Tiếng Việt | English

17/02/2025 - 07:59

Lễ hội - Nơi văn hóa được giữ gìn

Tháng Giêng là thời điểm hàng loạt lễ hội đầu xuân được tổ chức tại khắp các địa phương trong toàn tỉnh để cầu bình an, may mắn và tưởng nhớ tiền nhân, tri ân những anh hùng hy sinh vì Tổ quốc. Thông qua lễ hội, các nét đẹp văn hóa, truyền thống được gìn giữ, trao truyền.

Sau hàng trăm năm, các lễ hội truyền thống vẫn tồn tại như một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân. Mỗi lễ hội, đình, miếu có nghi thức cúng tế riêng, mang đậm nét văn hóa, tính nhân văn cũng như ước mong của người dân về một năm mới bình an, sung túc và tưởng nhớ các bậc tiền nhân.

Đình làng vốn là thiết chế văn hóa không thể thiếu tại cộng đồng làng xã người Việt xưa. Thần Hoàng được thờ trong đình sẽ là vị thần trông coi và che chở cho người dân trong làng.

Tuy nhiên, Thần Hoàng không phải là đối tượng duy nhất được người dân thờ tại đình làng mà còn có các vị tiền hiền, hậu hiền và cả những anh hùng, nhà yêu nước được người dân tôn trọng và yêu quý. Trải qua hàng trăm năm, các lệ cúng hàng năm đó vẫn không hề thay đổi tại đình làng.

Lễ hội Làm Chay (đình Tân Xuân, thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) thể hiện lòng tri ân của người dân đối với các bậc tiền nhân thông qua các nghi thức cúng tế.

Trong lễ hội, người dân không chỉ đến viếng đình mà còn thắp hương tưởng niệm tại khu mộ nhà yêu nước Đỗ Tường Tự (người đã bị giặc Pháp xử tử gần sân đình Tân Xuân và được người dân đưa vào thờ phụng trong đình).

Vào những ngày diễn ra lễ hội, ngoài các bàn thờ Phật, Ông Tiêu thì còn có bàn thờ Bác và đài liệt sĩ. Trong nghi thức cúng tế tại Lễ hội Làm Chay còn có nghi thức Đề phan liệt sĩ do vị sư cả Phật giáo chủ trì, tụng kinh, treo lá phan có nội dung ca ngợi công ơn hy sinh vì Tổ quốc của các liệt sĩ.

Nghi thức chiêu u đầy tính nhân văn tại Lễ hội Làm Chay (huyện Châu Thành) (Ảnh: Khánh Duy)

Tên tuổi những người anh hùng đã hy sinh vì nền độc lập của quê hương được ghi trang trọng trên bảng ghi danh để người đời sau tưởng nhớ.

Ông Bùi Văn Biết (thành viên Ban Quản lý đình Tân Xuân) cho biết: “Việc cúng tế nhà yêu nước Đỗ Tường Phong, Đỗ Tường Tự cũng như tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ được người dân gìn giữ từ trước tới nay. Lúc trước, khi kinh tế còn khó khăn, bảng ghi danh liệt sĩ không in ấn trang trọng như bây giờ mà được viết tay. Người được chọn viết tên liệt sĩ phải khéo tay và có nét chữ đẹp chứ không phải ai cũng được viết tên liệt sĩ”.

Nhà văn Trần Bảo Định từng khẳng định “Cái gì dân thờ, cái đó chắc ăn và vĩnh cửu” khi thấy sự sắt son của lòng dân Thủ Thừa đối với người mở đất - Mai Tự Thừa. Mặc dù bị triều đình luận tội tùng nghịch, tịch biên toàn bộ tài sản nhưng Mai Tự Thừa, người đã lập nên vùng đất Thủ Thừa ngày nay, vẫn được người dân tôn trọng và ghi nhớ. Ông được đưa vào thờ phụng trong đình Vĩnh Phong từ lúc “mất tích” tại thành Gia Định cho đến hôm nay.

Một phần nghi thức cúng Kỳ yên tại đình Vĩnh Phong (huyện Thủ Thừa) - nơi thờ phụng ông Mai Tự Thừa

Trưởng Ban Quản lý đình Vĩnh Phong - Trần Văn Sang kể: “Người dân mến mộ tài năng, đức độ của Mai Tự Thừa khi ông khai hoang lập ấp nên xin phép lập miếu thờ Bà Ngũ hành nhưng sự thật là một bên thờ Bà, một bên rước ông Mai Tự Thừa về thờ; đồng thời, ở giữa thờ Thần”.

Người dân Thủ Thừa đã tôn ông là thần nên nghi thức cúng giỗ ông được tổ chức trang nghiêm, long trọng. Lễ Kỳ yên vào tháng Giêng vừa cầu mong cuộc sống bình an, vừa tưởng nhớ đến Mai Tự Thừa - chủ thị.

Lễ hội không chỉ là dịp để mọi người vui chơi, giải trí mà còn là nơi để cộng đồng cùng nhau nhớ về lịch sử, thể hiện lòng biết ơn đối với những người đã có công xây dựng và bảo vệ quê hương.

Việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống qua các lễ hội góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của cộng đồng và khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc./.

Mộc Châu

Chia sẻ bài viết