Tiếng Việt | English

21/06/2022 - 09:40

Làm báo giữa thời đại công nghệ thông tin: Tìm cơ hội trong thách thức

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang làm nên sự thay đổi mạnh mẽ trong toàn bộ hoạt động báo chí. Điều này vừa tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức, nhất là đối với báo chí truyền thống đòi hỏi mỗi cơ quan báo chí, những người làm báo phải thay đổi để thích ứng với những lợi thế về công nghệ thông tin mang lại; đồng thời, giữ vững được sự nhạy bén, đạo đức và bản lĩnh nghề nghiệp để bắt kịp xu thế làm báo thời hiện đại.

Báo chí trước thách thức từ mạng xã hội

Theo báo cáo thường niên Digital 2021 dựa trên việc khảo sát hạ tầng mạng viễn thông và thói quen sử dụng Internet của một loạt quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, Internet tại Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ với tốc độ rất nhanh. Hiện cả nước có khoảng 154 triệu thuê bao di động, có gần 69 triệu người dùng Internet, số người dùng mạng xã hội (MXH) lên tới trên 72 triệu người. Sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội nói chung, MXH nói riêng đã đặt ra nhiều thách thức đối với báo chí hiện nay. Nhà báo Thanh Nga (Báo Long An) cho rằng, với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa báo chí đối với các loại hình truyền thông hiện đại, nhất là MXH,...

Dù không bị “khai tử” nhưng báo chí nói chung, đặc biệt là báo in hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, thách thức từ MXH. Doanh thu của cả ngàn cơ quan báo chí, chỉ bằng Facebook, Google. Điều đó đang đặt ra những vấn đề sống còn đối với các cơ quan báo chí, nhất là đối với báo in. Lượng người đọc báo, xem tin tức ít, quảng cáo sụt giảm đáng kể, dẫn đến vấn đề tự chủ về kinh tế đối với các cơ quan báo chí gặp rất nhiều áp lực. Bên cạnh đó, MXH xuất hiện thì báo chí không còn ở vị trí trung tâm khi đem đến những thông tin cho bạn đọc. “Đây là điều hết sức nguy hiểm bởi MXH tuy nhanh, nhạy nhưng đó không phải là cơ quan báo chí, không có sự kiểm duyệt, bất kỳ cá nhân nào đều có thể đưa thông tin lên MXH” - nhà báo Thanh Nga cho biết.

Còn nhà báo Lê Đức (Báo Long An) khẳng định, thời đại người người dùng MXH, nhà nhà dùng MXH, bất kỳ thông tin gì cũng được người dùng đưa lên MXH thì việc cạnh tranh thông tin giữa báo chí và MXH ngày càng khốc liệt. Từ vị thế độc quyền về thông tin, giờ đây báo chí chính thống đang bị MXH chia sẻ thị phần và thậm chí lấn át hơn. Điều này càng được minh chứng khi các cơ quan báo chí ngày càng cắt giảm số lượng phát hành báo in, trong khi xu hướng báo chí không thể mãi bao cấp. “Vì vậy, mỗi cơ quan báo chí trước hết phải tự mình đổi mới, đa dạng hơn cách tiếp cận bạn đọc và phải tận dụng được lợi ích từ chính MXH để phát triển” - nhà báo Lê Đức cho biết.

Mạng xã hội là ma trận thông tin mà bất kỳ ai cũng có thể là người loan tin trên mạng xã hội

Tìm cơ hội trong thách thức

Thực tế cho thấy, trước sự cạnh tranh ngày càng mạnh từ MXH, không chỉ có các cơ quan báo chí lớn của Trung ương đổi mới mà ngay cả các cơ quan báo chí của tỉnh cũng phải vận hành theo một cách tiếp cận mới, hướng đến bạn đọc nhiều hơn. Sự cạnh tranh cũng giúp cho báo chí tìm ra cơ hội để phát triển.

Nhà báo Lê Đức cho rằng, rất nhiều cơ quan báo chí hiện nay xem MXH như là công cụ hỗ trợ đắc lực để khai thác nguồn tin, truyền tải thông tin đến độc giả. MXH chính là nơi cung cấp thông tin, đề tài một cách rộng rãi trên tất cả lĩnh vực đời sống, xã hội giúp các nhà báo phát hiện thông tin nhanh nhất, nắm bắt thông tin, thực hiện các quy trình tác nghiệp để có tác phẩm báo chí, thông tin chính thống đến với bạn đọc.

