Tiếng Việt | English

22/02/2022 - 09:04

Kỳ vọng vụ Đông Xuân thắng lợi

Đông Xuân (ĐX) là vụ lúa chính trong năm nên ngành Nông nghiệp cùng nông dân trên địa bàn tỉnh Long An đang rất kỳ vọng về một vụ bội thu.

Sản xuất thuận lợi

Vụ lúa ĐX 2021 - 2022, nông dân trên địa bàn tỉnh đã gieo sạ hơn 223.980ha, bằng 100,4% kế hoạch, bằng 99,5% so cùng kỳ năm 2021; hiện thu hoạch hơn 58.400ha, năng suất khô ước đạt 64,2 tạ/ha, sản lượng trên 375.130 tấn. Sau khi nắm bắt thông tin nhu cầu thị trường thông qua doanh nghiệp, nông dân ở nhiều địa phương đã tập trung canh tác các giống lúa chất lượng cao: Đài thơm 8, ST 24, ST 25, RVT.

Tại huyện Mộc Hóa, thời điểm này, toàn huyện có khoảng 21.200ha lúa ĐX đang trong giai đoạn làm đòng - trổ và dự kiến vào giữa tháng 3 sẽ bắt đầu thu hoạch. Tuy chưa thu hoạch nhưng nhiều nông dân đều tin rằng năng suất lúa năm nay sẽ ở mức cao; riêng ngành Nông nghiệp huyện đánh giá năng suất lúa ĐX đầu vụ tới đây sẽ ở mức từ 7,5 - 8 tấn/ha.

Vụ lúa Đông Xuân 2021 - 2022 sản xuất khá thuận lợi

Ông Trần Văn Vinh (xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa) gieo sạ hơn 2ha lúa ĐX, giống Đài thơm 8. Ông chia sẻ: “Từ khi xuống giống đến nay thời tiết tương đối thuận lợi cho cây lúa phát triển; đặc biệt là tình hình dịch hại trên cây lúa rất ít nhờ nông dân tích cực chăm sóc và luôn chủ động phòng ngừa. Trong đó, đáng chú ý là bệnh đạo ôn lá và đạo ôn cổ bông xuất hiện với tỷ lệ rất thấp so cùng kỳ. Mặc dù chưa thu hoạch nhưng năng suất lúa vụ này ước đạt khoảng 8 - 8,5 tấn/ha”.

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp huyện Mộc Hóa, ngoài yếu tố thuận lợi về thời tiết thì có một nguyên nhân khá quan trọng khác làm cho tình hình sinh vật gây hại trên lúa ĐX năm nay ít là do tỷ lệ nông dân sử dụng giống lúa xác nhận chiếm hơn 90%. Mặt khác, do giá vật tư nông nghiệp tăng mạnh, nhất là giá phân bón nên nông dân bón phân cân đối và áp dụng biện pháp sạ thưa, sạ hàng nên vừa giảm chi phí, vừa hạn chế dịch hại tấn công.

Ông Lê Hữu Nghĩa (xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường) cho biết: “Do dịch hại xuất hiện ít nên từ đầu vụ tới giờ, tôi chỉ phun 1 lần thuốc bảo vệ thực vật để phòng ngừa sinh vật gây hại, trong khi mọi năm là đã phun 2 - 3 lần thuốc. So với mọi năm thì lúa ĐX năm nay phát triển tốt và đồng đều hơn, trong đó cây lúa nở bụi và có nhiều chồi; đồng thời, bộ rễ cũng phát triển tốt. Từ những yếu tố đang có nên tôi và người dân nơi đây đặt nhiều kỳ vọng về một vụ lúa trúng mùa, trúng giá để bù đắp chi phí về giá phân bón ở mức cao”.

Từ đầu vụ lúa ĐX đến nay, ngành Nông nghiệp thị xã Kiến Tường triển khai nhiều giải pháp để giúp vụ lúa chính trong năm đạt thắng lợi. Cụ thể, trước khi xuống giống, ngành Nông nghiệp thị xã đã đề ra khung lịch thời vụ cụ thể cho từng vùng; đồng thời, đưa ra những giải pháp sản xuất hiệu quả để người dân làm theo.

Bên cạnh đó, cán bộ kỹ thuật từ thị xã đến các địa phương luôn bám sát địa bàn để cùng nông dân thăm đồng và hướng dẫn người dân quản lý, phòng trừ có hiệu quả các loại dịch hại trên cây lúa. Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Kiến Tường - Võ Thanh Tòng cho biết: Từ đầu vụ lúa ĐX đến nay, đơn vị phối hợp các địa phương trên địa bàn thị xã mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về canh tác lúa hiệu quả cho người dân. Ngoài ra, thông qua công tác tuyên truyền, giúp đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất lúa.

Đẩy mạnh ký kết bao tiêu

Nông dân được tạo điều kiện thuận lợi để ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất

Nhằm chủ động về “đầu ra” và tăng lợi nhuận từ sản xuất lúa, thời gian qua, ngành Nông nghiệp và nông dân trên địa bàn tỉnh tích cực liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo với các doanh nghiệp. Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh, đến nay, vụ ĐX 2021 - 2022 đã có 19 doanh nghiệp tham gia bao tiêu ở 131 cánh đồng với diện tích hơn 11.320ha.

Trong đó, tiêu biểu là Tập đoàn Lộc Trời đã ký kết bao tiêu hơn 10.000ha lúa tại các địa phương trong tỉnh. Việc ký kết thu mua lúa đã mở ra cơ hội phát triển chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, đem lại lợi ích lâu dài cho nông dân, chấm dứt sự phụ thuộc vào thị trường, thương lái, hạn chế được điệp khúc “được mùa - mất giá, được giá - mất mùa”. Khi có đầu ra ổn định, nông dân sẽ yên tâm sản xuất, tập trung vào đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, qua đó tạo thu nhập ổn định và ngày càng cao cho người dân, đáp ứng sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường cho doanh nghiệp.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện thông tin: Nhằm thúc đẩy phát triển các mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo trên địa bàn, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh có nhiều giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn” trong mời gọi đầu tư vào nông nghiệp, nhất là đẩy mạnh phát triển các chuỗi liên kết theo mô hình Cánh đồng lớn, Cánh đồng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo gắn với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

“Vụ ĐX 2021 - 2022, mô hình Cánh đồng lớn một lần nữa phát huy hiệu quả, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến thu mua chế biến và xuất khẩu theo hình thức khép kín, chú trọng hơn đến chất lượng lúa gạo nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đồng thời, mô hình còn giúp nông dân ứng dụng tốt và đồng bộ các giải pháp kỹ thuật như sử dụng giống xác nhận, tiết kiệm giống, giảm phân bón, ứng dụng cơ giới hóa,... vào sản xuất. Qua đó, giúp nông dân giảm được chi phí sản xuất, nâng cao năng suất và tăng lợi nhuận” - ông Thiện cho biết thêm./.

B.Tùng

Chia sẻ bài viết