Tiếng Việt | English

01/03/2023 - 14:41

Mạng ảo nhưng tác hại thật

Liên tục trong những ngày gần đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam Đặng Thị Hàn Ni, Đặng Anh Quân và Trần Văn Sỹ. Sự việc này đang thu hút sự quan tâm rất lớn từ dư luận khi điểm chung của cả 3 bị can đều là những người có hiểu biết về pháp luật mà lại vi phạm pháp luật.

Đặng Thị Hàn Ni là nhà báo, luật sư; Đặng Anh Quân là Tiến sĩ luật và Trần Văn Sỹ cũng là luật sư. Cả 3 bị can đều bị khởi tố, tạm giam để điều tra về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ luật Hình sự. Những bị can này đều liên quan đến vụ án Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm.

Khi mở rộng điều tra vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” do Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm thực hiện, lực lượng chức năng xác định Đặng Anh Quân đã trực tiếp tham gia nhiều buổi livestream của bà Hằng, trong đó, Tiến sĩ luật này đã có phát ngôn, bình luận, tương tác với những nội dung xúc phạm danh dự, uy tín của nhiều cá nhân, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Còn đối với Đặng Thị Hàn Ni và Trần Văn Sỹ, cơ quan công an đã tiếp nhận và thụ lý đơn tố giác của vợ chồng bà Nguyễn Phương Hằng khi 2 bị can trên đăng tải các video xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân; xâm phạm lợi ích hợp pháp của Công ty Cổ phần Đại Nam và Quỹ từ thiện Hằng Hữu. Bên cạnh những video của Đặng Thị Hàn Ni, Trần Văn Sỹ (nguyên Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Vĩnh Long) cũng có kênh YouTube với hơn trăm ngàn người theo dõi tham gia vào vụ việc. So với những buổi livestream “triệu view” của bà Nguyễn Phương Hằng, các video của Đặng Thị Hàn Ni và Trần Văn Sỹ cũng thu hút đông đảo lượt xem và bình luận. Qua xác minh, các video này chứa nội dung chưa được kiểm chứng và có những thông tin thuộc bí mật đời tư, xâm phạm quyền của công dân, gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự.

Thời gian qua, rất nhiều cá nhân đã lạm dụng tính năng phát trực tiếp của mạng xã hội để thu hút lượt xem, theo dõi của đám đông, từ đó đưa ra những thông tin bịa đặt, sai trái, thậm chí là vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác. Vụ việc của Nguyễn Phương Hằng là một minh chứng rõ ràng nhất, từ đó tạo dư luận tiêu cực, “cư dân mạng” lại có dịp chia phe, đồn đoán, suy diễn và chia sẻ rầm rộ những thông tin chưa được kiểm chứng với tác hại khôn lường.

Liên tục khẩu chiến, đôi co với bà Nguyễn Phương Hằng, chưa biết ai đúng, ai sai nhưng các bị can trên đã tự hủy hoại sự nghiệp, cuộc đời mình khi là người nổi tiếng, am hiểu luật lại vi phạm pháp luật. Đặng Thị Hàn Ni vốn là nhà báo có tiếng; đồng thời, với vai trò luật sư, thường xuyên có những buổi livestream và kênh YouTube tư vấn pháp lý với số lượng người theo dõi khá đông. Tương tự, 2 bị can còn lại cũng là những người am hiểu pháp lý. Ấy vậy mà khi quyền tự do ngôn luận đi quá giới hạn, họ vốn dĩ là những người rành luật, hiểu luật lại “sảy chân” vi phạm pháp luật.

Hành vi của các bị can đã ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Việc cơ quan điều tra khởi tố các đối tượng trên là rất cần thiết, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật. Đây cũng là bài học cho những người coi thường pháp luật, thích tạo dư luận và bất chấp để được nổi tiếng./.

Hiểu Khuê

Chia sẻ bài viết