Trong khi người dân TP HCM chật vật tìm thực phẩm sạch thì khá nhiều đơn vị sản xuất rau, thịt an toàn lại bế tắc do không tìm được đầu ra. Nhiều điểm bán đồ sạch là ế ẩm, vắng khách.
Thực phẩm sạch chờ niềm tin người dùng
Nhiều tiểu thương tại một số chợ ở TP HCM đang thí điểm bán thực phẩm an toàn. Song theo nhận định từ chính người thực hiện, hàng chủ yếu bán cho các mối quen. Không nhiều khách đi chợ hào hứng với sản phẩm này.
Bà Phan Ngọc Sinh, chủ hàng thịt số 79D, chợ Hòa Bình (quận 5) cho biết bà tham gia vào quầy hàng thịt an toàn do dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (LIFSAP) hỗ trợ hơn một năm nay. Nguồn thịt nhập bán hàng ngày thường xuyên được cán bộ kiểm tra nguồn gốc, chất lượng. Giá nhập vào cũng cao hơn 5.000-10.000 đồng/kg so với thịt do tiểu thương không tham gia dự án cung cấp. Do đó, giá bán ra cũng phải nhỉnh hơn.
Song theo lời bà Sinh, dù tiểu thương đã cố gắng giới thiệu thịt an toàn, khách quen cũng không hào hứng, chỉ vì thịt ít nạc mà giá lại cao.
“Mang tiếng là thịt sạch đúng tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng sản lượng tiêu thụ hằng ngày giảm mạnh so với trước khi tham gia dự án. Giờ hàng bán mỗi ngày chủ yếu là bỏ cho mối quen. Lượng khách ra vào khu vực cửa hàng thịt an toàn chỉ đếm trên đầu ngón tay” - bà Sinh cho biết.
Người dân có nhu cầu thực phẩm sạch rất lớn nhưng lại chủ yếu dựa vào niềm tin để lựa chọn sản phẩm. Ảnh minh họa: Nam Thiên.
Chủ gian hàng thịt khác ở quầy số 57D cũng cho biết doanh thu chính của cửa hàng từ các khách quen. “Chất lượng thịt trong khu này rõ ràng tốt hơn hàng trôi nổi, bơm nước bên ngoài, nhưng khách đi chợ không phân biệt, họ chỉ nhìn vào giá. Chúng tôi cũng nhiều lần hướng dẫn cách nhận biết thịt an toàn, nhưng đa số người đi chợ không tin” - chủ sạp này cho biết.
Không chỉ người bán thịt, nhiều quầy hàng rau an toàn ở chợ Bến Thành cũng chịu chung tình trạng bán hàng sạch nhưng vẫn ế.
Anh Cường, chủ gian hàng số 1295 cho biết, lượng khách mua rau an toàn không nhiều. Trung bình mỗi ngày, số rau tiêu thụ được là 100-200 kg nhưng chủ yếu anh bán mối quen. Khách quen thường đặt rau một lần dùng cho 3-4 ngày, người bán sẽ đóng gói và mang đến tận nhà. Nguyên nhân vắng khách, theo anh Cường, là giá rau cửa hàng anh cao hơn 2.000-10.000 đồng/kg so với các hàng bên cạnh. Dù anh đã thuyết phục đây là sản phẩm sạch, khách vẫn nghi ngại về mức giá.
“Không phải cứ bán sản phẩm sạch là có khách. Thói quen tiêu dùng của người dân vẫn chuộng loại rẻ tiền. Hơn nữa, rau an toàn hiện nay vẫn chưa có gì để đối chứng ngoài lòng tin, nên đa phần người tiêu dùng không phân biệt được cũng là điều dễ hiểu” - anh Cường nói.
Chị Trần Ngọc Dung (quận 1), cho biết chị thường mua rau ở một cửa hàng quen, cũng có tham khảo một số điểm bán rau an toàn. Song theo chị, giá rau cao, hàng lại không đa dạng, không nhiều sự lựa chọn. Ví dụ, rau muống bình thường 15.000 đồng/kg, nhưng các sạp rau an toàn chỉ bán rau muống baby, giá lên đến 100.000 đồng/kg. Đây là lý do khiến những người tiêu dùng bình thường như chị không mua ở các điểm này.
