Tiếng Việt | English

18/08/2018 - 08:36

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng trận Mộc Hóa (1948 -2018): Dấu ấn trận mộc hóa

70 năm trôi qua, chiến thắng Mộc Hóa cùng những thước phim tư liệu về trận đánh của Tiểu đoàn 307 vẫn còn nguyên giá trị, là niềm tự hào của biết bao thế hệ.

Bắt sống đồn trưởng Louis Bertrand trong trận Mộc Hóa năm 1948

Trận “công đồn - đả viện”

Tiếp nối trận chống càn 6.000 quâ Bertrand n Pháp ở Đồng Tháp Mười đầu năm 1948, trận Mộc Hóa diễn ra cách đây 70 năm (từ ngày 16 đến 18/8/1948) là trận “công đồn - đả viện” hiệu quả của quân, dân Tân An và Khu 8 trong thời điểm “bản lề” của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đồn Mộc Hóa của địch bấy giờ có khoảng 70 quân đóng ở đỉnh gò Bắc Chiêng (nay thuộc thị xã Kiến Tường), một vị trí quan trọng ở phía Bắc trung tâm căn cứ Đồng Tháp Mười của ta, gần giáp Campuchia, nơi có đường sông, gần đường bộ. Giặc Pháp án ngữ tại đây, thường xuyên càn quét, đốt phá nhà dân, kiểm soát, khống chế một khu vực rộng lớn.

Quân khu 8 (với đề xuất của trung đoàn 120 tỉnh Tân An) chủ trương tấn công đồn Mộc Hóa lần thứ hai nhằm nhổ “cái gai lớn” án ngữ vùng biên giới, giải phóng huyện, mở rộng căn cứ Đồng Tháp Mười, khai thông đường hành lang vận chuyển lực lượng khí tài giữa 3 khu: 7, 8 và 9, đồng thời “đánh trận ra mắt” để xây dựng truyền thống tiểu đoàn chủ lực đầu tiên của Khu 8 là D307 mới thành lập (05/7/1948).

Tham gia trận đánh gồm 2 đại đội (1075 và 1072) của Trung đoàn 120, Tiểu đoàn 307, 1 trung đội du kích tập trung của huyện Mộc Hóa và du kích 3 xã xung quanh quận lỵ (Tuyên Thạnh, Bình Hiệp, Bình Hòa), dưới sự chỉ huy của Tham mưu trưởng Khu 8 - Nguyễn Chánh (2 đồng chí Lê Quốc Sản - Trung đoàn trưởng E120 và Đỗ Huy Rừa - Tiểu đoàn trưởng D307, là chỉ huy phó).

Bằng phương án chủ động “công đồn và đả viện”, chỉ huy hợp đồng tác chiến chặt chẽ, linh hoạt, chiến đấu quyết liệt, tại trận công đồn Mộc Hóa, quân ta diệt 25 tên địch, bắn bị thương 2 tên, bắt 6 tên (trong đó có viên chỉ huy đồn trưởng - Trung úy Louis Bertrand). Tại mũi “đả viện”, quân địch kéo từ biên giới, quân, dân ta đánh thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn địch, diệt hàng trăm tên, thu hơn 300 súng các loại và nhiều chiến lợi phẩm.

Chiến thắng Mộc Hóa là bước đột phá của bộ đội ta từ thế phòng ngự sang thế chủ động tiến công tiêu diệt địch; là dấu son trong lịch sử kháng chiến chống Pháp của quân, dân Tân An, Khu 8 và Nam bộ; làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ và đồng bào lúc bấy giờ.

Tháng 9/1948, Đảng bộ và quân, dân Tân An nhận được thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có đoạn Người biểu dương: “... Đồng bào và quân đội ta... chẳng những chống cự với giặc mà còn chiến thắng giặc... là đội xung phong oanh liệt trong cuộc toàn dân kháng chiến... Nam bộ đã làm trọn nhiệm vụ
vẻ vang...”(*).

Biết mấy tự hào

Trong mấy đợt quân, dân ta xung phong tiến công ở trận Mộc Hóa, các chiến sĩ quay phim của Tân An, Khu 8 luôn bám sát trận địa - trong đó có Mai Lộc, Khương Mễ, Nguyễn Đảnh...; lại có Tạ Văn Bang - chiến sĩ Tiểu đoàn 307, bị địch bắn gãy nát tay trái, liền mượn dao găm của đồng đội chặt lìa tay đã gãy, tay còn lại tiếp tục ôm tiểu liên xông lên truy kích địch... đến toàn thắng. Đêm 24/12/1948, bộ phim tài liệu thời sự “Trận Mộc Hóa” hoàn chỉnh ra mắt, trình chiếu tại Câu lạc bộ Quân nhân Khu 8 bên bờ kinh Dương Văn Dương, được hàng trăm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ vùng bưng biền lần đầu tiên đón nhận. Đây cũng là những thước phim nhựa thời sự về chiến sự đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Hình ảnh Tạ Văn Bang ở trận Mộc Hóa - Khu 8, Nam bộ (năm 1948) 2 năm sau được tiếp nối bằng La Văn Cầu ở chiến dịch biên giới (năm 1950). Đạo diễn Mai Lộc cũng làm phim “Vợ chồng A Phủ” nổi tiếng ở vùng Tây Bắc,... Rõ ràng: Ánh sáng văn hóa bưng biền và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam luôn thống nhất - đó là những thông điệp mang giá trị thời sự, thực tiễn và nhân văn sâu sắc cần được thế hệ trẻ tiếp nối, phát huy trong thời kỳ lịch sử mới.

Trải mấy cuộc trường kỳ kháng chiến đến ngày nay, thế hệ đi sau chắc chắn càng tự hào về chiến thắng Mộc Hóa - một chiến công đã đi vào lịch sử dân tộc, vào điện ảnh và thơ ca: “Trận Tháp Mười, trận Mộc Hóa, vang tiếng đồn với trận La Bang...” (thơ Nguyễn Bính, nhạc Nguyễn Hữu Trí)./.

Long Thái

----------------------------------------------

(*) Lịch sử Lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Long An (1945-2005), Nhà XB.QĐND,H, 2010, tr.151.

Chia sẻ bài viết