Tiếng Việt | English

26/07/2015 - 04:56

Lạm phát thấp kỷ lục có thực sự đáng mừng?

Lạm phát thấp sẽ là điều kiện tốt để tăng trưởng kinh tế hay nền kinh tế đang có nguy cơ giảm phát trở lại là những câu hỏi cần giải đáp.

Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 7 tăng 0,13% so với tháng trước và tăng 0,86% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, từ đầu năm tới nay, chỉ số giá tiêu dùng cả nước mới chỉ tăng 0,68% - đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm gần đây.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 9 nhóm tăng. Trong đó, nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép có mức tăng cao nhất (0,25%); tiếp đến là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng; nhóm đồ uống và thuốc lá; nhóm giao thông; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức tăng thấp nhất (0,1%)… Chỉ số giá nhóm giáo dục gần như không tăng. Chỉ số giá nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,02%.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng này tăng chủ yếu là do tháng 7 diễn ra kỳ thi tuyển vào lớp 10 và kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học Quốc Gia năm 2015 nên nhu cầu dịch vụ ăn uống ngoài gia đình, giải khát, dịch vụ giao thông công cộng tăng. Thời tiết nắng nóng nên nhu cầu dùng điện tăng làm cho chỉ số giá điện sinh hoạt và nước sinh hoạt tăng.

Bên cạnh đó, từ đầu tháng này, giá dịch vụ y tế ở TP HCM được điều chỉnh tăng ở một số quận làm cho chỉ số giá dịch vụ y tế cả nước tăng 0,15% so với tháng trước. Tuy nhiên, lý giải việc nhiều nhóm hàng nhích giá nhưng chỉ số giá tiêu dùng vẫn tăng thấp, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong thời gian qua, lạm phát luôn được kiểm soát tốt, kinh tế vĩ mô ổn định; giá xăng, dầu được điều chỉnh giảm theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước; công tác bình ổn giá cũng như việc bảo đảm nguồn cung, cầu hàng hóa trên thị trường được thực hiện hiệu quả.

Ông Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho biết, xu hướng CPI năm 2015 tương đối khác so với thông lệ của Việt Nam. Thông lệ CPI của Việt Nam thường theo hình sin với 2 đỉnh, đỉnh cao nhất thường là những dịp Tết và sau Tết. Đỉnh thấp nhất là sẽ vào dịp cuối quý 3. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm nay, CPI đang có xu hướng ngược lại là thấp vào đầu năm và hiện đang có xu hướng tăng nhẹ.

“Điều này được giải thích bởi 2 lý do: Thứ nhất liên quan đến giá xăng dầu biến động và chúng ta điều chỉnh giá xăng dầu. Mỗi lần điều chỉnh giá xăng dầu cũng như giá điện và giá các dịch vụ công khác thì sẽ tạo xu hướng tăng CPI. Thứ 2, có một số hoạt động liên quan đến độ trễ của những chính sách kích cầu. Khi chúng ta thực hiện kích cầu mạnh cũng như gia tăng những hoạt động hỗ trợ thì sau vài ba tháng thì tác động của nó sẽ phát sinh và tăng lên”, ông Phong phân tích. 

Người tiêu dùng phải tiết kiệm hơn trong chi tiêu để phù hợp với thu nhập hàng tháng. (Ảnh minh họa: KT)

Có cái nhìn khá lạc quan về mức lạm phát thấp trong thời gian qua, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, lạm phát thấp nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn ổn định, quý sau cao hơn quý trước thì đó là vấn đề không đáng lo ngại, thậm chí, lạm phát thấp còn là điều kiện tốt để tăng trưởng kinh tế.

“Lạm phát thấp và ổn định là một yếu tố cần thiết, không thể thiếu được để phát triển bền vững, lâu dài của nền kinh tế. Đó cũng là yếu tố không thể thiếu được để đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh và môi trường kinh doanh thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp”, TS. Nguyễn Đình Cung lý giải.

Mặc dù Tổng cục Thống kê khẳng định, nếu như không có đột biến trong những tháng cuối năm thì chỉ số giá tiêu dùng năm nay có thể đạt mục tiêu mà Quốc hội đề ra là 5%. Tuy nhiên, ngay giữa lúc tăng trưởng cao hơn cả mục tiêu và lạm phát thấp kỷ lục, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn cảnh báo tránh lạc quan sớm. Bởi, ở một góc độ khác, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp cho thấy sức mua của người dân thấp.

“Năm nay phải hạn chế hơn nhu cầu về vui chơi giải trí so với năm ngoái, vì đồng lương không đủ đáp ứng nhu cầu ấy. Mình bắt buộc phải giảm đi nhu cầu vui chơi giải trí để phục vụ cho những nhu cầu cơ bản về ăn uống, thuê nhà và mọi thứ khác”, một người lao động cho biết.

“Mình cảm thấy chi tiêu trong cuộc sống hàng ngày bây giờ hơi vất vả vì kiếm tiền rất khó khăn mà chi tiêu thì cái gì cũng nhiều. Phải tiết kiệm hơn nhiều thì mới đủ được với thu nhập của mình hàng tháng”, một nữ công chức khác tâm sự.Ông Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính bày tỏ lo ngại, nền kinh tế đang ở gần mức lạm phát 0% nhưng đồng thời lại rất xa mức lạm phát mục tiêu là 5%. Theo ông Độ, để nền kinh tế tránh xa vùng giảm phát, tốc độ tăng trưởng kinh tế cần phải cao hơn 6,5%. Và nếu GDP chỉ ở mức 6-6,25%, xác suất nền kinh tế rơi vào tình trạng giảm phát là rất lớn.
“Khi lạm phát thấp mà lãi suất không hạ được theo lạm phát sẽ dẫn đến lãi suất thực tăng. Khi lãi suất thực tăng thì sẽ cản trở đầu tư và tiêu dùng, đồng thời làm cho tổng cầu yếu đi. Nếu lạm phát xuống 0% và lãi suất cũng xuống được 3-4% thì tôi nghĩ là sẽ không có vấn đề gì. Nếu khi lãi suất bị cố định ở mức 8% thì lúc ấy chúng ta cần đưa lạm phát lên 3-4% để mức lãi suất thực chỉ còn quãng 3-4%; thế còn lãi suất 8% mà lạm phát xuống 0% thì nó sẽ cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP và lúc đấy sẽ cản trở phát triển kinh tế”, ông Độ nêu vấn đề.

Mới đây, Viện Kinh tế - Tài chính đã đưa ra 5 kịch bản về tương quan giữa tăng trưởng GDP và lạm phát trong 3 năm 2015-2018. Trong đó, kịch bản thấp nhất, nếu tỷ giá điều chỉnh bình quân 2% mỗi năm, GDP bình quân chỉ tăng 6%, lạm phát bình quân của Việt Nam sẽ ở con số âm 0,93%. Và kịch bản lạc quan nhất, GDP bình quân 3 năm tới đạt 7% thì lạm phát bình quân sẽ chỉ tăng cao nhất là 4,3%.

Nghiên cứu này cho thấy: Nguy cơ nền kinh tế Việt Nam rơi vào giảm phát quay trở lại lớn hơn nhiều so với nguy cơ lạm phát cao. Các chuyên gia của Viện này cũng cho rằng, để xử lý câu chuyện lạm phát thì cần tìm mọi giải pháp đẩy tăng trưởng cao hơn mức 6,5%. Điều kiện tiên quyết là ngân hàng sẽ cần phải giảm lãi suất cho vay ít nhất từ 1-1,5 điểm phần trăm trong năm nay, như mục tiêu Chính phủ đã quyết./.

Cẩm Tú/VOV – Trung tâm tin

Chia sẻ bài viết