Tiếng Việt | English

17/04/2016 - 07:51

Làm gì để “nhổ” được tận gốc tư duy sản xuất hai luống bẩn-sạch?

Thực phẩm bẩn tràn lan, không chỉ trong miếng thịt, con cá mà còn cả ở cọng rau, củ hành...

Người tiêu dùng hoang mang không biết chọn lựa thực phẩm nào là an toàn để bảo vệ mình và người thân trong gia đình. Trong khi đó, nhiều mô hình rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap vẫn hạn chế đầu ra; làm nảy sinh trong họ suy nghĩ khác, với nhìn sang cách sản xuất bẩn nhưng đang đem lại hiệu quả về kinh tế-mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng tư duy hai luống bẩn-sạch. 

Chi phí sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap còn quá cao.

Làm gì để "nhổ" được tận gốc tư duy sản xuất ấy ở một bộ phận người nông dân?

Dù đã triển khai sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap được gần 3 năm nay nhưng hầu hết nông dân trồng rau tại Long Thuận, huyện Hồng Ngự chưa mang về lợi nhuận như mong đợi. Sản xuất rau an toàn đòi hỏi phải có quy trình. Ngoài tuân thủ các quy định về canh tác, chăm sóc cũng như quản lí chặt quá trình phun thuốc bảo vệ thực vật, còn chú ý đến thời gian cách ly. Anh Huỳnh Văn Được, người trồng rau an toàn ở xã Long Thuận cho biết, sản xuất rau an toàn chi phí đầu tư giảm hơn so với sản xuất bình thường nhưng năng suất lại giảm.

Trong khi đó, giá bán rau an toàn và không an toàn không khác nhau là mấy: “Lúc trước cứ nghĩ sản xuất sao rau sản xuất ra đẹp thì bán được, mặc sức khỏe của người sử dụng ra sao. Bởi khi sản xuất rau đẹp thì mới cạnh tranh thị trường được. Nhưng như thế thì gây ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó, tôi mới thấy mô hình sản xuất rau trong nhà lưới rất tốt; hạn chế được thuốc bảo vệ thực vật”.

Sau gần 5 năm sản xuất rau an toàn, Đồng Tháp đã thực hiện được hơn 90 mô hình trên diện tích khoảng 24 ha; xây dựng 7 mô hình nhân nuôi chế phẩm phân bón vi sinh trên rau. Tuy nhiên, mô hình này vẫn chưa mang lại hiệu quả về kinh tế.

Hai vùng sản xuất chuyên canh rau an toàn của Đồng Tháp cung ứng ra thị trường mỗi ngày vài tấn, thậm chí vài chục tấn rau củ các loại nhưng sản lượng tiêu thụ tại các siêu thị rất hạn chế. Tại các chợ, rau an toàn vẫn chưa thể cạnh tranh nổi với rau không được kiểm soát về chất lượng.

Mặc khác, người nông dân khi sản xuất rau an toàn chưa quen với việc lập kế hoạch sản xuất.

Thu hoạch cùng một thời điểm nên ế hàng, dội chợ và giá thấp. Anh Đỗ Thanh Sĩ, thành viên HTX rau an toàn Long Thuận cho biết, nông dân chưa mặn mà tham gia mô hình sản xuất rau an toàn: “Hiện giờ mặt hàng đồ rẫy ở vùng này thì dịch hại tấn công nhiều. Nếu người dân trồng mà không xịt thì thiệt hại nhiều. Với mô hình rau an toàn này thì bản thân rất yên tâm khi bán rau. Nhưng lo lắng thị trường, bởi giá thành cao hơn ở ngoài. Nếu có bao tiêu từ HTX thì mình yên tâm hơn”.

Thời gian qua ở Đồng Tháp, mô hình liên kết tiêu thụ rau an toàn đã được triển khai. Theo đó, người sản xuất sẽ cung cấp rau an toàn cho HTX, tổ hợp tác. Đơn vị này cung ứng cho doanh nghiệp hoặc siêu thị.

Công ty cổ phần Fresh and Green chuyên cung cấp rau an toàn tại Đồng Tháp đầu tư trực tiếp cho nông dân; sau đó, thu lại sản phẩm để tiêu thụ. Nhưng mối liên kết này sớm bị đứt quãng do chưa tìm được tiếng nói chung giữa doanh nghiệp và người sản xuất.

Ông Thái Thanh Phong, Giám đốc Công ty cho rằng, tư duy của người dân vẫn là lợi ích trước mắt nên việc tuân thủ các quy định về sản xuất an toàn chưa được chú trọng.

Doanh nghiệp này sẽ chủ động xây dựng mô hình sản xuất rau thủy canh trong nhà lưới để cung cấp rau cho cửa hàng và hệ thống siêu thị với chất lượng đảm bảo; từ đó, hướng nông dân sản xuất theo mô hình này: “Nông dân với doanh nghiệp chưa có gắn kết chặt chẽ.

Hình thức hợp tác cũng chưa rõ ràng. Sắp tới chúng tôi đầu tư 1ha nhà lưới sau đó cho nông dân thấy được đây là quy trình tốt, hiệu quả; có nhiều doanh nghiệp mua được của công ty chúng tôi. Lúc đó, người nông dân tự nhiên sẽ vào để sản xuất theo quy trình của mình".

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Chi cục trưởng, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp, để mô hình sản xuất rau an toàn có hiệu quả, người nông dân cần thay đổi tập quán sản xuất; sản xuất không chỉ để bán mà bản thân gia đình mình cũng ăn những sản phẩm đó: “Chúng tôi sẽ tập trung tăng cường thông tin tuyên truyền về các quy định đối với người sản xuất, người kinh doanh theo hướng tăng tính trách nhiệm.

Làm sao để người sản xuất ‎ý thức là không phải sản xuất để bán nữa mà bản thân mình, gia đình mình phải ăn những sản phẩm đó”.

Quan trọng hơn, để loại bỏ những loại rau mà chỉ người tiêu dùng mới mua còn những người trực tiếp sản xuất không dám sử dụng, ngành nông nghiệp, y tế và quản lý thị trường cần có giải pháp đủ mạnh để bảo vệ những người sản xuất tử tế, lương thiện; kiên quyết trấn áp những người sản xuất, buôn bán thực phẩm bẩn. Chỉ có vậy, tư duy hai luống bẩn-sạch mới không còn đất neo đậu./.

Thanh Tùng/VOV – ĐBSCL

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích