Tiếng Việt | English

21/04/2016 - 16:41

Long An: Vẫn còn nhiều cơ sở vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm

Rau, thịt là thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày. Sử dụng rau, thịt không an toàn dễ dẫn đến ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe. Long An làm gì để sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn là nội dung chúng tôi trao đổi với Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm - Phạm Văn Đấu.

Phóng viên: Thưa ông, tại sao chủ đề Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2016 là “Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”?

- Ông Phạm Văn Đấu: Ngày 22-3-2016, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh ATTP ban hành Kế hoạch số 241/KH-BCĐTƯVSATTP về việc triển khai “Tháng hành động vì ATTP” năm 2016 với chủ đề “Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn” nhằm giải quyết căn bản bức xúc từ các năm trước đến nay vẫn còn nổi cộm: Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; vẫn còn mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thịt heo, thịt gà, thủy sản nuôi; người tiêu dùng chưa an tâm trong sử dụng thực phẩm nông sản, thủy sản.

Lựa chọn thực phẩm an toàn là quan tâm hàng đầu của các bà nội trợ

Phóng viên: Việc kiểm tra, thanh tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rau, thịt trong năm 2015 ở tỉnh ta được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Ông Phạm Văn Đấu: Trong tháng hành động năm 2015, toàn tỉnh thành lập 227 đoàn thanh tra, kiểm tra về vệ sinh ATTP từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm là rau, thịt và sản phẩm chế biến từ rau, thịt: Các đoàn liên ngành kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo đảm ATTP trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Sản phẩm rau, thịt và sản phẩm chế biến từ rau, thịt do ngành nông nghiệp cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, cho nên các đoàn kiểm tra chuyên ngành về ATTP cũng tiến hành kiểm tra các bếp ăn tập thể, cơ sở chế biến suất ăn sẵn và căng tin tại trường học và các khu công nghiệp có sử dụng rau, thịt và sản phẩm từ rau, thịt.

Trong tổng số 5.038 cơ sở được kiểm tra, số cơ sở vi phạm là 1.623 cơ sở, tổng số tiền phạt trên 73 triệu đồng. Các vi phạm chủ yếu là chưa có khám sức khỏe định kỳ và xác nhận kiến thức cho chủ cơ sở và những người trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm; sử dụng nguồn nguyên liệu rau, thịt chưa có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc rõ ràng.

Ngoài ra, trong năm 2015, Chi cục Vệ sinh ATTP còn thực hiện giám sát mối nguy, cảnh báo nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, lấy mẫu thực phẩm, thức ăn phổ biến có nguy cơ cao ô nhiễm tác nhân ở những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại các huyện trọng điểm như: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, TP.Tân An…. để kiểm nghiệm các chỉ tiêu đánh giá ô nhiễm về vi sinh, hóa lý theo các quy chuẩn kỹ thuật và các quy định về ATTP hiện hành.

Phóng viên: Với những kết quả trên, năm 2016 này, chúng ta sẽ tập trung chính vào những hoạt động nào để bảo đảm việc sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn, thưa ông?

- Ông Phạm Văn Đấu: Trong năm 2016, chi cục phối hợp các đơn vị trong ngành Y tế và các cơ quan truyền thông đại chúng để phát động các chiến dịch truyền thông đẩy mạnh các hoạt động vì ATTP và chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm do sử dụng thực phẩm nói chung và rau, thịt nói riêng.

Trong tháng hành động vì ATTP năm 2016, các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, xã lấy mẫu xét nghiệm theo quy định, xử lý nghiêm và kịp thời các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến, rau, thịt; tăng cường kiểm tra, hậu kiểm các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh rau, thịt và các sản phẩm từ rau, thịt.

Bên cạnh đó, Chi cục Vệ sinh ATTP sẽ thực hiện giám sát mối nguy, cảnh báo nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, đặc biệt là đối với sản phẩm rau, thịt để góp phần làm cho người dân có bữa ăn an toàn.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!/.

Thanh Bình

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích