Lễ hội Lam Kinh 2022: “Hào khí Lam Sơn - tỏa sáng trường tồn”
Sáng 17/9 (tức ngày 22/8 năm Nhâm Dần), tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh (thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân), UBND tỉnh Thanh Hóa đã long trọng tổ chức Lễ hội Lam Kinh 2022, kỷ niệm 604 năm khởi nghĩa Lam Sơn, 594 năm Vua Lê Thái Tổ đăng quang, 589 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Lê Lợi và kỷ niệm 10 năm di tích lịch sử Lam Kinh được công nhận di tích Quốc gia đặc biệt.
Các đại biểu tham dự Lễ hội Lam Kinh 2022.
Dự lễ kỷ niệm có đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; đồng chí Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; đại diện lãnh đạo Tổng cục Du lịch, Cục Văn hóa cơ sở, Cục Di sản văn hóa và các vụ thuộc Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch; lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; các hội và hiệp hội du lịch; đại diện dòng tộc họ Lê Việt Nam và đông đảo du khách.
Nghi thức rước kiệu Vua Lê Thái Tổ và kiệu Trung Túc Vương Lê Lai.
Lễ hội Lam Kinh năm 2022, kỷ niệm 604 năm khởi nghĩa Lam Sơn, 594 năm Vua Lê Thái Tổ đăng quang, 589 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Lê Lợi và kỷ niệm 10 năm di tích lịch sử Lam Kinh được công nhận di tích Quốc gia đặc biệt diễn ra trong không khí trang trọng, thành kính và tôn nghiêm. Trong đó có các nghi thức truyền thống như rước kiệu Vua Lê Thái Tổ và kiệu Trung Túc Vương Lê Lai; lễ dâng hương kính cáo Đức Thái Tổ Cao hoàng đế.
Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng các đại biểu dâng hương kính cáo Đức Thái Tổ Cao hoàng đế.
Sau các nghi thức tế lễ, thay mặt Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đồng chí Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đọc diễn văn khẳng định vai trò, ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và công đức của vua Lê Thái Tổ; tôn vinh những giá trị độc đáo, quý báu của khu di tích Lam Sơn. Đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm và sự đóng góp của các cấp, ngành, địa phương và Nhân dân trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản Lam Kinh.
Đồng chí Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đọc diễn văn tại Lễ hội Lam Kinh 2022.
Diễn văn nhấn mạnh: Sau triều đại nhà Hồ (năm 1407), nước Đại Việt rơi vào ách đô hộ của nhà Minh. Với tinh thần yêu nước, căm thù giặc, năm 1416 tại Lũng Nhai, Lê Lợi đã cùng 18 vị tướng tài tâm phúc mở Hội thề quyết tâm chống lại giặc Minh, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ cho Nhân dân. Lời thề thiêng liêng đã lan tỏa và thu hút anh hùng hào kiệt từ mọi miền đất nước tìm về Lam Sơn tụ nghĩa. Ngày mùng 2 Tết năm Mậu Tuất (1418) tại vùng rừng núi Lam Sơn, dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ.
Chương trình nghệ thuật tái hiện hình ảnh Bình Định Vương Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa.
Chương trình nghệ thuật tái hiện lại hình ảnh hào hùng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
Trải qua 10 năm “nếm mật nằm gai”, năm 1428 cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã giành toàn thắng, quân xâm lược bị quét ra khỏi bờ cõi, nền độc lập dân tộc được khôi phục. Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã tạo nên một trong những mốc son đỉnh cao trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc ta; trở thành biểu tượng cho lòng yêu nước nồng nàn, ý chí anh dũng, quật cường và quyết tâm đánh đuổi kẻ thù xâm lược của Nhân dân ta trong thời kỳ phong kiến.
Chương trình nghệ thuật tái hiện cảnh Lê Lai nguyện liều mình cứu chúa.
Sau khi đất nước thái bình, tháng 4 năm Mậu Thìn 1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Thuận Thiên, khôi phục quốc hiệu Đại Việt và lập nên vương triều Hậu Lê kéo dài hơn 360 năm. Đây là thời kỳ nước Đại Việt được hồi sinh và trở thành một quốc gia cường thịnh vào bậc nhất ở Đông Nam Á nửa sau thế kỷ XV.
Các nghệ nhân biểu diễn cồng chiêng tại Lễ hội Lam Kinh năm 2022.
Cùng với việc xây dựng Đông Kinh (Thăng Long) là kinh đô đất nước, Lam Kinh cũng được đổi thành Tây Kinh. Ngày 22 tháng 8 năm Quý Sửu 1433, Vua Lê Thái Tổ băng hà và được đưa về an táng tại Vĩnh Lăng đất Lam Sơn và khu điện miếu Lam Kinh cũng được bắt đầu xây dựng từ đây. Di tích Lam Kinh bao gồm nhiều hạng mục công trình kiến trúc phục vụ chức năng tín ngưỡng, tri ân tổ tiên nhà Lê, là nơi an nghỉ của các vua và hoàng thái hậu nhà hậu Lê, với hệ thống cảnh quan tạo ra sự hài hòa trong một không gian kiến trúc gắn bó mật thiết với thiên nhiên.
Với những giá trị nổi bật, ngày 27-9-2012 di tích Lam Kinh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Trong 10 năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương, sự quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Thanh Hóa, khu di tích đã được đầu tư nguồn lực lớn để phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị. Nhờ đó, nhiều hạng mục công trình quan trọng của khu di tích đã được phục dựng. Đồng thời có 5 bia ký được công nhận bảo vật quốc gia; 18 cây được công nhận cây di sản; phân loại và vào sổ đăng ký 7 bộ sưu tập gồm: gốm, sành, gạch, ngói, vật liệu trang trí kiến trúc, kim loại; sưu tầm được 1.031 hiện vật gốc…
Với bề dày lịch sử - văn hóa và vẻ đẹp thiên nhiên, Lam Kinh đang trở thành một trong những điểm đến văn hóa, tâm linh hấp dẫn bậc nhất của xứ Thanh hiện nay...
Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh trống khai hội.
Sau màn đánh trống khai hội của đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nghi lễ đọc chúc văn tấu cáo, tưởng nhớ công lao của Đức Thái Tổ Cao hoàng đế, các vị vua, hoàng thái hậu nhà Lê, công thần và các tướng sĩ nghĩa quân Lam Sơn đã diễn ra trang trọng tại sân rồng trước Chính điện Lam Kinh. Sau nghi lễ là chương trình nghệ thuật với chủ đề “Hào khí Lam Sơn - tỏa sáng trường tồn”.
Chương trình được dàn dựng công phu, giàu tính biểu tượng và tính nghệ thuật, với các phần: “Hào khí Lam Sơn - Anh hùng tụ nghĩa”; “Bình Định Vương đăng quang Hoàng đế”; “Tiếp bước cha ông, Thanh Hóa trên đường đổi mới”. Qua đó, tái hiện sinh động một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc cùng công lao to lớn của Anh hùng dân tộc Lê Lợi, các tướng sĩ và Nhân dân ta trong công cuộc đánh đuổi giặc Minh, giành lại độc lập và xây dựng đất nước phát triển hưng thịnh.
Ngoài ra, phần hội còn có sự kết hợp của các trò diễn đặc sắc như trò Xuân Phả, múa đèn Đông Anh, diễn tấu cồng chiêng của người Mường, múa bát dân tộc Dao… tạo nên một không gian nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc, để lại nhiều dư âm cùng ấn tượng đẹp trong lòng Nhân dân và du khách thập phương.
Lễ hội Lam Kinh năm 2022, kỷ niệm 604 năm Khởi nghĩa Lam Sơn, 594 năm Vua Lê đăng quang, 589 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi và 10 năm di tích lịch sử Lam Kinh được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt (2012-2022) nhằm tri ân Anh hùng dân tộc Lê Lợi, các vua Lê, các tướng sĩ và Nhân dân có công lao đóng góp trong lịch sử dựng nước và giữ nước.
Đồng thời, là dịp để giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp vùng đất, con người xứ Thanh cùng nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế du lịch đến với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.
Trước khi khai hội Lam Kinh, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh đã dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Vua Lê Thái Tổ tại Tượng đài Anh hùng dân tộc Lê Lợi (TP Thanh Hóa)./.
Theo Báo Thanh Hóa
- Bảo đảm cho người dân mùa tết, lễ hội vui tươi, an toàn (18/01)
- Đặc sắc chương trình nghệ thuật 'Tráng ca Vàm Cỏ Đông' (18/01)
- Về ngoại (18/01)
- Ðường phèn - vị ngọt tinh hoa xứ Quảng (17/01)
- Một điểm đến ở Việt Nam vào top 50 thành phố du lịch tốt nhất thế giới (17/01)
- Góc ảnh 'Long An quê hương tôi': Gói bánh tét (17/01)
- Nhớ sao hương vị tết miệt đồng! (16/01)
- Đặc sắc Tết 3 miền (16/01)