Bắt sống đồn trưởng Louis Bertrand trong trận Mộc Hóa năm 1948
Có rất nhiều sự kiện lịch sử diễn ra trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, trong đó, chiến thắng Mộc Hóa lừng lẫy năm 1948 đi vào điện ảnh, thơ ca đã tô thắm truyền thống và góp phần làm nên nét đặc trưng của vùng đất này trong lịch sử - văn hóa kháng chiến bưng biền.
Bản anh hùng ca của “Nam bộ thành đồng, đi trước về sau”
Cuộc kháng chiến ở Nam bộ bước sang năm thứ hai trong bối cảnh quân Pháp tăng cường bình định vùng đất này. Do vị trí trung tâm vùng Đồng Tháp Mười, địch xây đồn Mộc Hóa trên Gò Bắc Chiêng để án ngữ vùng biên giới Việt Nam - Campuchia, uy hiếp căn cứ Đồng Tháp Mười từ phía Bắc, ngăn chặn hành lang của ta giữa Khu 8 với Khu 7 và Khu 9. Đồn có cấu trúc hình chữ nhật, bao bọc bởi tường đất dày, cao 2m, có lỗ châu mai với 3 lớp hàng rào kẽm gai, 4 góc có 4 lô cốt, giữa đồn có trung tâm đề kháng, trên có chòi canh cao 6m, lực lượng thường trực khoảng 60-70 tên, đa số là lính Partisans (thân binh Pháp), trang bị 1 cối 81, 2 cối 60, 2 đại liên, 4 trung liên, còn lại là tiểu liên, súng trường; ngoài ra, còn được pháo binh yểm trợ và bộ binh tiếp viện từ phía Campuchia nếu bị tấn công. Hoạt động chủ yếu của địch là tổ chức mạng lưới gián điệp, tuần tra và kiểm soát việc đi lại của quân, dân ta hai bên bờ sông Vàm Cỏ Tây.
Trước tình hình trên, Bộ Tư lệnh Khu 8 quyết định đánh đồn Mộc Hóa theo chiến thuật công đồn - đả viện. Ban Chỉ huy trận đánh gồm đồng chí Nguyễn Chánh - Tham mưu trưởng Khu 8 làm Chỉ huy trưởng và các đồng chí: Lê Quốc Sản - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 120, Đỗ Huy Rừa - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 307. Lực lượng tham gia trận đánh và phương án tác chiến là Đại đội 1075 và 1080 (Trung đoàn 120) tấn công đồn Mộc Hóa; Tiểu đoàn 307 kết hợp 1 trung đội bộ đội và du kích địa phương, 1 trung đội công binh của Khu 8 và hơn 500 dân công tham gia chặn đánh quân tiếp viện của địch từ lộ Rồ (Campuchia) đi xuống và chặn đánh tàu địch từ Tân An theo sông Vàm Cỏ Tây đi lên. Dân quân và du kích địa phương lo việc hậu cần tiếp tế lương thực và nước uống từ vàm Cá Đôi (Tuyên Thạnh) ra trận địa cho các đơn vị chiến đấu.
Sau 2 tháng chuẩn bị, đêm 16/8/1948, ta nổ súng tấn công đồn Mộc Hóa, mở màn trận đánh. Địch chống trả quyết liệt, sau hai đợt tấn công, ta tiêu diệt 25 tên địch, làm bị thương 2 tên, bắt sống 6 tên, trong đó có đồn trưởng Louis Bertrand. Ta lui đội hình và tổ chức công sự, tạo thế vây ép buộc địch phải tung quân ra do thám để tiêu diệt từng toán nhỏ. Ngày 17/8/1948, phát hiện địch dùng ghe xuồng chở quân bị thương cập bến Ông Tờn (xã Bình Hiệp), ta đổi kế hoạch, điều Đại đội 931 của Tiểu đoàn 307 ra chặn đánh, đồng thời cho Đại đội 1075 của Trung đoàn 120 khép chặt thế vây hãm đồn Mộc Hóa, buộc địch phải tiếp viện.
Đúng như dự kiến, ngày 18/8/1948, một tiểu đoàn địch từ ngã ba Pra-sô (Prasaut) theo lộ Rồ xuống biên giới Việt Nam - Campuchia cứu viện đồn Mộc Hóa và rơi vào trận địa phục kích của ta. Toàn mặt trận ta đồng loạt nổ súng xung phong, chia cắt, bao vây, đánh thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn địch, thu hơn 100 súng các loại, trong đó có 3 cối 60 ly, một số đại liên, trung liên.
Trận Mộc Hóa là chiến công đầu tiên mở đầu truyền thống của Tiểu đoàn 307 anh hùng, làm nức lòng quân, dân Khu 8, được cả nước ngợi khen, cổ vũ, đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc ta như một bản anh hùng ca của “Nam bộ thành đồng, đi trước về sau”.
Đi vào thơ, nhạc và khơi nguồn cho điện ảnh cách mạng
Nhà thơ Nguyễn Bính khi ấy đang là cán bộ tuyên truyền Khu 8, sáng tác bài thơ Cửu Long Giang, đăng lần đầu tiên trên Báo Tổ Quốc của Khu 8 vào năm 1950, đã nhắc đến những chiến công của Tiểu đoàn 307, trong đó có trận Mộc Hóa và nhanh chóng chiếm được cảm tình của các chiến sĩ. Đến khi nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí - cán bộ Ban Tuyên huấn Khu ủy khu 8, từng được biên chế của Tiểu đoàn 307, giữ chức Đại đội phó kiêm Phó ban Quân nhạc Khu 8, phổ nhạc mang tên Tiểu đoàn 307 và được Tổ Quân nhạc giới thiệu trên làn sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Nam bộ vào đêm 01-10 -1950, đặc biệt là từ khi giọng ca của Nghệ sĩ nhân dân Quốc Hương ngân lên đầy chất hùng tráng, lạc quan xen lẫn xúc động và tự hào trên Đài Tiếng nói Việt Nam sau năm 1954, thì sức lan truyền và lay động của bài hát càng thêm mạnh mẽ, nhất là đối với bộ đội, dân quân, quần chúng cách mạng.
Tiểu đoàn 307 là ca khúc có sức sống mãnh liệt trong kháng chiến ở Nam bộ và phổ biến rộng rãi trong cả nước. Từ bài thơ đến bài hát là một bản hùng ca chiến đấu, mang khí phách dân tộc, mang hồn thiêng sông núi, ngợi ca tinh thần hy sinh cao cả của các chiến sĩ: Ai đã từng đi qua sông Cửu Long Giang... Trận Tháp Mười, trận Mộc Hóa vang tiếng đồn với trận La Bang (Tiểu đoàn 307, Nguyễn Hữu Trí, phổ thơ Nguyễn Bính). Bài hát từng được Giải thưởng Âm nhạc văn nghệ Cửu Long năm 1952, trở thành ca khúc cách mạng đi cùng năm tháng, sống mãi với truyền thống anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam và lịch sử cách mạng Việt Nam nói chung, quân, dân Mộc Hóa - Đồng Tháp Mười, Long An - Khu 8 nói riêng. Mỗi khi vang lên, bài hát vẫn làm lay động lòng người bởi tính tráng ca như một hồi kèn xung trận với những chiến công lẫy lừng Tháp Mười, Mộc Hóa,...
Ngày 16/10/1947, đồng chí Trần Văn Trà - Tư lệnh Khu 8, ký quyết định thành lập Tổ Nhiếp ảnh Vệ Quốc đoàn Khu 8 tại Trại Lòn, xã Nhơn Ninh (nay thuộc huyện Tân Thạnh), rồi phát triển thêm bộ môn điện ảnh với những cán bộ đầu tiên là Khương Mễ, Mai Lộc, Lê Hưng, Vũ Sơn,... mang tên Tổ Nhiếp ảnh - Điện ảnh.
Khi diễn ra trận đánh đồn Mộc Hóa, Tổ Điện ảnh của Khu 8 được phân công theo sát các đơn vị chiến đấu: Mai Lộc quay mặt trận tiếp viện đường bộ, Khương Mễ quay đồn Mộc Hóa, Vũ Sơn quay mặt trận đường thủy sông Vàm Cỏ Tây. Tuy điều kiện phương tiện, máy móc còn thiếu thốn nhưng anh em theo sát trận địa, quay được những thước phim tư liệu quý giá tại chiến trường. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, trong một bài viết kỷ niệm 50 năm thành lập điện ảnh kháng chiến Nam bộ, nhớ lại: “... Cho đến năm 1950, tình cờ tôi được xem bộ phim Trận Mộc Hóa. Với tôi là một điều lạ lùng! Phim của ta làm và hình ảnh trên phim cũng là chiến sĩ của ta. Bây giờ nhớ lại, nghệ thuật ngày đầu hãy còn non nớt, nhưng thuyết phục bằng chân thật...”.
Thời đó, anh em sáng kiến đóng một cái hộp bằng gỗ đựng chậu thuốc và guồng quấn phim, rồi ướp nước đá xung quanh chậu thuốc để hạ nhiệt độ xuống 18oC (tiêu chuẩn để bảo đảm phim không chảy, hình ảnh mịn màng); dùng ghe để cơ động tránh địch, vừa làm buồng tối lưu động, vừa đưa dụng cụ tráng phim ra vùng địch hậu để lấy nước ngọt; cải tạo máy ciné Kodak box thành máy in phim hoàn chỉnh để đem phim đi chiếu rộng rãi cho bộ đội và nhân dân xem,... Và còn rất nhiều câu chuyện nói về những khó khăn, gian khổ nhưng Tổ Nhiếp ảnh - Điện ảnh vẫn vượt qua, tạo lập quy trình sản xuất phim, từ khâu quay phim, quay tít, làm kỹ xảo đến in tráng, dựng phim trong điều kiện khắc nghiệt của vùng Đồng Tháp Mười không điện, nước phèn, địch đánh phá liên miên,... Và bộ phim Trận Mộc Hóa được dựng trong điều kiện, hoàn cảnh như thế chính thức ra mắt vào đêm 24/12/1948, tại Câu lạc bộ Quân nhân Khu 8 bên bờ kinh Dương Văn Dương, nay thuộc xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh. Nhân dân ở chiến khu Đồng Tháp Mười đến xem đông nghẹt, chật kín một quãng dài. Sự kiện này làm xôn xao chẳng những với người dân vùng giải phóng mà còn cả khán giả thành phố Sài Gòn. Luật sư Nguyễn Thành Vĩnh kể rằng, có một trí thức đồng học với ông được xem phim đã xúc động nói rằng: “Giữa Đồng Tháp Mười nước mặn, đồng chua, Việt Minh làm được phim thì không có cái gì họ không làm được”.
Chiến thắng trận Mộc Hóa, ngoài ý nghĩa về chiến lược, chiến thuật, minh chứng sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Bộ Tư lệnh Khu 8, biểu dương tinh thần đoàn kết, ý chí đấu tranh ngoan cường quật khởi của Đảng bộ và quân, dân huyện Mộc Hóa, còn là cảm hứng thơ, nhạc, khơi nguồn, khai sinh nền điện ảnh cách mạng Khu 8 và Nam bộ, góp phần to lớn vào nhiệm vụ cổ vũ phong trào cách mạng, động viên tinh thần chiến đấu, củng cố lòng tin vào thắng lợi của cuộc kháng chiến./.
(còn tiếp)
Bài 3: Phát huy hào khí Chiến thắng Mộc Hóa
ThS. Nguyễn Tấn Quốc