Nhà vườn chờ niềm tin nhà phân phối
Thực tế, thịt heo VietGap ở TP HCM đã có mặt trên thị trường năm 2010, từ dự án LIFSAP. Hợp tác xã Chăn nuôi Tiên Phong với sự tài trợ của dự án SIDA cũng đã nuôi và đạt chứng nhận VietGap từ 3 năm trước. Tuy nhiên, đầu ra bế tắc, do các nhà phân phối lớn e ngại vì lượng cung cấp hàng ngày quá ít. Cuối cùng, heo VietGAP đành phải bán ra thị trường như heo thường, không còn phân biệt được.
Ông Võ Thiết Mộc, một hộ nuôi heo VietGap từ hơn 2 năm nay tại Củ Chi chia sẻ, quy trình thực ra không quá phức tạp. Chủ trại chỉ cần tuân theo các tiêu chuẩn quy định và đặc biệt chú ý vệ sinh chuồng trại, môi trường xung quanh, thực phẩm an toàn. Các công đoạn chăn nuôi tuy có cầu kỳ, lắt nhắt hơn thông thường nhưng lại giúp ông Mộc tiết giảm tối đa chi phí các loại thuốc thú y, vì heo rất ít bệnh tật.
Thời gian nuôi một con heo VietGap từ lúc cai sữa heo con cho đến lúc xuất chuồng 5-5,5 tháng tốn khoảng 7-8 bao cám loại 25 kg. Trại heo nhà ông lúc nào cũng có vài chục đến 100 con và chia nhau xuất bán.
“Nhưng không ít doanh nghiệp lớn như Vissan, Tổng công ty nông nghiệp nhiều lần gặp gỡ hứa hẹn, thu mua rồi bỏ đó khiến đàn heo sạch bị đối xử như heo thường. Và nếu như vậy thì khi ra thị trường, tôi không biết sản phẩm của mình sẽ được đối xử ra sao” - ông Mộc nói.
Giá bán cà rốt thường chỉ 15.000 đồng/kg nhưng cà rốt trồng theo công nghệ sạch của Nhật lên đến gần 50.000 đồng/kg khiến cho không phải ai cũng có điều kiện dùng hàng sạch. Ảnh: Zen Nguyễn.
Bà Phạm Thị Thu Cúc, Giám đốc Công ty Rừng hoa Bạch Cúc (Đà Lạt, Lâm Đồng), chia sẻ dù doanh nghiệp tích cực đi quảng bá, nhưng đa số người dùng, đặc biệt ở TP HCM, lại không biết các sản phẩm sạch. Cụ thể, sản phẩm được bà Cúc nhắc đến là các loại xà lách như frisee, romain, lá sồi đỏ... được trồng theo phương pháp thủy canh. Chi phí để đầu tư 1 ha canh tác thủy canh lên đến gần 7 tỉ đồng.
Tương tự, vườn rau của Công ty liên doanh An Phú Lacue hơn một năm nay đã cho ra thị trường những sản phẩm được đánh giá là có chất lượng tương đương với nông sản trồng tại làng Kawakami (nơi được mệnh danh là “ngôi làng thần kỳ” ở Nhật Bản). Các sản phẩm của doanh nghiệp trên nhận được sự hỗ trợ trực tiếp của những người trồng rau có kinh nghiệm đến từ Nhật. Nhà vườn này còn là nơi sưu tầm những nguồn giống rau củ lạ độc đáo, cà chua, củ cải đỏ baby, bó xôi, rau mùi tây, xà lách…
Đưa sản phẩm ra thị trường TP HCM từ năm ngoái, nhưng đến nay khảo sát tại TP HCM, đơn vị này cũng chỉ có một cửa hàng phân phối chính tại đường Phan Văn Trị (Gò Vấp), một điểm bán ủy quyền tại chợ Tân Định và trong hệ thống siêu thị Aeon của Nhật. Rất nhiều người tiêu dùng tại TP HCM khi được hỏi cho biết họ nghe có những sản phẩm đó nhưng bán ở đâu thì không rõ.
