộ chăn nuôi thuộc 11 xã của 7 tỉnh chưa qua 21 ngày. Trong số đó, dịch cúm A/H5N1 xảy ra tại 10 hộ của 8 xã và cúm A/H5N6 xảy ta tại 5 hộ chăn nuôi của 3 xã.

“Toàn bộ gia cầm trong đàn mắc bệnh đã được cơ quan thú y và chính quyền địa phương tổ chức tiêu hủy đồng thời thực hiện tiêu độc khử trùng ổ dịch và quản lý vùng có ổ dịch. Mặt khác, các địa phương cũng đã kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm trên địa bàn và tuyên truyền để người dân hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc giám sát, phát hiện và xử lý dịch kịp thời,” Phó Cục trưởng Đàm Xuân Thành nói.

Tuy nhiên, vị đại diện Cục Thú y cũng cho rằng, nguy cơ dịch phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao. Một số chủng virus cúm gia cầm chưa có ở Việt Nam (A/H7N9, A/H5N2, AH5N8) có nguy cơ xâm nhiễm vào trong nước thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu.

“Do đó, các địa phương cần chủ động trong công tác phòng, chống cúm gia cầm; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm, giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời,” Phó Cục trưởng Đàm Xuân Thành nhấn mạnh.

Hiện nay, trên thị trường các sản phẩm gia cầm vẫn được bày bán khắp các chợ đầu mối, cũng như nhiều chợ dân sinh. Điều này khiến nhiều người tiêu dùng tỏ ra lo ngại khi lựa chọn và sử dụng các sản phẩm từ gia cầm. Trước thực tế đó, đại diện Cục Thú y cũng đã đưa ra những khuyến cáo nhằm giúp người tiêu dùng yên tâm lựa chọn và sử dụng các sản phẩm từ gia cầm an toàn.

Phó Cục trưởng Đàm Xuân Thành khuyến cáo, người tiêu dùng nên mua các sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, không nên “ham rẻ” mua những sản phẩm gia cầm trôi nổi, không có nguồn gốc rõ ràng dễ mang mầm bệnh.

Phó Cục trưởng Đàm Xuân Thành khuyến cáo người dân nên mua gia cầm có nguồn gốc rõ ràng để làm thực phẩm. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)

“Mặt khác, người tiêu dùng nên mua những sản phẩm có sự kiểm soát của cơ quan thú y thông qua việc kiểm soát giết mổ. Bởi thông qua kiểm soát giết mổ, cơ quan thú y đã kiểm soát từng con và có đóng dấu trên từng sản phẩm nên đảm bảo về chất lượng,” ông Thành nói.

Ông Thành cũng khuyến cáo người dân đặc biệt không chủ quan khi có dịch hoặc khi không có dịch và tuyệt đối không ăn tiết canh, không ăn các sản phẩm gia cầm chưa được nấu kỹ. Sau khi tiếp xúc với gia cầm thì nên rửa tay bằng xà phòng.

“Đối với virus cúm H5N1 và H5N6 hiện đã có vắcxin tiêm phòng rồi nên bà con nên tiến hành tiêm phòng để phòng ngừa dịch bệnh. Đặc biệt, người dân không được vứt xác gia cầm chết bừa bãi tránh lây lan dịch bệnh.

Khi phát hiện gia cầm có hiện tượng ốm chết cần báo ngay cho cơ quan thú y. Khi báo cho cơ quan Thú y thì bà con sẽ được nhận hỗ trợ khi gia cầm bị chết và hỗ trợ việc tiêu hủy đồng thời được hỗ trợ tiêu độc, khử trùng, tiêm phòng dịch bệnh. Mặt khác, trường hợp nếu lực lượng chức năng phát hiện việc người dân vứt xác gia cầm bừa bãi sẽ bị xử phạt theo quy định của chính phủ,” ông Thành nhấn mạnh.

