Tiếng Việt | English

06/06/2023 - 08:30

Lộc Giang yêu thương (Bài 2)

...Cơm sáng xong, từ ấp An Hiệp, tôi nhờ xe máy của Quê theo Đường tỉnh 825 (trước đây là lộ 10) về ngã ba Lộc Giang. Qua ngã ba An Hiệp (xã An Ninh Đông; trong kháng chiến chống Mỹ là xã An Ninh, sau giải phóng tách thành 2 xã: An Ninh Đông và An Ninh Tây) nơi ngày xưa diễn ra trận đánh càn bất đối xứng giữa Đại đội 1, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 271 chúng tôi với Sư đoàn 25 và các đơn vị bảo an quân đội Sài Gòn. 62/63 đồng đội của tôi vĩnh viễn nằm lại mảnh đất này. Xương máu các anh đã hòa vào đất An Hiệp để góp phần cho người dân nơi đây có cuộc sống yên bình hôm nay.

Tác giả Vương Khả Sơn cùng chị Nguyễn Thị Riêng và Nguyễn Thị Bòi thắp hương tại Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 271, xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa

Con lộ 10 nhỏ, hẹp, nham nhở vết đạn bom năm xưa nối thị trấn (trước đây là tiểu khu) Hậu Nghĩa về An Ninh, Lộc Giang từng thấm máu biết bao đồng đội tôi hàng đêm vào ấp chiến lược để móc nối cơ sở mua gạo, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết cho bộ đội hoặc làm binh, địch vận hay "diệt ác, phá kềm", hầu hết đều bị đại đội thám sát ác ôn 773 của tiểu khu Hậu Nghĩa phục kích hoặc gài mìn claymore gây thương vong, tổn thất nặng nề cho chúng tôi, nay đang trong quá trình mở rộng, trải thảm.

Dọc hai bên đường, những nếp nhà lợp lá dừa nước hay mái tole ọp ẹp, lụp xụp nằm dưới tầm đại bác và các trận càn năm nào của địch, nay chỉ còn trong ký ức, thay vào đó là những ngôi nhà cao rộng. Quán xá, cửa hiệu, tiệm cà phê, đặc biệt là Trường THPT An Ninh - nơi cách đây 16 năm, tôi về giao lưu với thầy và trò theo lời mời của Ban Giám hiệu và Đoàn trường, nay cũng có nhiều đổi mới với những phòng học khang trang, trang thiết bị đầy đủ, hiện đại. Xa xa là các khu, cụm công nghiệp mọc lên, thu hút hàng chục ngàn nhân công, con em của người dân địa phương và các vùng phụ cận đến sinh sống, làm việc.

Ngã ba An Hiệp xưa là nơi kẻ địch đóng đồn An Hiệp án ngữ, bao quanh là nhiều lớp hàng rào kẽm gai kiên cố, chúng cài mìn dày đặc ngăn chặn quân ta. Nơi đây, Đại đội 1, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 271 chúng tôi trong trận đánh càn Sư đoàn 25 không cân sức ngày 11/5/1972, đã có 62 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, nay là một khu chợ nhỏ với phong phú hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống của người dân. Hai bên là nhà cửa san sát và khá khang trang của một vùng quê cách mạng vốn rất nghèo bởi chiến tranh trước đây.

Điểm dừng chân đầu tiên của tôi là gia đình Tư Riêng (Nguyễn Thị Riêng, trước đây là du kích mật), đối diện cổng chợ ngã ba Lộc Giang. Gặp tôi, vợ chồng Tư Riêng mừng vui khôn tả, vì sau hơn 5 năm, nay "anh Hai Sơn Hà Tĩnh" mới trở lại. Tay bắt mặt mừng, dù đang dở tay làm nước dừa phục vụ khách hàng ngoài chợ nhưng Tư Riêng dừng lại, kéo tay tôi vào nhà lấy nước dừa mời tôi, sau đó chạy ra chợ giao nước cho khách rồi lại vội quay về. Trong khi chú Năm (chồng của Riêng) ngồi tiếp chuyện, thăm hỏi tôi bao chuyện xưa, nay. Và rồi ký ức về những năm tháng chiến tranh xưa ùa về không dứt. Với tôi, Lộc Giang và An Ninh đã trở thành một phần cuộc sống của mình với bao kỷ niệm xương máu và tình người.

Về lại Đức Hòa... (Bài 1)

Còn nhớ, trận đánh ngày 03/5/1972 của Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 271 phối thuộc Đặc công 429 đánh căn cứ Lộc Giang diễn ra. Đặc công cắt rào kẽm gai đánh "mật tập", không may đụng phải mìn sáng, bị lộ sớm phải chuyển phương án đánh "cường tập", thương vong lớn.

Chúng tôi là hỏa lực cối 82 của Đại đội 4 đang đào công sự cho cối và người ở vòng ngoài để sáng hôm sau đánh địch chi viện, giải tỏa thì được lệnh rút lui ngay về Gò Nổi trong lưới lửa dày đặc của cối, pháo, đại liên và M79 trong căn cứ Ngã ba Lộc Giang và các trận địa pháo ở chi khu Đức Hòa, tiểu khu Hậu Nghĩa, ở Trảng Bàng, Hiệp Hòa dội đến như mưa.

Đặc công 429 tổn thất nặng nề, hy sinh nhiều, đành phải rút ra, mang theo được một số liệt sĩ và thương binh. Tiểu đoàn 9 chúng tôi cũng thương vong một số trên đường rút lui. Riêng đồng chí Nguyễn Văn Doãn - Chính trị viên Đại đội 4, trong lúc lui quân, lạc đường, bị địch bắt sống. Chúng tra tấn dã man nhưng anh không hé răng khai nửa lời. Kẻ địch tàn bạo chặt đầu anh bêu ở chợ Lộc Giang để thị uy dân chúng.

Tôi đứng lặng hồi lâu nơi ngã ba này, cúi đầu tưởng niệm người chính trị viên đại đội kính yêu cùng các đồng đội đã anh dũng hy sinh năm nào mà bồi hồi xúc động, cay cay nơi khóe mắt và sống mũi...

Bữa cơm trưa tại nhà Tư Riêng thật đầm ấm và chan hòa tình nghĩa. Dịp này, tôi cũng được gặp lại Tư Bòi (Nguyễn Thị Bòi). Trong chiến tranh, Tư Riêng và Tư Bòi đều là du kích mật và là cơ sở cách mạng. Cả hai từng bị địch bắt tra tấn dã man nhưng không khai nửa lời. Do không khai thác được gì nên cuối cùng, chúng buộc phải trả tự do cho 2 chị vào năm 1973. Cả 2 chị đều là thương binh.

Buổi chiều hôm đó, tôi và 2 chị cùng ra Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 271 ở Gò Nổi, An Ninh Tây để dâng hương các đồng đội đã hy sinh nơi mảnh đất này. Gò Nổi năm xưa là vùng giải phóng - vùng đất bị chính quyền Sài Gòn dùng xe ủi phẳng, thành vành đai trắng rồi đẩy dân vào sâu trong vùng hậu địch ở thập niên 60 của thế kỷ trước. Chúng dồn dân, lập "ấp chiến lược", lập "khu trù mật" để tách rời, ngăn chặn không cho quân giải phóng và du kích địa phương liên hệ, tiếp xúc với dân kiểu "tách cá ra khỏi nước". Do đó, Gò Nổi trở thành vùng đất hoang tàn. Sau này, cây dại mọc lên cao quá đầu người, trở thành căn cứ đóng quân và là chỗ xuất phát để quân giải phóng chúng tôi tỏa ra đánh địch mọi hướng. Chính vì vậy, nó đã trở thành cái túi hứng bom đạn, pháo bầy, B52 trong những năm từ 1965-1975. Với diện tích chưa đầy 1km2 nhưng có lúc cả Trung đoàn 271 đứng chân để xuất phát đánh càn tiêu diệt địch, chịu tổn thất nặng nề dưới tầm bom pháo dày đặc và B52 của Mỹ.

Thắp hương xong, chúng tôi trở lại Lộc Giang. Tôi quay ra bến đò Lộc Giang - nơi trước kia kẻ địch đóng đồn bót để ngăn chặn ta chuyển quân từ Campuchia qua Ba Thu xuống chiến trường. Tôi đứng lặng im hồi lâu bên dòng người và xe ở Phước Chỉ, bên kia sông Vàm Cỏ Đông lên từ phà tấp nập mà cứ mơ màng như chốn không người, dưới trời nắng như đổ lửa mà mặc tưởng, trầm tư nghĩ về đồng đội đã hy sinh trong những năm tháng chiến đấu ác liệt nơi đây. Nơi bến đò này, biết bao đồng đội tôi đã ngã xuống vì bom đạn giặc. Nhưng cũng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, xe tăng, đại pháo và bộ binh các sư đoàn chủ lực của ta từ Phước Chỉ bên Tây ngạn Vàm Cỏ Đông, vượt sông tràn sang rầm rập như thác đổ, triều dâng tiến về giải phóng Sài Gòn...

Tôi trở lại nhà Tư Bòi. Nhà của Tư Bòi là căn nhà tình nghĩa do các cựu chiến binh Trung đoàn 271 quyên tiền xây tặng cách đây đã vài chục năm. Tư Bòi đã hy sinh cả tuổi xuân của mình cho cách mạng. Sau giải phóng, Tư Bòi ở vậy không lấy chồng cho đến hôm nay. Dù đã ở tuổi 70 nhưng lúc nào cũng nhiệt tình, năng nổ, cùng với Tư Riêng và mọi người hết lòng giúp đỡ, hỗ trợ anh em cựu chiến binh ngoài Bắc mỗi lần về thăm lại chiến trường xưa. Các chị cũng ra Bắc thăm viếng, tặng quà anh em cựu chiến binh Trung đoàn 271.

Ngày đó, Tư Bòi là cơ sở cách mạng trung kiên. Tư Bòi thường về lại vườn cũ là nơi căn cứ của chúng tôi trong chiến tranh lấy cớ về làm vườn, trồng mì để nuôi bò, nuôi heo, thực chất là để liên lạc, đưa tin tình hình địch cho bộ đội và du kích. Mục đích chính của việc trồng mì là để che mắt địch, mặt khác, tạo nguồn lương thực tại chỗ cho bộ đội chống đói lúc bị địch phong tỏa gắt gao, không thể vào ấp "móc" được gạo và nhu yếu phẩm. Chính nơi đây, năm 1974, tôi có một kỷ niệm nhớ đời. Đó là khi đi nhổ mì chống đói ở rẫy, bất ngờ bị rơi xuống cái giếng bỏ hoang lâu ngày của nhà Tư Bòi do cỏ mọc trùm kín miệng giếng, suýt bỏ mạng dưới lòng giếng sâu 13m.

Cũng chính nơi này sau đó đã diễn ra trận đánh ác liệt giữa Đại đội 3, Tiểu đoàn 7 chúng tôi với Sư đoàn 25 và địa phương quân vào ngày 30/7/1974. Để rồi sau trận đó, chúng tôi rút sang bên kia sông Vàm Cỏ Đông, chuyển quân xuống Lương Hòa, Bến Lức và Thủ Thừa tác chiến cho đến ngày giải phóng. Trận đánh hôm đó, 3 đồng đội của chúng tôi hy sinh cùng một số đồng chí bị thương do bom, pháo và M79.

Tối đó, tôi ngủ lại căn nhà tình nghĩa của Tư Bòi. Nơi đây khá xa ngã ba Lộc Giang ồn ã, nhộn nhịp và bụi bặm của phố thị.

Đêm!

Bên bờ sông Vàm Cỏ Đông thanh bình hôm nay không còn tiếng pháo rít và tiếng bom gầm đạn nổ chát chúa, tiếng trực thăng quần thảo, gầm gào bắn như đổ đạn ngày đêm... Thay vào đó là réo rắt tiếng hát lời ca của nhóm đờn ca tài tử mùi mẫn nhà bên cùng những ngọn gió mang hơi nước của con sông Vàm Cỏ Đông mát rượi thổi vào mơn man da thịt.

Bất giác, tôi lại nghĩ về đồng đội, những người đã nằm xuống nơi đây... Những đồng đội của tôi đã hy sinh cho Tổ quốc và chúng tôi được sống để hôm nay trở lại mảnh đất ghi dấu bao kỷ niệm một thời binh lửa. Tự nhiên, tôi lại thấy cay cay nơi sống mũi và mặn chát nơi cổ họng mình. Nước mắt tôi lại chảy ngược vào trong...

Sáng mai, tôi trở lại nơi tưởng niệm 62 liệt sĩ đã hy sinh ngày 11/5/1972 và Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Hòa - nơi có gần 500 đồng đội tôi đã vĩnh viễn yên nghỉ cùng với gần 6.000 liệt sĩ của các đơn vị khác từng tác chiến trên mảnh đất trung dũng, kiên cường này để dâng hương tưởng nhớ các anh./.

(còn tiếp)

Vương Khả Sơn

Bài cuối: Nghĩa trang Đức Hòa - Nơi đồng đội tôi nằm

Chia sẻ bài viết