Tiếng Việt | English

23/10/2018 - 14:10

Hướng đến nền hành chính công kiến tạo, phục vụ

UBND tỉnh Long An chỉ đạo các sở, ngành tỉnh, UBND các cấp tiếp tục khắc phục những tồn tại, hạn chế, thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), hướng đến xây dựng nền hành chính công kiến tạo, phục vụ.

Nhiều thủ tục rườm rà

Thời gian qua, người dân còn gặp nhiều khó khăn khi làm thủ tục, nhất là TTHC liên quan đến việc đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ); thế chấp, chuyển nhượng tài sản;... “Tôi đến Trung tâm Hành chính công huyện làm hồ sơ (HS) xác nhận xóa tín chấp để vay vốn sản xuất từ ngân hàng. Tuy nhiên, thủ tục còn rườm rà, chậm trễ khiến tôi phải vay bạc nóng với lãi suất rất cao” - bà N.T.V, ngụ xã Vĩnh Châu B, huyện Tân Hưng, phàn nàn.

Trả hồ sơ cho khách hàng tại Trung tâm hành chính công huyện Tân Hưng

Ông N.V.T, ngụ xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, cho biết: “Hôm trước, tôi đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã nhờ tách thửa cho con nhưng cán bộ ở đây yêu cầu phải có giấy hôn thú. Vợ chồng tôi sống với nhau gần 70 năm rồi nhưng không có giấy kết hôn. Tôi nghĩ, đối với trường hợp người lớn tuổi như tôi nên áp dụng hôn nhân thực tế theo quy định”.

“Tôi đến Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện xin phiên thửa (xác nhận thực tế giữa bản đồ đất cũ với bản đồ mới). Tuy nhiên, tôi nộp cả tháng nay vẫn chưa được giải quyết xong” - ông V.V.T, ngụ xã Long Hòa, huyện Cần Đước, bộc bạch.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, các địa phương trong tỉnh chú trọng đẩy mạnh triển khai, thực hiện việc đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ; bỏ bớt những loại HS, giấy tờ phiền hà; chuyển giao nhiều nội dung, quy trình xử lý công việc hành chính về thực hiện tại cấp cơ sở giúp người dân đỡ phần đi lại vất vả.

Ứng dụng công nghệ thông tin còn lắm khó khăn

Khó khăn nhất của UBND cấp xã trong việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) hiện nay là tình trạng thiếu trang thiết bị tin học như máy tính, máy in,... Nhiều máy tính được trang bị cũ, cấu hình thấp, xuống cấp nên chỉ sử dụng nhằm soạn thảo văn bản, truy cập Internet, không thể cài thêm các phần mềm ứng dụng khác. Việc ứng dụng CNTT cơ bản vẫn chỉ là đánh máy văn bản, kết nối Internet để cập nhật, theo dõi tin tức.

“Mặc dù địa phương triển khai, sử dụng hệ thống mạng nội bộ, kết nối Internet nhưng thông tin trao đổi qua mạng chưa nhiều, vẫn phải dùng văn bản giấy chỉ đạo tổ chức, thực hiện, báo cáo công việc chứ chưa áp dụng triệt để phương thức quản lý bằng hệ thống CNTT” - Chủ tịch UBND Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ - Huỳnh Văn Nhanh cho biết.

Long Hòa là một trong những địa phương của huyện Cần Đước triển khai hiệu quả phần mềm một cửa điện tử cho cấp xã. Chủ tịch UBND xã Long Hòa, huyện Cần Đước - Phạm Thị Hạnh Trinh cho biết: “Phần mềm một cửa điện tử cho phép quản lý, theo dõi tình trạng tiếp nhận, xử lý HS của người dân tại UBND cấp xã nhằm chuẩn hóa, thống nhất về quy trình, thời gian tiếp nhận, xử lý HS, tránh tình trạng “ngâm”, thất lạc HS, cho phép công khai, minh bạch về quá trình xử lý. Tuy nhiên, hiện nay, máy tính trang bị chưa đủ, nhiều cán bộ, công chức phải dùng chung 1 máy tính, gây khó khăn trong việc quản lý dữ liệu cũng như xử lý công việc thông qua phần mềm một cửa điện tử”.

Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn thực hiện tốt việc niêm yết công khai bộ thủ tục hành chính cấp xã

Việc triển khai, sử dụng chữ ký số hiện là một trong những ứng dụng quan trọng trong xem xét, xử lý công việc mà các xã, phường đang hướng đến. Tuy nhiên, việc triển khai, sử dụng chữ ký số trên văn bản điện tử còn gặp nhiều khó khăn: Ký số văn bản điện tử đòi hỏi phải thực hiện trên máy tính có kết nối Internet; trong khi đó, lãnh đạo thường xuyên đi công tác, thiết bị số chưa hỗ trợ trên thiết bị di động; quy định quản lý văn bản và HS điện tử phải thực hiện cùng lúc vừa ký văn bản điện tử, vừa ký văn bản giấy để lưu và phát hành nên khá mất thời gian. “Việc cài đặt phần mềm ký số, kiểm tra ký số có khá nhiều thao tác, phần lớn người sử dụng chưa thể cài đặt mà phải có sự hỗ trợ của cán bộ chuyên trách CNTT; trong khi đó, số lượng, trình độ cán bộ chuyên trách tại các đơn vị còn hạn chế, hỗ trợ chưa kịp thời” - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Châu B, huyện Tân Hưng - Châu Phú Hiệp thông tin.

Hướng đến xây dựng chính quyền điện tử

Theo Phó Giám đốc Sở Nội Vụ tỉnh - Trần Kỳ Đức, góp phần tạo bước đột phá trong TTHC, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) tỉnh, sở tích cực tham mưu UBND tỉnh kịp thời rà soát loại bỏ, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện tốt các quy trình TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn thực hiện tốt việc niêm yết công khai, kịp thời, đầy đủ, rõ ràng toàn bộ thủ tục HS, mức thu phí, lệ phí, thời gian giải quyết TTHC, quy trình tiếp nhận, xử lý HS, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Đồng thời, tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật CNTT cho các cơ quan, đơn vị, địa phương; tiến hành tích hợp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 liên quan đến các TTHC triển khai tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông trong phần mềm ứng dụng cho bộ phận một cửa; xây dựng quy chế quản lý, khai thác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên địa bàn tỉnh; đưa các tiêu chí về cung cấp dịch vụ công trực tuyến vào xét thi đua ứng dụng CNTT gắn với cải cách hành chính hàng năm tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh./.

Sông Măng

Chia sẻ bài viết