Tiếng Việt | English

07/07/2021 - 08:48

Long An: Thực hiện việc đề xuất nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật

Sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết (NQ) số 48-NQ/TW, ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, hoạt động xây dựng thể chế phục vụ công tác quản lý nhà nước của tỉnh Long An ngày càng ổn định, hiệu quả.

Một cuộc họp trực tuyến về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Một cuộc họp trực tuyến về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Những kết quả nổi bật

Thời gian qua, công tác xây dựng pháp luật có nhiều cải tiến, đổi mới, xác định được quy trình xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật (VBPL) theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch. Đặc biệt, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2015 được triển khai nhằm tiếp tục thể chế hóa NQ số 48-NQ/TW với chủ trương đơn giản hóa hệ thống pháp luật; đổi mới cách xây dựng chương trình và quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL theo hướng dân chủ, hiện đại, đồng thời để bảo đảm cụ thể hóa kịp thời nội dung và tinh thần của Hiến pháp năm 2013.

Trưởng phòng Tư pháp huyện Cần Đước - Lê Văn Tuấn cho biết: “Từ khi triển khai Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 đến nay, hoạt động ban hành VBPL tại địa phương đi vào nề nếp, các cơ quan HĐND huyện, cơ quan chuyên môn của UBND huyện khi ban hành văn bản đều thực hiện đúng theo quy định của luật. Đặc biệt, các VBPL được ban hành đều nâng cao về chất lượng so với trước đây, quy trình, trình tự ban hành VBPL cũng được thực hiện chặt chẽ, ít xảy ra sai sót”.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 3, TP.Tân An - Nguyễn Thị Ngọc Hạnh cho biết: “Nhiệm kỳ 2015-2020 và 6 tháng đầu năm 2021, Hội tích cực tham gia đóng góp vào việc thực hiện chính sách, thực thi pháp luật của phường có liên quan đến hội viên và phụ nữ. Đặc biệt, Hội và hội viên còn tham gia ban, tổ hòa giải, giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh tại địa bàn phường, nhất là vụ việc liên quan đến hôn nhân - gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ quyền lợi phụ nữ và trẻ em”.

“Nhiệm kỳ 2016-2021, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Long An tham gia đóng góp, tổ chức đóng góp nhiều dự án luật, phát biểu kiến nghị trước Quốc hội nhiều ý kiến đại diện của cử tri để hoàn thiện hệ thống pháp luật, góp phần cùng Quốc hội xây dựng, bổ sung được nhiều VBQPPL, nhằm điều chỉnh hầu hết các lĩnh vực trong đời sống xã hội” - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh - Trương Văn Nọ thông tin.

Hệ thống văn bản pháp luật ngày càng hoàn thiện bao quát hầu như mọi lĩnh vực của đời sống xã hội

Hệ thống văn bản pháp luật ngày càng hoàn thiện bao quát hầu như mọi lĩnh vực của đời sống xã hội

Hướng hoàn thiện hệ thống pháp luật

Thông tin từ Sở Tư pháp, so với thực tiễn phát triển của cả nước nói chung và tỉnh Long An nói riêng, hệ thống pháp luật vẫn còn hạn chế; tính ổn định và khả năng dự báo trong một số lĩnh vực chưa cao; một số quy định chưa đồng bộ, thống nhất, thiếu tính khả thi, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thậm chí còn có nội dung chồng chéo, mâu thuẫn; công tác tổ chức thi hành pháp luật vẫn còn một số hạn chế, chưa gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng pháp luật; công tác kiểm tra, xử lý văn bản chưa được quan tâm chỉ đạo kịp thời.

Để nâng cao hiệu quả trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong thời gian tới, UBND tỉnh đề xuất các lĩnh vực cần ưu tiên sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật như tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương cấp huyện, xã; hoàn thiện hệ thống pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức và công vụ trong bộ máy hành chính nhà nước theo hướng có cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý cán bộ cấp xã để đáp ứng yêu cầu công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong giai đoạn hiện nay;…

Theo một cán bộ công tác tại Phòng Văn hóa - Thông tin, hiện nay, Phòng có số lượng biên chế rất ít lại phải kiêm nhiệm nhiều công việc nên làm không xuể, một số lĩnh vực nên để cá nhân, tổ chức tham gia cùng với Nhà nước để vừa quản lý, vừa khai thác hợp lý, mang lại hiệu quả cao hơn.

“Tôi thấy, năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, tình hình xây cất nhà trái phép trên địa bàn xã và các xã lân cận diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, do lực lượng chức năng khá mỏng nên không kịp thời xử lý, nhiều khi lực lượng đến thì đã hình thành công trình rồi, việc xử lý gặp nhiều khó khăn, không bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật” - anh Nguyễn Văn T. - người dân ở xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, bày tỏ.

Ông Lê Văn V. - người dân phường 7, TP.Tân An, cho rằng: “Mức bồi thường về giá đất, công trình xây dựng trên đất khi Nhà nước thu hồi xây dựng công trình công ích một số thời điểm chưa thỏa đáng, nhiều hộ dân còn khiếu nại về giá cả bồi thường”.

Thông tin từ UBND tỉnh, nhằm tăng cường thực hiện nhiệm vụ, chức năng quản lý nhà nước tại địa phương đạt hiệu quả, góp phần phát triển KT-XH, UBND tỉnh đề xuất xây dựng chiến lược pháp luật Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo đảm tốt hơn các quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân, trong đó chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật về dân sự, chính trị, quyền con người, quyền công dân trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó tập trung chủ yếu hoàn thiện hệ thống pháp luật về các quyền tự do kinh doanh, quyền về sở hữu,... và các chế tài bảo đảm thực hiện các quyền này trên thực tế./.

Minh Đăng

Chia sẻ bài viết