Tiếng Việt | English

17/01/2016 - 08:46

Làm sao để đưa bảo hiểm xã hội tự nguyện đến với lao động tự do?

Tính đến quý 2/2015, mới chỉ có khoảng 0,6% số lượng người lao động trong khu vực phi chính thức đóng BHXH tự nguyện.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) về BHXH tự nguyện, trong đó có nhiều ưu điểm như: phương thức và thời gian đóng BHXH linh hoạt, không giới hạn tuổi tham gia, người tham gia được Nhà nước hỗ trợ...

Đây là những ưu đãi cho lao động tự do không tham gia BHXH bắt buộc, nhằm mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để đông đảo đối tượng lao động tự do biết và tham gia loại hình bảo hiểm này?

Suốt ngày ở nhà nên không biết!

- “Tôi chả ra khỏi nhà, nên không biết về bảo hiểm nó thế nào, không có chuyện nghe tuyên truyền về bảo hiểm xã hội".

- “Tôi chưa có nghe qua lần nào. Chưa nghe chính sách thế nào nên cũng không biết nữa”.

- “Tôi làm Honda ôm, thu nhập tầm 3 - 4 triệu mỗi tháng, khi thì tôi ở chỗ này, năm sau không được tôi lại đổi chỗ ở, nên tôi không có lưu tâm về vấn đề này”.

Trên đây là ý kiến của một số lao động tự do như kinh doanh nhỏ, bảo vệ, xe ôm... khi chúng tôi hỏi về chính sách BHXH tự nguyện. Theo khảo sát của Viện phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh Sáng (LIGHT), có tới 91% người bán hàng rong chưa từng biết đến các quy định của Bộ Luật Lao động và 91,45% chưa biết đến BHXH.


Lao động di cư chưa được tiếp cận thông tin về BHXH tự nguyện

Trong khi người lao động tự do đang phải lo toan gánh nặng “cơm áo gạo tiền”, có ít thời gian và điều kiện để tiếp cận văn bản pháp luật, thì công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH tự nguyện hiện nay chưa được chú trọng, nội dung truyền thông còn bó hẹp, chưa đi vào cụ thể. Vì vậy mà số lượng người lao động đóng BHXH tự nguyện vẫn còn hết sức ít ỏi. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến quý 2/2015, mới chỉ có khoảng 0,6% lao động khu vực phi chính thức tham gia loại hình bảo hiểm này.

Theo bà Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng, đối với nhóm đối tượng là lao động tự do, phải có cách tuyên truyền đặc thù để họ có thể hiểu và biết về chính sách BHXH tự nguyện, chứ không thể chung chung như hiện nay.

“Họ cần phải có chính sách tuyên truyền riêng, cần những nội dung riêng, những gì thiết thực với họ hơn, thay vì chúng ta có những thông điệp, khẩu hiệu hay thông tin chung chung với tất cả những đối tượng khác” – bà Thu Giang nói.

Phải đi "tiếp thị" cho dân biết

Theo Luật BHXH, người lao động tự do với thu nhập thấp tham gia BHXH tự nguyện phải đóng 22% mức thu nhập, mà chỉ được hưởng hai chế độ là hưu trí và tử tuất. Đây cũng là một trong những lý do khiến BHXH tự nguyện không hấp dẫn người lao động.

Tuy nhiên, theo ông Lưu Quang Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Luật BHXH năm 2014 đưa mức đóng dựa trên mức chuẩn nghèo nông thôn đã tạo điều kiện cho người lao động tự do tham gia BHXH tự nguyện. Hiện Chính phủ cũng đã quy định về mức hỗ trợ: đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo được hỗ trợ 30% số tiền phải đóng, đối với người thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ 25% và đối với các đối tượng khác được hỗ trợ 10%.

Ông Lưu Quang Tuấn cho rằng: “Đây là điều hấp dẫn đối với người lao động tự do. Vì vậy, BHXH phải có cách tiếp thị giống bảo hiểm nhân thọ của tư nhân. Vấn đề quan trọng nhất là làm thế nào để người dân biết được ích lợi khi tham gia, để về sau có cuộc sống an sinh. Chúng ta có BHXH ở quận, huyện, tại sao không lan xuống cấp xã? Không cần phải có văn phòng hay gì cả, nhưng chúng ta cần phải xuống tận nơi để tiếp thị, giống như tiếp thị xã hội, để người dân có thể tham gia được”.

Còn bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cho rằng chính sách nhân văn nhưng chỉ dừng lại ở văn bản luật mà chưa đến trực tiếp tới người dân thì nó sẽ bị đóng băng. Vì vậy, cần thông qua các tổ chức đoàn thể tại địa phương, phối hợp, lồng ghép cùng tuyên truyền về BHXH tự nguyện. Cán bộ cơ quan BHXH, phụ nữ, đoàn thanh niên, phải tiếp xúc với vấn đề này. Họ sẽ là những kênh truyền thông chính trong hệ thống, để làm sao cho nhiều người biết được chính sách xã hội này và sẵn sàng tham gia.

Xuất phát từ thực tế tại địa phương, ông Đoàn Thanh Bình, Phó Chủ tịch phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay, lao động tự do chủ yếu là người nhập cư, không tham gia các đoàn thể chính trị - xã hội, mà chủ yếu sinh hoạt theo nhóm nghề nghiệp, hội đồng hương. Vì vậy, công tác tuyên truyền cần phải được xã hội hóa, với nhiều tổ chức tham gia, tác động từ nhiều chiều để tiếp cận với người dân. Chính quyền địa phương sẽ phối hợp các tổ chức đó để cùng thực hiện.

Còn 2 năm nữa Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện mới có hiệu lực. Thế nhưng, ngay từ bây giờ, nếu không làm tốt việc tuyên truyền, phổ biến những ưu đãi của chính sách thì số người lao động tự do tham gia BHXH tự nguyện vẫn không đạt mục tiêu đặt ra./.

Nguồn: Kim Dung/VOV

Chia sẻ bài viết