Có rất nhiều thông tin, nhất là những thông tin nóng như tai nạn, cháy, nổ, các vụ án hình sự,... thông tin khởi nguồn cũng bắt đầu từ thông tin trên MXH. Tuy nhiên, mỗi nhà báo cũng cần cảnh giác trước "ma trận" thông tin để tránh sập bẫy. Bởi vậy, báo chí cần phải khẳng định vị trí và thế mạnh riêng của mình so với MXH, nhất là ở tính chính danh, chính thống và chính xác.

Trong thực tế, khi MXH đa dạng, đa chiều, thông tin có khi nhiễu loạn thì bạn đọc, công chúng lại càng có nhu cầu biết đâu là sự thật, đâu là thông tin chính xác. Lúc này, họ sẽ tìm đến thông tin từ các cơ quan báo chí. Vì vậy, nếu tận dụng được ưu thế của MXH thì sẽ góp phần quảng bá, lan tỏa thêm thông tin của báo chí đến sâu, rộng trong nhân dân, định hướng dư luận.

Đồng quan điểm này, nhà báo Thanh Nga cũng khẳng định, sức mạnh truyền thông tin từ MXH là điều khó có thể phủ nhận. Mỗi nhà báo hay các cơ quan báo chí khó có thể trở thành những người loan tin đầu tiên. Thậm chí, có nhiều nhà báo hiện nay còn xem các thông tin trên MXH là một trong những nguồn cấp tin thiết yếu cho hoạt động tác nghiệp của mình. Chính vì vậy, đội ngũ những người làm báo cần bắt nhịp với xu hướng hiện đại, tức là chúng ta phải “sống chung” với MXH.

Hiện nay, nhiều tờ báo, tạp chí, với sự phát triển nhanh của MXH đã không chùn bước, không đứng ngoài thời cuộc mà hoạt động mạnh trên MXH. Nhiều cơ quan báo chí đã “lợi dụng” MXH để quảng bá cho các tác phẩm của mình. Đó là việc họ thiết lập một hoặc nhiều kênh riêng của mình trên các nền tảng MXH này để các tác phẩm báo chí được lan tỏa đến cộng đồng nhanh hơn, rộng hơn. “Thiết nghĩ, các cơ quan quản lý báo chí, đội ngũ phóng viên, nhà báo cần đổi mới tư duy, làm báo thời đại mới.

Đó là cần đầu tư cho bề dày chất lượng, uy tín bằng cách nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, hướng đến những sản phẩm báo chí chất lượng cao và làm báo đa phương tiện. Mỗi cơ quan báo chí hay bản thân mỗi nhà báo cũng cần chuyên nghiệp hơn với trách nhiệm phục vụ độc giả, khán, thính giả về mặt thông tin và kiến thức để giúp báo chí thực sự là nơi cung cấp thông tin nhanh nhạy, chính danh, chính thống và chính xác” - nhà báo Thanh Nga cho biết./.

Chuyển đổi số để bắt kịp với xu thế báo chí hiện đại

Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Long An, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh - nhà báo Lê Hồng Phước cho rằng, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra sự “cạnh tranh” mạnh mẽ giữa các thể loại báo chí truyền thống với các nền tảng mạng xã hội (MXH). MXH chứa đựng thông tin khổng lồ được cập nhật liên tục và mỗi người dùng đều có thể đưa thông tin lên MXH. Nhưng báo chí cũng có lợi thế riêng khi thông tin đưa ra được kiểm chứng, chính thống, tin cậy. Thích ứng với thời đại bùng nổ thông tin, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh cũng từng bước có sự thay đổi khi tận dụng các nền tảng MXH để quảng bá, lan tỏa thông tin báo chí. Tuy nhiên, việc thay đổi hiện nay ở các cơ quan báo chí vẫn còn chậm, bắt buộc các cơ quan báo chí như Báo Long An, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An cần đẩy mạnh hơn nữa quá trình chuyển đổi số để bắt kịp với xu thế báo chí hiện đại, phục vụ bạn đọc tốt hơn và phải thực hiện chuyển đổi số thành công.

“Trong 2 năm dịch Covid-19, dù thông tin từ MXH bùng nổ nhưng độc giả, khán, thính giả vẫn rất quan tâm đến những thông tin từ các cơ quan báo chí chính thống. Điều này cũng đặt ra yêu cầu đối với các cơ quan báo chí, đội ngũ người làm báo cần tiếp tục đổi mới phương thức thể hiện, năng động hơn, nhạy bén hơn, biết chắt lọc thông tin để mang đến những tác phẩm báo chí chất lượng, kịp thời, chính xác, có tính định hướng dư luận và trả lời được câu hỏi mà bạn đọc đang quan tâm hiện nay” - nhà báo Lê Hồng Phước cho biết.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết