Tiếng Việt | English

14/10/2024 - 06:59

Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh góp phần thực hiện bình đẳng giới

Thời gian qua, tỉnh Long An triển khai nhiều hoạt động, đề án nhằm khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh. Qua đó, góp phần thực hiện bình đẳng giới (BĐG), nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trang bị kiến thức về giới

Thực hiện BĐG là chủ trương lớn, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước, là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển KT-XH đất nước. Vì vậy, tỉnh triển khai nhiều giải pháp kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS), góp phần thực hiện BĐG cũng như xây dựng đất nước dân chủ, công bằng, văn minh và phát triển bền vững.\

Xóa dần sự phân biệt giữa con trai và con gái là trách nhiệm không của riêng ai

Tuyên truyền chính sách khuyến khích mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con giúp giảm mất cân bằng giới tính khi sinh

Theo Chi cục trưởng Chi cục Dân số (DS) - Đoàn Văn Ngà, tỷ số giới tính khi sinh được xác định bằng số bé trai trên 100 bé gái được sinh ra sống trong cùng một thời kỳ (năm) của một quốc gia hay một vùng, một địa phương nào đó. Tỷ số này thông thường từ 104-106 bé trai/100 bé gái. MCBGTKS xảy ra khi tỷ số này lớn hơn 106 hoặc nhỏ hơn 104. Hiện nay, MCBGTKS ở một số quốc gia châu Á là một trong những thách thức to lớn của công tác DS. Ở Việt Nam, từ cuộc tổng điều tra DS và nhà ở năm 1999, tỷ số giới tính khi sinh là 107 bé trai/100 bé gái; 10 năm sau, tỷ số này là 110,5 (năm 2009) và tăng lên 113,8 (năm 2013); năm 2023, tỷ số này vẫn là 112 bé trai/100 bé gái. Tại Long An, giai đoạn 2016-2023, tỷ số giới tính khi sinh luôn được kiểm soát và nằm ở mức cân bằng. Đặc biệt, từ năm 2019-2023, tỷ số giới tính khi sinh nằm ở mức 103,94 đến 104,8 bé trai/100 bé gái.

Đạt kết quả này là nhờ tỉnh thực hiện hiệu quả Đề án kiểm soát MCBGTKS. Trong đó, công tác truyền thông, giáo dục được ngành Y tế xác định là hoạt động quan trọng nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về vấn đề BĐG, vai trò của con trai và con gái là như nhau trong gia đình, nhất là gia đình nhiều thế hệ chung sống.

Vợ chồng chị Ngô Thị Kim Thời (ấp 5, xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ) cưới nhau hơn 10 năm và sinh được 2 con gái. Dù nhiều người động viên vợ chồng chị tiếp tục sinh con thứ 3 nhưng anh chị quyết tâm dừng lại để tập trung phát triển kinh tế gia đình, chăm sóc, nuôi dạy và tạo mọi điều kiện để con phát triển toàn diện, trở thành người hữu ích cho xã hội. Chị Kim Thời chia sẻ: “Sinh con ra mong cho con được khôn lớn, khỏe mạnh, sau này có cuộc sống hạnh phúc mới là điều quan trọng. Dù là con trai hay con gái thì việc hiếu nghĩa cũng như nhau”.

Xóa dần sự phân biệt giữa con trai và con gái là trách nhiệm không của riêng ai

Góc giáo dục sức khỏe giúp người dân hiểu hơn về các chính sách dân số và phát triển

Ngoài ra, ngành DS các cấp còn phối hợp Đoàn Thanh niên, các trường THPT trong tỉnh đưa nội dung giáo dục về BĐG, hệ lụy của MCBGTKS, các quy định về nghiêm cấm can thiệp lựa chọn giới tính khi sinh cho vị thành niên/thanh niên, học sinh khối 12. Qua đó, trang bị cho các em kiến thức cơ bản về giới và BĐG, những quy định của pháp luật đối với việc can thiệp lựa chọn giới tính. Ngành Y tế xác định đây chính là đối tượng đích mà công tác DS và phát triển hướng đến. Bởi  các em sẽ là thế hệ tương lai, góp phần đắc lực vào việc không can thiệp lựa chọn giới tính.

Triển khai nhiều chính sách

Ông Đoàn Văn Ngà cho biết thêm: “Tỉnh triển khai nhiều chính sách khuyến khích nâng cao chất lượng DS cho đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội; sống tại vùng biên giới, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, tỉnh còn có chính sách khuyến khích mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con; chế độ khen thưởng, khuyến khích duy trì vững chắc mức sinh thay thế, kiểm soát tình trạng MCBGTKS và nâng cao chất lượng DS đối với tập thể và cá nhân. Đặc biệt, tỉnh có các chế độ khuyến khích thực hiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình; chính sách khuyến khích cộng tác viên DS, gia đình và trẻ em; khuyến khích các hoạt động nâng cao chất lượng DS”.

Xóa dần sự phân biệt giữa con trai và con gái là trách nhiệm không của riêng ai

Ngoài ra, việc thực thi chính sách, pháp luật về kiểm soát MCBGTKS đạt hiệu quả thiết thực. Hàng năm, các đoàn đi kiểm tra, giám sát hệ thống y tế tư nhân và hệ thống y tế nhà nước (có siêu âm) và các cơ sở in, xuất bản ấn phẩm sách, báo, kết quả chưa phát hiện tổ chức, cá nhân nào sai phạm các quy định về can thiệp lựa chọn giới tính.

Có thể khẳng định rằng, không phải sinh con trai hay con gái là gia đình hạnh phúc mà giáo dục con trở thành người có ích cho xã hội mới là điều quan trọng. Bởi gia đình chính là chỗ dựa tinh thần giúp các con trưởng thành. Gia đình hạnh phúc, lành mạnh thì xã hội cũng phát triển vững mạnh.

Để kiểm soát MCBGTKS, tỉnh cần có giải pháp mở rộng đối tượng được hỗ trợ các chính sách DS đối với các gia đình sinh đủ 2 con một bề là gái có mức sống trung bình. Tỉnh cần có giải pháp ưu tiên đào tạo nghề và tuyển dụng đối với lao động nữ. Chính quyền địa phương cần có những giải pháp ưu tiên tạo điều kiện cho lao động nữ được tham gia các hoạt động phát triển KT-XH./.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết