Tiếng Việt | English

03/06/2020 - 16:57

Long An: Công tác quản lý Nhà nước về gia đình và trẻ em được nâng cao

Những năm qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) có nhiều nỗ lực, thực hiện tốt công tác quản lý và chấp hành pháp luật về gia đình và trẻ em trên địa bàn tỉnh Long An.

Xây dựng gia đình hạnh phúc

Thời gian qua, Sở VH-TT&DL phối hợp các ban, ngành, MTTQ, đoàn thể thực hiện công tác gia đình khá chặt chẽ, đồng bộ, góp phần nâng cao nhận thức để xây dựng gia đình hạnh phúc và phòng, chống bạo lực gia đình.

Bữa cơm gia đình - một trong những hoạt động góp phần xây đắp hạnh phúc gia đình

Bữa cơm gia đình - một trong những hoạt động góp phần xây đắp hạnh phúc gia đình. Ảnh: Lê Ngọc

Nhiều hoạt động, mô hình thiết thực liên quan đến công tác gia đình được tổ chức thực hiện tại địa phương.

Hiện toàn tỉnh có 1.017 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; 1.108 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; 1.261 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng; 740 đường dây nóng ở cấp xã. Các mô hình này tạo sự liên kết, phối hợp của các ban, ngành, MTTQ, đoàn thể; đồng thời, giúp người dân nâng cao nhận thức, phát huy vai trò gia đình, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, từng bước nâng cao vai trò phụ nữ và giảm thiểu bạo lực gia đình.

Theo Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh - Trương Văn Nam, việc thực hiện tốt các hoạt động liên quan đến công tác gia đình, nâng cao số lượng, chất lượng gia đình văn hóa; ấp (khu phố), xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; xây dựng nông thôn mới;... góp phần thiết thực đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Mặt khác, người dân ngày càng có ý thức hơn trong việc xây dựng gia đình hòa thuận, ấm no, tiến bộ và hạnh phúc; tình làng nghĩa xóm được gắn kết, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và bạo lực gia đình, góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội.

Quan tâm, chăm sóc trẻ em

Thực hiện Luật Trẻ em năm 2016, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ, Sở LĐTB&XH phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan, địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về trẻ em. Công tác quản lý nhà nước về trẻ em được tăng cường thực hiện. 

Chăm lo công tác giáo dục trẻ em

Chăm lo công tác giáo dục trẻ em

Bên cạnh truyền thông, giáo dục, vận động xã hội hóa công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, các hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp trẻ em; chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; trang bị các kỹ năng cần thiết để trẻ phát triển toàn diện;... cũng được Sở đặc biệt chú trọng.

Trang bị kỹ năng cần thiết cho trẻ phát triển toàn diện

Trang bị kỹ năng chống đuối nước cho trẻ

Ngoài ra, Sở còn tham gia hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị xâm hại, bạo lực, kịp thời phát hiện trẻ em trong các gia đình, cộng đồng có nguy cơ bị ngược đãi, xâm hại tình dục hoặc nguy cơ đi lang thang kiếm sống, lao động trong điều kiện nặng nhọc, nguy hiểm và xa gia đình. Tạo điều kiện để hỗ trợ vốn, giúp đỡ gia đình có trẻ em có hoàn cảnh khó khăn thông qua mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng theo Quyết định số 2362/QĐ-TTg ngày 22/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Hàng năm, Quỹ Bảo trợ trẻ em vận động khoảng 2,5 tỉ đồng, tạo nguồn lực tổ chức các chương trình hoạt động giúp đỡ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt của tỉnh, giúp các em có thêm điều kiện, cơ hội hòa nhập cộng đồng, tiếp sức đến trường và các hoạt động vui chơi, giải trí./.

Kinh phí tổ chức thực hiện cho công tác gia đình được lấy từ nguồn kinh phí sự nghiệp gia đình, mỗi năm trung bình khoảng 315 triệu đồng. (Theo Sở VH-TT&DL) 

Nguồn kinh phí dành cho trẻ em 2018-2019: Trung ương hỗ trợ năm 2018 là 545 triệu đồng, năm 2019 là 2,379 tỉ đồng. Ngân sách địa phương dành cho trẻ em năm 2018 là 137,379 tỉ đồng và năm 2019 là 144,413 tỉ đồng. (Theo Sở LĐ-TB&XH).

Minh Đăng

Chia sẻ bài viết