Tiếng Việt | English

15/11/2021 - 09:44

Nhận diện 'sống ảo', 'ngáo like'

Cuộc cách mạng 4.0 với sự ra đời của Internet và mạng xã hội (MXH) đã tác động khá sâu sắc, làm thay đổi hành vi của rất nhiều người, nhất là thế hệ trẻ; xuất hiện một thế hệ ăn cùng Facebook, ngủ cùng Facebook, vệ sinh cũng Facebook, thậm chí nửa đêm thức giấc cũng… Facebook. Từ hiện tượng nghiện MXH rồi xuất hiện trào lưu “sống ảo” đang có xu hướng phát triển thái quá và có những hệ lụy tiêu cực.

Vì “sống ảo” nên khá nhiều người đã tự giam mình trong phòng, không ra đường, không gặp gỡ bạn bè, chỉ nằm ở nhà lên Facebook, Zalo, Instagram,... vào hết trang này qua trang khác, chụp hình, đăng hình, chia sẻ những bài đọc được. Hết ôm điện thoại rồi qua máy tính, mắt mỏi thì nhỏ thuốc rồi tiếp tục cho đến khi người mệt thì ngủ thiếp đi. Rồi kết bạn, nói chuyện, tâm sự hay yêu đương với những người mới biết qua MXH dù chưa hề gặp mặt.

Khá đông người cũng tranh thủ MXH để khoe khoang những thứ “ảo” của bản thân như giàu có, danh tiếng. Số khác gây chú ý với cộng đồng bằng chửi bới người này, dạy dỗ người kia. MXH cũng là nơi mà linh mục thì chê bác sĩ không biết chữa bệnh. Bác sĩ lại quay sang dạy thẩm phán cách xử án làm sao cho đúng. Nghệ sĩ thì lăm le làm chính trị gia. Một đám phản động lưu vong thì oang oang chỉ dạy người ở lại cách yêu nước. Còn đám giang hồ mạng như Khá Bảnh, Huấn Hoa Hồng,... thì trở thành “thần tượng” của giới trẻ, đua nhau ra clip dạy người ta sống sao cho có đạo đức.

MXH cũng là nơi mà đám truyền thông “kền kền” kiếm ăn nhờ thông tin bẩn,... Tất tần tật mọi thông tin “thượng vàng hạ cám”; hỷ, nộ, ái, ố, cụ, lạc,... của người dùng đều được chia sẻ trên MXH, họ đi đâu, làm gì, xài hàng hiệu, ăn ngon, xe đẹp đều được khoe lên mạng chỉ để người khác thích thú, xuýt xoa, khen chê, tung hô, ghen tị,...

MXH cùng với những phần mềm tiện ích của smartphone với bộ lọc hiệu ứng đa dạng, các công cụ làm trắng mịn da, bộ lọc màu sắc, chức năng ghép ảnh với phong cảnh, thay đổi background độc đáo, đã biến quạ thành công, biến Thị Nở thành Tây Thi, cùng với tính năng chỉnh sửa hình ảnh đã biến những tài khoản ngân hàng vài triệu thành vài tỉ, giúp không ít bạn trẻ lạm dụng để PR bản thân, tự phong cho nhau danh hiệu hotboy, hotgirl, người của công chúng, tiểu thư, đại gia,... Chụp ảnh check-in mọi lúc, mọi nơi, chỉnh sửa ảnh, viết ra những caption hay, độc để đăng lên MXH. “Sống ảo” tạo ra một thế hệ chìm đắm trong ảo vọng, khoe khoang, dối trá, chỉ cố tô vẽ cho hình ảnh bản thân bằng những thứ không tồn tại, phớt lờ cuộc sống thực tế.

Đắm mình trong một thế giới mà mọi thứ được show lên đều được chỉnh sửa, tỉa tót thông qua các phần mềm tiện ích, khiến cho mọi thứ vốn đã ảo càng trở nên ảo hơn nhờ công nghệ. Đó là chưa kể đến một số người bị ám ảnh bởi những nút "like", những lời khen sáo rỗng trên MXH để rồi dùng đủ mọi chiêu trò để thu hút sự chú ý mà xã hội gọi là “ngáo like”.

Để thu hút like, không ít bạn trẻ đã tình nguyện tự thiêu, tắm phân, sống kiếp chó, heo,... Chẳng hạn, một thanh niên tự thiêu ở cầu Tân Hóa, TP.HCM sau khi đăng status: "Đủ 40k like tôi đổ xăng từ trên người xuống, lấy hộp quẹt tự đốt người rồi nhảy cầu Tân Hóa! Đủ like sẽ làm, tôi nói là làm. Share mạnh để có cái hay hấp dẫn mà xem". Chàng trai “cần 40.000 like để tự thiêu, nhảy cầu" đã tẩm xăng đốt chính mình rồi nhảy cầu Tân Hóa trước sự bàng hoàng của hàng trăm người chứng kiến. Rồi những trò "câu like" quái đản của Phúc XO, Khá Bảnh,... từ khoe tài sản đến lên mặt dạy đời. 

Nhiều trường hợp thèm khát nổi tiếng ảo đến mức không thể tin nổi họ đã làm những việc phi lý, bất thường để được nhiều người biết đến bất chấp danh dự, tính mạng, tình cảm, lợi ích của bản thân và gia đình như một tài khoản cá nhân đã đăng lên Facebook của mình rằng: "Nếu được 1.000 like tôi sẽ nude và chạy 1 vòng quanh ngõ vào nửa đêm", một Facebook khác: "Đủ 60.000 like, 18.000 share sẽ dùng xăng đốt xe máy của mình",... Tưởng chỉ là đùa cho vui, hay ít ra nhận được những lời can gián, nào ngờ cộng đồng mạng like nhiệt tình, số lượt like hơn cả con số “thách đấu”, thậm chí còn thách thức, thúc ép, gây áp lực để người câu like phải thực hiện cho bằng được để họ quay clip đăng Facebook.

“Sống ảo”, “ngáo like” là lối sống, phong cách sống không giống với hoàn cảnh thực của con người ở trên MXH. Cụ thể hơn, “sống ảo” cũng có nghĩa là mơ tưởng, ảo tưởng về cuộc sống hiện tại. Hiện nay, "sống ảo" đã trở thành một xu thế, trào lưu trong giới trẻ, mang lại khá nhiều tác hại tiêu cực, ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống hàng ngày như dành nhiều thời gian vào những thứ vô bổ, về lâu dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân. Tiếp cận những thông tin không lành mạnh, phản động, sai sự thật hay những hình ảnh, clip đồi trụy,... sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cách hành xử và suy nghĩ của một cá nhân. Xa rời những mối quan hệ hiện thực khiến người dùng ngày càng bị lún sâu dẫn đến việc thích bản thân trên mạng hơn đời thực, những mối quan hệ trên mạng giúp họ cảm thấy vui vẻ hơn và dần dần, họ sẽ bỏ rơi những người thân thiết, những mối quan hệ quan trọng xung quanh mình.

Hãy sống thực tế, “sống ảo” cũng phải điều độ và phải kiểm soát được nó, biết rõ mình sử dụng việc “sống ảo” vì mục đích gì chứ đừng để MXH chi phối!

Trung Dũng

Chia sẻ bài viết