Đối với hoạt động chăn nuôi, ông Nguyễn Đức Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng khuyến cáo người nuôi cần mua con giống có nguồn gốc rõ ràng, không mua những sản phẩm giống gia cầm không rõ nguồn gốc dễ mang mầm bệnh. Theo đó, trong quá trình chăn nuôi cần tiến hành tiêu độc khử trùng và chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, chăn nuôi theo hướng VietGAP, chăn nuôi theo chuỗi để đảm bảo chất lượng.

Mặt khác, theo Phó Cục trưởng Nguyễn Đức Trọng, để phòng chống việc nhập lậu gia cầm qua biên giới, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng đã triển khai dự án tăng cường năng lực sản xuất giống tại chỗ cho 7 tỉnh biên giới phía Bắc và dự án này đã phát huy được hiệu quả.

“Qua dự án này, Cục Chăn nuôi cũng đề xuất nên tăng quy mô của dự án tại 7 tỉnh này lên gấp 5 lần để tăng hiệu quả. Như thế người dân sẽ chủ động được con giống và giảm được việc nhập lậu qua biên giới, giảm bớt nguy cơ lây lan dịch bệnh,” Phó Cục trưởng Nguyễn Đức Trọng cho hay./.

Theo báo cáo thống kê của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến ngày 2/3/2017, cả nước có 15 ổ dịch xảy ra tại 7 tỉnh chưa qua 21 ngày bao gồm:

- Bạc Liêu (cúm A/H5N1): Dịch xảy ra tại 1 hộ chăn nuôi thuộc xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long (đã qua 10 ngày). Số gia cầm chết và tiêu hủy là 2.785 con.

- Nam Định (cúm A/H5N1): Dịch xảy ra tại 3 hộ chăn nuôi thuộc xã Trực Thuận, huyện Trực Ninh (đã qua 19 ngày). Số gia cầm chết và tiêu hủy là 5.185 con.

- An Giang (cúm A/H5N1): Dịch xảy ra tại 1 hộ chăn nuôi thuộc xã Phú Mỹ Đông, huyện Thoại Sơn (đã qua 13 ngày). Số gia cầm chết và tiêu hủy là 80 con.

- Sóc Trăng (cúm A/H5N1): Dịch xảy ra tại 1 hộ chăn nuôi thuộc xã Mỹ Tú, huyện Mỹ Tú (đã qua 9 ngày). Số gia cầm chết và tiêu hủy là 945 con.

- Đồng Nai (cúm A/H5N1): Dịch xảy ra tại 1 hộ chăn nuôi thuộc xã Suối Trầu, huyện Long Thành (đã qua 14 ngày). Số gia cầm chết và tiêu hủy là 5.000 con.

- Nghệ An (cúm A/H5N1): Dịch xảy ra tại 3 hộ chăn nuôi của 3 xã. Cụ thể, tại phường Đông Vĩnh, thành phố Vinh: Dịch xảy ra tại 1 hộ chăn nuôi (đã qua 20 ngày). Số gia cầm chết và tiêu hủy là 2.700 con; tại xã Diễn Nguyên, Huyện Diễn Châu: Dịch xảy ra tại 1 hộ chăn nuôi (đã qua 17 ngày). Số gia cầm chết và tiêu hủy là 72 con; tại xã Diễn Cát, Huyện Diễn Châu: Dịch xảy ra tại 1 hộ chăn nuôi (đã qua 12 ngày). Số gia cầm chết và tiêu hủy 50 con.

- Quảng Ngãi (cúm A/H5N6): Dịch xảy ra tại 5 hộ chăn nuôi của 3 xã. Cụ thể, tại xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ: Dịch xảy ra tại 1 hộ chăn nuôi (đã qua 18 ngày), số gia cầm chết và tiêu hủy là 4.500 con; xã Tịnh Ấn Đông, thành phố Quảng Ngãi: Dịch xảy ra tại 3 hộ chăn nuôi (đã qua 18 ngày). Số gia cầm chết và tiêu hủy là 11.000 con, xã Bình Minh, huyện Bình Sơn: Dịch xảy ra tại 1 hộ chăn nuôi (đã qua 16 ngày). Số gia cầm chết và tiêu hủy là 2.000 con.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết