Chân dung Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang)
Trong đó, ông đặc biệt quý mến Phạm Xuân Ẩn, người mà tài năng và phẩm chất sau này được nhà sử học người Mỹ - GS.TS Larry Berman đưa vào tác phẩm 328 trang Perfect Spy (dịch và xuất bản tiếng Việt là Điệp viên hoàn hảo) đã hết lời tôn vinh. Ông Tư Cang ấn tượng mãi về anh hùng Ẩn với chiếc Renault 4, băng sau có con chó Berger to, oai vệ, gốc của một tay tư bản Pháp tặng cho Nguyễn Cao Kỳ khi Kỳ đang ở đỉnh cao quyền lực, ông Ẩn đã lập mưu mua với giá tiền chỉ bằng 1 cây vàng qua tay quản lý chó ở Dinh Độc Lập. Ông Ẩn nói tiếng Pháp Reste là! (Đứng lại đó!), hay Couche toi! (Hãy nằm xuống!) là con Berger làm theo.
Lần đó, chuẩn bị đợt II Tết Mậu Thân 1968, Tám Hà (Trần Văn Đắc) hèn nhát ra “chiêu hồi” và Trưởng cố vấn Mỹ khai thác tối đa, khiến các điểm đóng quân của ta ở nội, ngoại thành Sài Gòn mà Tám Hà nắm được đều khai ra hết. Lệnh cấp trên là Cụm tình báo H.63 phải khẩn trương lấy cho được bản cung khai của Tám Hà. Tư Cang đang ở căn cứ Củ Chi đã tức tốc vào Sài Gòn gặp Phạm Xuân Ẩn. Ông Ẩn lái chiếc Renault 4 có con Berger ngồi băng sau, đưa Tư Cang đi Tiểu khu Gia Định. Là phóng viên của Time - tờ báo uy tín nhất của tư bản Mỹ, có văn phòng ở Sài Gòn, nên từ an ninh chống gián điệp của Sài Gòn đến tình báo Mỹ và sĩ quan, quan chức cao cấp ở Sài Gòn đều rất nể Phạm Xuân Ẩn. Vào đồn địch, ông Ẩn kêu ông Tư Cang ngồi xe chờ, có con Berger bảo vệ. Rồi với tài “xuất quỷ nhập thần”, chỉ 15 phút sau, ông Ẩn đã đĩnh đạc ngậm thuốc lá đi ra sau khi chụp bằng loại máy ảnh đặc biệt thu hết tài liệu tuyệt mật của đối phương. Nhờ vậy mà ta thay đổi kịp vị trí đóng quân, tránh được bom tọa độ trước khi các phi đội của Mỹ cất cánh.
Cụm tình báo H.63 của Tư Cang còn có nữ điệp viên trẻ đẹp Nguyễn Thị Yến Thảo (Tám Thảo) - trợ lý và phiên dịch cho một thiếu tá tình báo Mỹ, cố vấn cho Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa. Người nữa là Hoàng Nam Sơn, quản lý khách sạn Ambassy, nơi lui tới thường xuyên của bọn sĩ quan cao cấp và tình báo Mỹ. Nhờ luồn sâu vào sào huyệt quân thù ở giữa lòng Sài Gòn mà Cụm tình báo H.63 của Tư Cang đã lấy được nhiều tài liệu mật của địch để phục vụ đắc lực cho cuộc kháng chiến cứu quốc.
Đôi bạn tình báo chiến đấu - Đại tá Nguyễn Văn Tàu (bên trái) và Thiếu tướng Nguyễn Văn Khiêm (Ảnh chụp lại tư liệu)
Đọc Lữ đoàn 316 trong ngày giải phóng Sài Gòn 30/4/1975 của Nguyễn Văn Tàu vào lúc ông được cử làm Chính ủy Lữ đoàn 316, ta sẽ thấy tầm vóc và tài năng của một lữ đoàn - tuyển từ lực lượng biệt động đặc công thiện nghệ - vừa thành lập đã lao đi Chiến dịch Hồ Chí Minh, đánh vào những điểm xung yếu nhất ở ngoại thành và nội thành Sài Gòn. Theo ông, trong cuộc chiến tranh giải phóng, mục tiêu cuối cùng và quan trọng nhất là phải chiếm cho bằng được đô thành Sài Gòn, nơi tập trung các cơ quan đầu não của Mỹ - ngụy. Rút kinh nghiệm trận Mậu Thân năm 1968, lực lượng vũ trang giải phóng có cho những đơn vị biệt động đặc công đánh trước vào một số mục tiêu quan trọng nhằm khuấy đảo Sài Gòn, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị chủ lực tiến vào giải quyết chiến trường, nhưng lúc đó quân Mỹ còn đông, đối phương còn quá mạnh, quân chủ lực ta không chiếm được Sài Gòn. Lần này, ta phải xây dựng lực lượng biệt động đặc công mạnh.
Vào tháng 10/1973, Bộ Tham mưu Quân Giải phóng miền Nam (B2) đã tiến hành thành lập Lữ đoàn Biệt động đặc công, lấy phiên hiệu là Lữ đoàn 316. Phần đông cán bộ, chiến sĩ của lữ đoàn được điều động từ Phòng Tình báo Miền (Đoàn 22) và từ các đơn vị biệt động đặc công từng chiến đấu nhiều năm trong Sài Gòn. Lữ đoàn 316 do ông Nguyễn Văn Tàu làm Chính ủy có 3 nhiệm vụ: Dẫn đường cho các cánh đại quân tiến nhanh đến các mục tiêu chỉ định; đánh chiếm và giữ các cây cầu xung quanh Sài Gòn không cho giặc phá; đột nhập vào Sài Gòn đánh trước một số mục tiêu quan trọng như Bộ Tổng tham mưu, căn cứ thiết giáp và pháo binh của địch ở Gò Vấp.
Tiểu đoàn 81 và 2 phân đội Z22, Z23 thuộc Lữ đoàn 316 từ khuya đêm 27/4/1975 đã bất ngờ xông lên đánh chiếm cầu Rạch Chiếc và giữ cầu đến sáng 30/4/1975 cho Lữ đoàn xe tăng Quân đoàn 2 của Quân Giải phóng tiến qua để vào chiếm Dinh Độc Lập, bắt giữ toàn bộ nội các của Tổng thống Dương Văn Minh. Vì là trận nổ súng đầu tiên để chiếm 1 cây cầu gần Sài Gòn và phải giữ cầu với một lực lượng nhỏ nên Phân đội Z23 đặc công nước do Đại úy Trần Kim Thinh chỉ huy gần như bị tan rã, quân số trên 50, cuối trận chỉ còn 3.
Một phân đội nữa do Tống Viết Dương chỉ huy cùng ngồi xe tăng đi đầu của Lữ đoàn 203 xe tăng, sau khi vượt cầu Đồng Nai đã tiến qua cầu Rạch Chiếc và cầu Sài Gòn. Đến ngã tư xa lộ, đồng chí Tống Viết Dương chỉ huy cánh Đông của Lữ đoàn 316 đã hướng dẫn đoàn xe quẹo trái theo hướng cầu Thị Nghè, tiến về Dinh Độc Lập, vào sào huyệt cuối cùng của chế độ do Mỹ dựng lên và yểm trợ từ năm 1955-1975. Trong khi cánh Bắc do Nguyễn Văn Tăng - Lữ đoàn phó, và Nguyễn Thành Nam - Tham mưu trưởng Chỉ huy Tiểu đoàn 80, cùng 2 Phân đội Z20 và Z30 đánh vào Trại thiết giáp Phù Đổng và thành Cổ Loa pháo binh của địch. Nổ súng từ chiều 28/4/1975, giằng co đến 8 giờ sáng 30/4/1975, quân ta mới chiếm lĩnh 2 căn cứ này. Có 15 đồng chí thương vong. Đặc biệt, trận đánh chiếm Dinh Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên (Đại tướng), địch bố trí phòng ngự dày đặc bên ngoài Bộ Tổng tham mưu. Tiểu đội đặc biệt do Lê Văn Vĩnh chỉ huy đã cải trang thành 1 tiểu đội lính ngụy bất ngờ nhảy lên chiếm xe tăng địch rồi chạy nhanh vào chiếm Dinh Tổng tham mưu trưởng lúc 9 giờ 30 phút sáng 30/4/1975.
Trên đây chỉ mới là sơ nét chiến công của 2 phân đội thuộc Lữ đoàn 316 trong trận cuối cùng giải phóng miền Nam. 2 đồng chí chỉ huy 2 phân đội của Lữ đoàn 316 là Tống Viết Dương và Lê Văn Vĩnh, sau ngày giải phóng đều được đề bạt cấp Đại tá và tuyên dương Anh hùng LLVTND. “Còn nhiều thành tích của các phân đội thuộc Lữ đoàn 316 trên các hướng tiến quân vào chiếm Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - không thể kể hết” - Đại tá Nguyễn Văn Tàu - nguyên Chính ủy Lữ đoàn 316, viết. Tuy nhiên, với hoàn cảnh ra đời gấp rút, khẩn trương của lữ đoàn này, nhờ sự giúp đỡ của nhân dân và chỉ đạo sát sao của Bộ Tham mưu Miền (B2), Lữ đoàn 316 Đặc công biệt động đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần xứng đáng vào trận quyết chiến cuối cùng giải phóng Sài Gòn - giải phóng miền Nam vào ngày 30/4/1975./.
Quang Hảo