Tiếng Việt | English

11/04/2024 - 08:25

Kiên quyết chấn chỉnh tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương, tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường được chấn chỉnh, góp phần bảo vệ hành lang an toàn giao thông (ATGT) đường bộ.

Huyện Đức Hòa tập trung các biện pháp xử lý tình trạng mua bán lấn chiếm lòng, lề đường tại khu vực chợ chiều Đức Hòa Đông, Đức Hòa Hạ trên Đường tỉnh 825

Chuyển biến tích cực ở các khu chợ tự phát

Thời gian qua, tình trạng họp chợ, buôn bán tự phát xảy ra tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, nhất là các địa phương phát triển công nghiệp, dịch vụ. Tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, có khu vực chợ chiều Đức Hòa Đông, Đức Hòa Hạ trên Đường tỉnh (ĐT) 825; khu vực chợ tự phát gần cầu Sông Tra, nút giao ĐT824 và ĐT830; chợ Bắc Đông trên Quốc lộ (QL) 62 (huyện Thủ Thừa);... Việc buôn bán tại các chợ tự phát tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ATGT và ảnh hưởng đến hành lang ATGT đường bộ.

Tại tuyến đường giữa 2 khu công nghiệp: Tân Đức - Hải Sơn (xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa), tình trạng buôn bán tự phát, nhất là vào giờ tan ca buổi chiều vẫn xảy ra. Sau khi tan ca, đa số công nhân thường tranh thủ ghé các sạp ven đường để mua hàng hóa.

Bà Nguyễn Thị Huệ - công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Tân Đức, cho biết: “Hầu hết công nhân tan ca thường ghé các sạp ven đường mua đồ bởi thuận tiện. Nếu ghé chợ sẽ nghịch đường, còn các sạp ven đường chỉ cần tấp vào là mua được ngay dù biết mua hàng hóa ở đây khó bảo đảm chất lượng và nguy hiểm, mất ATGT khi đậu xe dưới lòng đường”.

Còn tại khu vực chợ Bắc Đông (xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa), buổi sáng, nhiều tiểu thương buôn bán dọc theo 2 bên QL62. Tuy nhiên, so với trước đây, tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường tại các chợ tự phát đã giảm, tiểu thương và người dân có ý thức hơn trong việc mua bán.

Bà Đoàn Thị Mừng - tiểu thương chợ Bắc Đông, nói: “Ngày trước, tôi buôn bán ở lề đường. Tuy nhiên, phía ngoài xe qua lại đông tiềm ẩn nhiều rủi ro; hơn nữa, sau nhiều lần các cấp chính quyền vận động nên tôi quyết định vào bán ở khu vực lồng chợ. Ban đầu, khách ít nhưng giờ thì có lượng khách quen nên việc buôn bán cũng ổn định”.

Lực lượng Thanh tra Sở Giao thông Vận tải kiểm tra, nhắc nhở các trường hợp buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường tại chợ Bắc Đông, xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa

Theo Đội phó Đội Thanh tra giao thông số 3, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải - Huỳnh Mi Sol, để có sự chuyển biến tích cực từ các tiểu thương, thời gian qua, Đội thường xuyên phối hợp địa phương ra quân nhắc nhở các trường hợp buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường; đồng thời, thông qua hoạt động phối hợp, Đội cũng vận động, yêu cầu người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm, không mua bán lấn chiếm lòng đường để bảo đảm trật tự, ATGT. Đối với các trường hợp cố tình vi phạm, Đội tiến hành xử phạt vi phạm hành chính để lập lại trật tự.

Không để dẹp rồi lại phát

Theo Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải - Lê Văn Viên, để chấn chỉnh tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường, ngay từ đầu năm, Thanh tra Sở chỉ đạo các đội quản lý địa bàn chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch phối hợp công an cấp huyện, chính quyền địa phương cấp xã, Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Phòng Quản lý đô thị các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn quản lý về việc xử lý chợ tự phát, buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, bảo đảm trật tự, ATGT cũng như bảo vệ hành lang ATGT đường bộ.

