Chương trình hợp tác giữa Long An và TP.HCM thời gian qua đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Từ chương trình hợp tác, việc xây dựng, quản lý và thực hiện các quy hoạch được phối hợp tốt. Đến cuối năm 2015, có 36 doanh nghiệp đến từ TP.HCM được thành lập để xây dựng kết cấu hạ tầng với tổng diện tích trên 8.247ha, chiếm 80,7% tổng diện tích đất 28 khu công nghiệp đã quy hoạch của Long An.
Nhiều công trình giao thông được phối hợp thực hiện, tạo sự kết nối giữa 2 địa phương, đó là dự án mở rộng, nâng cấp tuyến N2, Quốc lộ 50, nâng cấp Hương lộ 12 huyện Cần Giuộc kết nối Hương lộ 34 huyện Nhà Bè và đang tiến hành đầu tư cầu Rạch Dơi,... Bên cạnh đó, trên các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại-dịch vụ, giáo dục-đào tạo, y tế,... đạt nhiều kết quả khả quan trong thực hiện chương trình liên kết. Giai đoạn 2016-2020, 2 địa phương sẽ có thêm nhiều trục giao thông động lực mới để thúc đẩy sự liên kết và phát triển; hợp tác trên các lĩnh vực, cùng khai thác tốt tiềm năng và lợi thế, tạo sự bứt phá mới.
Hiệu quả từ chương trình hợp tác là khá rõ, qua đó khẳng định tính tất yếu của việc liên kết vùng để cùng phát triển. Mỗi địa phương cần nỗ lực khai thác tiềm năng, lợi thế, đồng thời thấy được trách nhiệm, vai trò của mình trong vùng để có sự phối hợp thực hiện hiệu quả. Bởi, theo Bí thư Thành ủy TP.HCM - Đinh La Thăng: “Thực hiện tốt liên kết vùng thì sự phát triển của địa phương này sẽ kéo theo sự phát triển của địa phương kia”.
Do đó, việc khắc phục những hạn chế trong liên kết vùng nhằm tập trung nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng và lợi thế của từng địa phương và của vùng là yêu cầu đã và đang được đặt ra. Để tính liên kết vùng được tăng cường và phát huy hiệu quả cao, cần lắm cơ chế điều phối, liên kết cụ thể cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có người “cầm trịch” đủ mạnh giữ vai trò điều phối,...
Liên kết vùng để cùng phát triển là một yêu cầu tất yếu. Vì sự phát triển nhanh và bền vững, các địa phương cần tăng cường hợp tác, liên kết trên các lĩnh vực, cùng bứt phá vươn lên./.
Từ Nguyên