Theo số liệu từ Sở Y tế, trong mấy tháng đầu năm, toàn tỉnh ghi nhận 533 ca mắc tiêu chảy (nhiều nhất là Thạnh Hóa, Tân Hưng, Thủ Thừa và Tân Trụ). Bệnh cúm ghi nhận 2.564 ca mắc (nhiều nhất là Tân Hưng, Cần Giuộc và Thạnh Hóa). Số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) là 134 ca (nhiều nhất là Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc).
Chị Phạm Thị Hồng Vân (phường 2, TP.Tân An), mẹ bệnh nhi Huỳnh Phạm Gia Hân (10 tuổi) vừa nhập viện tối 26-4-2016 cho biết: “Cháu bị sốt, run và nôn ói, gia đình lo cháu bị SXH do khu vực nhà ở cũng thường có muỗi đốt. Bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm phế quản. Dạo này, thời tiết nóng bức nên ảnh hưởng đến sức khỏe của cháu”.
Tại Bệnh viện Đa khoa Long An, số lượng bệnh nhân nội trú ghi nhận từ ngày 1-4-2016 đến ngày 26-4-2016 là 145 ca với nhóm bệnh hô hấp; nhóm bệnh tiêu hóa là 105 ca.
Thời điểm nắng nóng, các bệnh thường gặp nhất là nhóm bệnh đường hô hấp, tiêu hóa, đặc biệt là với người già và trẻ nhỏ
Theo Phó Khoa Nhi – Bệnh viện Đa khoa Long An - Bác sĩ Đoàn Thị Thúy Nga, trong mùa nắng nóng, bệnh thường gặp nhất là nhiễm siêu vi, các bệnh về đường hô hấp, đường tiêu hóa như ngộ độc thức ăn, một số bệnh như thủy đậu, quai bị, viêm da do côn trùng cắn hoặc rôm sẩy ở trẻ em cũng tăng cao do tăng thân nhiệt trong mùa nắng nóng,…
Ngoài ra, thời điểm tháng 3 đến tháng 5 là “đỉnh cao” của bệnh tay-chân-miệng (TCM), các bệnh đường hô hấp trẻ nhỏ thường gặp phải là viêm mũi họng, viêm tiểu phế quản.
Bà Nguyễn Thị Mứt (ấp 6, xã Bình Đức, huyện Bến Lức) hiện đang nuôi cùng lúc 2 cháu ngoại là 2 chị em ruột 10 tuổi và 3 tuổi cùng bị viêm họng cấp. “Triệu chứng ban đầu của cả hai là nóng, sốt, người nhà tự mua thuốc uống vẫn không hết. Khu vực xung quanh nhà tôi có nhiều muỗi nên tôi rất sợ các cháu bị SXH”, bà Mứt chia sẻ.
Tại các huyện tập trung nhiều khu công nghiệp, nhà trọ công nhân, điều kiện vệ sinh không bảo đảm là môi trường lý tưởng cho muỗi sinh sản. Nguy cơ mắc các bệnh do muỗi truyền là rất cao.
Trưởng Khoa Kiểm soát dịch bệnh – TTYT huyện Bến Lức – Bác sĩ Nguyễn Nguyễn Huỳnh Phương thông tin: “Từ đầu năm đến cuối tháng 3-2016, toàn huyện có 15 ca SXH (tăng 3 ca so với cùng kỳ năm 2015) với 7 ổ dịch (tăng 2 ổ dịch so với cùng kỳ năm 2015).
Tại các khu trọ công nhân, bên cạnh điều kiện môi trường ẩm thấp, vệ sinh không bảo đảm, việc cha mẹ đi làm cả ngày, giao phó con cái cho ông bà hay gửi trẻ nên sự chăm lo không sâu sát, sức khỏe của trẻ cũng dễ bị ảnh hưởng. TTYT Bến Lức đã triển khai chiến dịch phòng bệnh trên toàn huyện, 15/15 xã đã hưởng ứng tích cực diệt lăng quăng và tăng cường công tác truyền thông trên đài truyền thanh.
Ngoài ra, trong thời điểm nắng nóng cần bổ sung lượng nước đầy đủ, che chắn để tránh mất nước, đề phòng các bệnh về thời tiết. Khi bị bệnh đường hô hấp trên cần điều trị kịp thời, dứt điểm. Khi đi ngoài trời nóng, cần tránh tắm nước lạnh ngay vì nhiệt độ giảm đột ngột khiến các mạch máu ngoại biên co lại, huyết áp tăng cao, đôi khi gây tai biến mạch máu não, nhất là với người cao tuổi hay người mắc bệnh cao huyết áp mạn tính./.
Các đường lây truyền bệnh đường tiêu hóa có thể ngăn chặn được bằng các biện pháp vệ sinh phòng bệnh như: - Phải rửa tay bằng nước sạch và xà bông trước khi ăn và sau khi đi đại tiểu tiện, sau khi giúp trẻ đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với người bệnh. - Rửa tay bằng nước sạch và xà bông, lau vú trước khi cho con bú. - Thực phẩm, rau quả phải được rửa sạch trước khi chế biến. - Rửa tay trước và sau khi chế biến thức ăn. Không ăn thức ăn sống, ôi thiu, hỏng mốc,… - Thức ăn đã nấu chín phải được đậy bằng lồng bàn để tránh ruồi nhặng. - Phải ăn chín, uống chín. - Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. - Sử dụng và bảo quản tốt nguồn nước sạch. - Không để môi trường ô nhiễm. Ngăn chặn các bệnh do muỗi truyền: - Phải mắc mùng khi nằm ngủ. - Phun thuốc, đốt nhang muỗi để xua hoặc diệt muỗi. - Tẩm mùng bằng hóa chất. - Bể, lu chứa nước phải có nắp đậy và thường xuyên được lau rửa sạch sẽ. - Vệ sinh nhà ở, phát quang bụi rậm quanh nhà. - Dọn sạch ao tù, nước đọng. |
Phạm Ngân