Riêng trong 3 tháng đầu năm 2024, lực lượng Thanh tra Giao thông Vận tải thường xuyên tổ chức kiểm tra, nhắc nhở, giải tỏa các trường hợp mua bán lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nhắc nhở 291 trường hợp buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường tại khu vực cầu Bắc Đông, cầu Rạch Chanh, QL62; 642 trường hợp tại chợ Đức Hòa Đông, chợ Đức Hòa Hạ trên ĐT825 và tuyến đường Hải Sơn - Tân Đức; 272 trường hợp tại chợ cầu Sông Tra trên ĐT830 và gần 50 trường hợp tại khu vực trước Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh.

“Về lâu dài, để tránh tình trạng dẹp rồi lại phát, cần giải quyết 3 khâu quan trọng. Trong đó, chính quyền địa phương cần kiên quyết ngăn ngừa, không để tái phát; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cho các tiểu thương cũng như người mua, tiến tới từ bỏ dần thói quen tiện đâu mua đó.

Các ngành chức năng cần có giải pháp quản lý các chợ tự phát hoặc xây dựng các chợ dân sinh thay thế, nhất là tại các khu vực có nhiều khu, cụm công nghiệp tập trung đông công nhân, lao động. Riêng lực lượng Thanh tra Giao thông Vận tải tiếp tục thực hiện các giải pháp cũng như xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để tạo sức răn đe, phòng ngừa” - ông Lê Văn Viên thông tin.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp để quản lý chặt chẽ các khu vực chợ tự phát. Chủ tịch UBND xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa - Nguyễn Tuấn Khanh cho biết: “Với vai trò quản lý nhà nước tại địa phương, UBND xã xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai nhiều giải pháp để xử lý việc lấn chiếm lòng, lề đường của người dân tại các khu vực chợ tự phát.

Trong đó, UBND xã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân buôn bán không lấn chiếm lòng, lề đường; đồng thời, chỉ đạo lực lượng Công an xã tăng cường công tác tuần tra trên các trục đường để nhắc nhở, xử lý các trường hợp cố tình vi phạm. Hiện UBND xã áp dụng mô hình Camera giám sát an ninh, trật tự trực tiếp truyền dữ liệu về UBND xã để khi phát hiện các điểm nóng sẽ kịp thời chỉ đạo lực lượng Công an xã trực tiếp đến xử lý.

Ngoài ra, địa phương cũng tổ chức kẻ vạch đường, làm len sắt để giới hạn ranh giới được phép kinh doanh, làm cơ sở trong kiểm tra, xử lý. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng chức năng của xã xử lý hơn 20 trường hợp mua bán bằng xe lôi, xe kéo lấn chiếm lòng, lề đường và thu giữ nhiều dù, bạt, mái che của người dân lấn chiếm trong quá trình kinh doanh”.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa - Phạm Phú Nhã, thời gian qua, tại khu vực chợ Bắc Đông, một số tiểu thương còn buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường. “Trước tình hình đó, UBND xã chủ động chỉ đạo lực lượng Công an xã thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các tiểu thương không buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường.

Đồng thời, UBND xã cử lực lượng phối hợp lực lượng thanh tra giao thông tổ chức tuần tra, xử lý các trường hợp cố tình vi phạm. Đến nay, cơ bản các tiểu thương đã chấp hành. Hiện UBND xã mời các tiểu thương ký cam kết không buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường, bảo đảm ATGT” - ông Phạm Phú Nhã cho biết./.

Thông tin từ Thanh tra Sở Giao thông Vận tải, hiện Dự án cải tạo, nâng cấp QL62 đã được Chính phủ phê duyệt đề xuất dự án. Theo dự kiến, dự án Cải tạo, nâng cấp QL62 sẽ được khởi công trong năm 2025. Về quy mô, QL62 sẽ được cải tạo, nâng cấp thành đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h, mặt đường rộng 11m, gồm 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ.

Riêng đoạn qua thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh, QL62 sẽ được xây dựng mới tuyến tránh. Để tạo thuận lợi trong công tác bồi thường, thu hồi đất giải phóng mặt bằng, hiện lực lượng Thanh tra Sở tăng cường công tác kiểm tra và phối hợp các địa phương, đơn vị quản lý đường bộ rà soát hành lang ATGT đường bộ. Trong đó, Thanh tra Sở phấn đấu đến tháng 9/2024 sẽ rà soát, xử lý các trường hợp vi phạm về đấu nối vào QL62; xử lý, tháo dỡ các trường hợp lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ, các công trình xây dựng trái phép để tạo thuận lợi cho quá trình triển khai, thực hiện dự án.

Nhật Minh

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích