Tàu container cập cảng Tân Vũ. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Trong báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý 4/2016, Viện Nghiên cứu và Chính sách (VEPR) nhận định mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho năm 2017 là tương đối cao, và mục tiêu lạm phát ở mức 4% cho năm 2017 là không dễ dàng.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, để thực hiện mục tiêu tăng GDP năm 2017 khoảng 6,7% như Quốc hội giao, ngay từ đầu năm Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2016, tạo thuận lợi cho triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2452/QĐ-TTg ngày 15/12/2016 về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017.
Ngày 1/1, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2017 (là lần đầu tiên Chính phủ ban hành Nghị quyết 01 ngay từ ngày đầu năm để kịp thời có cơ sở cho các bộ, cơ quan, địa phương triển khai thực hiện sớm). Theo đó, xác định 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn, trong đó đã đề ra một số nhóm giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu tăng trưởng năm 2017, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược.
Để Nghị quyết sớm được thực thi, Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương ban hành chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, trong đó xác định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện; đồng thời tập trung và chủ động chỉ đạo, điều hành thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
Cùng với Nghị quyết 01, Chính phủ sẽ khẩn trương ban hành Chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết của Trung ương về tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng và Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 với nhiều nhiệm vụ, giải pháp sẽ được thực hiện ngay từ năm 2017.
Những nhiệm vụ, giải pháp được Chính phủ đề ra sẽ được đánh giá định kỳ hàng tháng để tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện, trường hợp cần thiết sẽ có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế nhằm bảo đảm thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu Quốc hội đã đề ra, nhất là mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,7% trong năm 2017.
Đối với việc đề xuất của Bộ Tài chính tăng mức thuế bảo vệ môi trường trong mỗi lít xăng dầu lên từ 3.000-8.000 đồng/lít trong dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường (sửa đổi) nếu được thông qua sẽ gây tác động mạnh đến thị trường, khiến xăng dầu có thể sẽ có đợt tăng giá mạnh kỷ lục, gây khó khăn thêm cho doanh nghiệp và người dân.
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng mức thuế này cao hơn nhiều so với khung thuế hiện hành và việc tăng thuế cao như vậy chưa chắc đã giúp môi trường sạch hơn. Vấn đề minh bạch nguồn thu và nguồn chi sử dụng tiền thu được từ thuế bảo vệ môi trường cũng được đặt ra.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay Luật Thuế bảo vệ môi trường hiện hành quy định khung mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là từ 1.000-4.000 đồng và Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền quyết định cụ thể mức thuế trong từng thời kỳ phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội và chính sách về bảo vệ môi trường của Nhà nước (hiện nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 3.000 đồng/lít).
Việc Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh khung mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là từ 3.000-8.000 đồng/lít mới đang trong quá trình soạn thảo xin ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp và người dân, chưa trình Chính phủ xem xét, thảo luận vấn đề này.
Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì khi trình dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường (sửa đổi), Bộ Tài chính phải hoàn thiện trên cơ sở tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân; đánh giá toàn diện các tác động tích cực, tiêu cực của chính sách đến kinh tế-xã hội trong trước mắt và lâu dài để báo cáo Chính phủ xem xét, thảo luận trước khi trình Quốc hội quyết định. Việc sử dụng nguồn thu từ thuế bảo vệ môi trường nói chung và thuế bảo vệ môi trường đối với xăng nói riêng được thực hiện công khai, minh bạch theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Bảo vệ môi trường./.
Theo TTXVN