Tiếng Việt | English

17/08/2017 - 13:36

Khánh thành Khu di tích Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ, xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh

Kỳ cuối: Từ lịch sử đến công trình văn hóa

Di tích Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến (UBHCKC) Nam bộ với ý nghĩa lịch sử trọng đại, được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích quốc gia tại Quyết định số 42/2007/QĐ-BVHTT, ngày 03/8/2007. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ IX xác định công trình trùng tu di tích này là 1 trong 9 công trình trọng điểm.

Tôn vinh giá trị tinh thần của cha ông 

Tôn vinh tinh thần yêu nước và cách mạng, những giá trị truyền thống của cha ông, ý tưởng bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng của Di tích Căn cứ Xứ ủy và UBHCKC Nam bộ (1946-1949) được Tỉnh ủy hình thành và chủ trương từ Đại hội IX của Đảng bộ tỉnh.

Một góc khu Di tích Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ

Do ý nghĩa và tầm quan trọng có tính chất toàn vùng Nam bộ của di tích, Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định công trình cần sự hỗ trợ của Trung ương và các tỉnh trong khu vực. Theo đề nghị của Thường trực Tỉnh ủy, ngày 06/6/2010, Ban Bí thư có ý kiến tại Công văn số 34-TB/TW, đồng ý xây dựng Khu di tích Căn cứ Xứ ủy và UBHCKC Nam bộ tại xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh.

Ngày 26/4/2011, UBND tỉnh ra Quyết định số 1305/QĐ-UBND, phê duyệt lộ trình và phương án đầu tư công trình trọng điểm này. Theo đó, năm 2011: Giải phóng mặt bằng, lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt. Năm 2012: San lấp mặt bằng, sân đường thoát nước, bãi xe, cổng, hàng rào, cấp điện, cấp nước, phòng cháy, chữa cháy,... Năm 2013-2015: Phục hồi các di tích gốc, xây dựng các bia lưu niệm, nhà truyền thống,...

Dự án do Phân viện Khoa học Công nghệ xây dựng (KHCNXD) miền Trung lập quy hoạch kiến trúc, được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Kế hoạch và Ðầu tư Long An thẩm định, lập quy hoạch chi tiết, hoàn chỉnh dự án, được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3740/QĐ-UBND, ngày 25/10/2013, thời gian thực hiện dự án là 5 năm (2013-2017).

Đó là một tổng thể với tổng diện tích sử dụng đất 2,9ha, gồm 25 hạng mục công trình, chia làm 3 nhóm: Nhóm hạng mục hạ tầng kỹ thuật, tôn tạo cảnh quan (đào kênh và hồ cảnh quan, san nền, điện chiếu sáng, kè bảo vệ, cây xanh, thảm cỏ, cầu cảnh, cầu bộ hành, cầu đi dạo, nhà khách - nhà hành chính, cổng - hàng rào, cầu bắc qua kênh Dương Văn Dương, nhà bia tôn vinh, sân lễ,...), nhóm hạng mục tái tạo căn cứ kháng chiến (nơi ở và làm việc của các đồng chí: Lê Duẩn, Trần Văn Trà, Phạm Văn Bạch, các cơ quan: UBHCKC Nam bộ, Nhà in Nam bộ, Phòng Bào chế y dược,..., khuôn viên mộ ông Nguyễn Văn Siêu và bà Trần Thị Én,...), nhóm hạng mục nhà truyền thống, trưng bày.

Nhóm hạng mục tái tạo căn cứ kháng chiến được xử lý theo hướng phục dựng, phục chế trung thực không gian sinh hoạt hài hòa trong cảnh quan chung của vùng Đồng Tháp Mười. Hiện nay, dự án cơ bản hoàn thành với 19/25 hạng mục.

Căn cứ Xứ ủy và UBHCKC Nam bộ từ lịch sử với những điểm son đầy tự hào đến công trình văn hóa hôm nay là một chặng đường của tâm huyết, ý chí và nỗ lực của nhiều thế hệ cách mạng, lãnh đạo tỉnh, các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh trong việc tôn vinh giá trị truyền thống và tri ân các thế hệ đi trước hy sinh vì sự nghiệp cách mạng.

Công trình không những góp phần giáo dục truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, giúp thế hệ trẻ hiểu sâu sắc hơn về truyền thống cách mạng, yêu nước, truyền thống đấu tranh của quân - dân tỉnh nhà mà còn là điểm tham quan, vui chơi, giải trí, góp phần chỉnh trang bộ mặt nông thôn mới của huyện Tân Thạnh đang trên đà phát triển, cùng với các công trình văn hóa trọng điểm khác tạo nên bộ mặt văn hóa của tỉnh nhà, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH ở địa phương.

Thử góp thêm ý tưởng cho việc phác thảo hướng phát huy giá trị 

Mục tiêu của dự án Căn cứ Xứ ủy và UBHCKC Nam bộ nhằm tôn vinh giá trị di sản tinh thần của cha ông, góp phần giáo dục truyền thống, phục vụ phát triển du lịch và tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH khu vực Đồng Tháp Mười và tỉnh Long An.

Ngoài Căn cứ Xứ ủy và UBHCKC Nam bộ, còn có các di tích “vệ tinh” của vùng căn cứ bưng biền được xây dựng, tôn tạo: Bia lưu niệm sự kiện ra đời Đài Tiếng nói Nam bộ kháng chiến (xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh, ngày 13/7/2006),

Bia chiến thắng trận Mộc Hóa (thị xã Kiến Tường, 1993), Tượng đài Điện ảnh Khu 8 (thị xã Kiến Tường, 2010), Bia truyền thống Cơ quan Chính trị Quân khu 8 (xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh, 26/01/2016),... và nhiều di tích khác thuộc các thời kỳ lịch sử khác nhau. Cùng với việc tổ chức các hoạt động sinh hoạt truyền thống, Về nguồn, trưng bày, triển lãm, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu trên các phương tiện truyền thông,... trong những năm qua tác động tích cực, hiệu quả và lan tỏa cho mục tiêu này.

Vấn đề sắp tới là phải đổi mới phương pháp, nâng chất nội dung, hình thức các hoạt động trên nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Và điều quan trọng là cách tiếp cận với công chúng trong điều kiện cạnh tranh thông tin là hãy chủ động đưa văn hóa, sản phẩm văn hóa đến với công chúng thay vì chờ công chúng đến với sản phẩm của chúng ta một cách thụ động như bấy lâu nay.

Dự án này được khánh thành trong bối cảnh Long An đang triển khai Chương trình số 13-CTr/TU, ngày 16/5/2017 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, ít nhiều gợi lên suy nghĩ cho chúng ta.

Dù chúng ta nhận thức rằng, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, để “du lịch là ngành kinh tế quan trọng” là cả một cuộc hành trình đòi hỏi có sự hỗ trợ và đi lên đồng bộ về KT-XH của địa phương,... đặt trong mối tương quan chung của khu vực và cả nước trong bối cảnh giao lưu, hội nhập. Nhưng người viết vẫn xin mạn phép bộc lộ một vài suy nghĩ với hướng tiếp cận: Di sản văn hóa từ tiềm năng du dịch trở thành sản phẩm du lịch, với mục đích tham khảo để cùng nhau góp thêm một “viên gạch” cho mục tiêu này.

Phát huy giá trị Di tích Căn cứ Xứ ủy và UBHCKC Nam bộ, chúng ta không tiếp cận khu di tích này một cách bó hẹp, cục bộ mà phải đặt nó trong không gian lịch sử - văn hóa vùng Đồng Tháp Mười (thậm chí, trong sự liên kết với các địa phương ngoài tỉnh có không gian văn hóa, sinh thái Đồng Tháp Mười như Đồng Tháp, Tiền Giang,...), là một điểm đến cùng kết nối với các địa điểm di tích khác nhằm làm đa dạng, phong phú nội dung lịch sử - văn hóa của một vùng đất đặc thù mà chúng ta cần quảng bá.

Hãy để các nhà chuyên môn về du lịch kết nối vào tour, tuyến nhưng tại sao không là gò Giồng Dung (xã Hậu Thạnh Tây) - chứng tích cuộc kháng chiến của Võ Duy Dương; là Đồng 41 (xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh) mà còn đó nhân chứng sống Du Thị Đông với cánh tay bị cụt từ cuộc thảm sát của quân Mỹ và chư hầu Pắc Chung Hi (1967); hay địa điểm lưu niệm trận Mộc Hóa ngay sát chợ Kiến Tường ít nhiều có những đặc sản mùa nước nổi, trong một cự ly không xa với khu Núi Đất do chế độ Ngô Đình Diệm xây nên từ mồ hôi và cả xương máu của những người tù chính trị; trên đường lên Vĩnh Hưng là Di tích khảo cổ - tín ngưỡng tôn giáo chùa Nổi (xã Tuyên Bình), đồn Long Khốt (xã Thái Bình Trung) vừa để thăm vùng biên cương Tổ quốc với chứng tích hào hùng trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc biên giới Tây Nam và còn nhiều di tích khác nữa.

Và tất nhiên, không thể bỏ qua các điểm nhấn mang sắc thái không gian sinh thái Đồng Tháp Mười, là Khu sinh thái Làng Nổi Tân Lập, Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen được công nhận khu Ramsar và Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười,...

Kết nối di tích với khai thác tính đặc trưng văn hóa vùng đất. Quá trình ứng xử, thích nghi của con người với môi trường thiên nhiên nơi đây tạo ra yếu tố văn hóa đặc trưng của vùng đất này, biểu hiện ở văn nghệ dân gian, văn hóa ẩm thực mùa nước nổi, nghề truyền thống,...

Tại sao không thể lồng vào những chuyến đi thuyền trên sông nước, kênh, rạch giữa cánh rừng tràm, đồng sen,... những điệu hò Đồng Tháp ngọt ngào đầy tính tự sự được cất lên từ hướng dẫn viên, thuyết minh viên tham quan; hay hình thành những góc không gian ẩm thực Đồng Tháp Mười với những món ăn được khai thác từ sản vật tự nhiên và đậm phong cách dân dã, phóng khoáng mang dấu ấn của thời khẩn hoang, vừa có tính tổng hợp, cộng đồng nhưng không kém phần tinh tế; hoặc những làng nghề truyền thống làm mắm linh, mắm sặt, mắm lóc, mắm đồng, mắm ruột, mắm cá chốt,... và các loại khô, nuôi ong tràm, nấu dầu tràm, đan đệm bàng,...

Phát triển du lịch gắn với kinh tế cửa khẩu. Cửa khẩu Bình Hiệp được công nhận là cửa khẩu quốc tế đánh thức sự phát triển kinh tế cửa khẩu kéo theo du lịch cửa khẩu. Kết nối vào tour, tuyến du lịch cửa khẩu mở ra cơ hội cho Khu di tích Căn cứ Xứ ủy và UBHCKC Nam bộ và các di tích khác của Đồng Tháp Mười trở thành điểm đến.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử và biến thiên xã hội, từ một vùng đất hoang sơ rừng rậm và khắc nghiệt, dưới bàn tay khai mở, đấu tranh của các thế hệ cha ông, Đồng Tháp Mười trở thành căn cứ kháng chiến bưng biền lừng danh trong hai thời kỳ cách mạng và nay là vựa lúa của cả nước, xung yếu về quốc phòng - an ninh; tôn vinh tinh thần yêu nước và cách mạng, giá trị di sản tinh thần của cha ông nay phải được đặt trong bối cảnh hội nhập và phát triển chính là kế thừa và phát huy sức mạnh từ quá khứ để tạo nền tảng tinh thần vững chắc, làm động lực cho mục tiêu phát triển bền vững./.

Nguyễn Tấn Quốc

Chia sẻ bài viết