Nếu như người tiêu dùng không được phổ biến kỹ năng nhận biết các loại thực phẩm với mức độ tiêu chuẩn khác nhau thì khó có thể phân biệt đâu là đồ sạch. Ảnh minh họa: Anh Tuấn.
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch HĐQT An Phú Lacue cho rằng ông có thể bán sản phẩm của mình qua các vựa rau chợ đầu mối tại TP HCM. Nhưng tiêu chuẩn của ông là những vựa này phải có uy tín.
Đại diện một nhà vườn rau tại Đà Lạt đề nghị giấu tên chia sẻ, liên kết với nhà phân phối lớn giúp ông loại bỏ được bộ phận thương lái trung gian, nhưng đôi khi khó kiểm soát được sản phẩm đến tay người tiêu dùng có phải của mình hay không. “Họ lấy hàng của mình với số lượng ít, tại hệ thống của họ sản phẩm bán rất chạy nhưng sao thấy bán hoài, bán mãi mà không nhập thêm hàng. Tìm hiểu tôi mới biết sản phẩm của mình đã bị đội lốt...” - ông này ngán ngẩm.
Một lý do khác, có chủ trại cho rằng, khi thoả thuận tỷ lệ chiết khấu với kênh phân phối, cả hai đều đồng ý chốt giá bán lẻ cho người tiêu dùng. Nhưng khi bán ra, những đơn vị này lại tự động cộng thêm 10-15%. Điều này làm cho cùng một sản phẩm của một nhà sản xuất mà có nhiều giá bán khác nhau tại các kênh phân phối. Người tiêu dùng không khỏi đặt nghi vấn chất lượng. Do vậy, nhiều nhà vườn muốn bán trực tiếp sản phẩm của mình, dù lượng bán ra không nhiều.
Việc thuyết phục người tiêu dùng tin vào chứng nhận trên nhãn dán một cách tuyệt đối cũng không dễ. Rau củ nói chung và nông sản hiện nay có nhiều mức độ tiêu chuẩn, như: rau thường (trồng đại trà), rau an toàn, rau sạch… trong khi kỹ năng nhận biết của người tiêu dùng chưa được phổ biến.
Người mua không nhận biết được: Sạch cũng vô nghĩa Mới đây, Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam khảo sát cách phân biệt rau an toàn và không an toàn bằng mắt thường. Kết quả cho thấy, hơn 90% số người được hỏi cho biết họ không thể phân biệt. Mặt khác, hiện có tới 20 tổ chức được Bộ Nông nghiệp chỉ định chứng nhận VietGap, khiến việc thẩm định và trao chứng nhận không tránh khỏi những nghi ngờ về tính chặt chẽ. Nhiều người tiêu dùng có thể đặt niềm tin vào lời giới thiệu từ bạn bè, người quen về độ sạch của rau hơn là nhãn mác mà các đơn vị trồng hay phân phối công bố. Tấm biển “Thịt đạt tiêu chuẩn VietGap”, rau ViẹtGap cũng chưa đủ sức thuyết phục người mua tin vào chất lượng “sạch” của sản phẩm, khi mà những người bán cũng không thể thuyết phục người mua nhận biết bằng mắt thường. Thiếu đơn vị đứng ra kết nối Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP HCM cho biết, thành phố đã triển khai xong chương trình cấp chứng nhận chăn nuôi heo VietGap. Việc nâng cấp khu kinh doanh thịt tươi sống của hàng chục chợ ở nhiều quận huyện, hỗ trợ trang thiết bị cho các cơ sở giết mổ cũng được tiến hành từ năm 2013. Tuy nhiên, từ đó đến nay, thịt heo có chứng nhận VietGap vẫn vắng bóng trên thị trường do thiếu đơn vị đứng ra kết nối. Hiện tổng đàn heo VietGap của TP HCM khoảng 45.000 con heo, và mới có 1 đơn vị đứng ra làm đầu mối thu mua, giết mổ tháng 10 vừa qua. |
Nguồn: Tuổi trẻ/Theo Zing