Tiếng Việt | English

16/10/2016 - 09:48

Mở đường phát triển

Từ những chủ trương, giải pháp phù hợp, kịp thời của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII, thể hiện qua chương trình xây dựng vùng kinh tế trọng điểm, các Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, X tiếp tục kế thừa và phát triển bằng việc xây dựng các chương trình đột phá, công trình trọng điểm về kết cấu hạ tầng giao thông để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp. Qua đó, thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Long An.

Chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước phục vụ phát triển công nghiệp

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010-2015) triển khai chương trình này trong điều kiện khủng hoảng kinh tế thế giới, suy giảm kinh tế trong nước kéo dài, tác động đến tỉnh, làm ảnh hưởng đến việc huy động nguồn lực để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, việc thực hiện chương trình đạt những kết quả nhất định, tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc hình thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đường Thủ Thừa-Bình Thành-Hòa Khánh kết nối Quốc lộ N2, đánh thức tiềm năng một vùng đất rộng lớn, có ý nghĩa về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh

Sau khi chương trình này được ban hành, các lĩnh vực giao thông, điện, nước được lập quy hoạch và phê duyệt, làm cơ sở cho việc xây dựng hệ thống hạ tầng ở hiện tại cũng như trong thời gian tới. Trong 5 năm, tổng nguồn vốn bố trí cho chương trình khoảng 1.655,7 tỉ đồng, phần lớn dành cho giao thông. Nguồn vốn huy động của doanh nghiệp đến hết năm 2015 là 127 tỉ đồng; tổng nguồn vốn vận động nhân dân đóng góp trên 380 tỉ đồng.

Từ nguồn lực này, trong 5 năm 2011-2015, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông từ tỉnh đến cơ sở có sự quan tâm đầu tư, phát triển tương đối mạnh, nhiều tuyến đường giao thông quan trọng được nâng cấp, xây dựng mới, kết nối đường cao tốc TP.HCM-Trung Lương, Quốc lộ (QL) 1A, QL62, QLN2,... Ngoài ra, ngành Giao thông Vận tải còn thực hiện một số công trình quan trọng như: Mở rộng Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, hoàn thành 2 tuyến đường quan trọng là Đường tỉnh (ĐT) 829 (nối liền huyện Tân Thạnh với huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) và ĐT 837 (nối huyện Tân Thạnh với huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp).

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh, trong giai đoạn này, ngành mở mới trên 409km đường giao thông các cấp, trong đó có 286km đường nhựa, 123km đường cấp phối và đường đá; xây dựng hàng chục cây cầu với tổng chiều dài gần 1.239m. Từ đó, nâng mức tải trọng trung bình cầu, đường trên địa bàn tỉnh và hình thành nên mạng lưới giao thông liên hoàn trong tỉnh và khu vực.

Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp ngày càng được cải thiện, góp phần tích cực vào kết quả thu hút đầu tư, phát triển kinh tế của tỉnh thời gian qua. Riêng 3 công trình giao thông trọng điểm: Tân Tập-Long Hậu; Thủ Thừa-Bình Thành-Hòa Khánh; QLN1-QL62-kênh 79-biên giới Campuchia được triển khai thi công và hoàn thành theo lộ trình.

Nguồn điện đáp ứng được yêu cầu phát triển công nghiệp. Công trình đường dây và trạm biến áp 110kV Châu Thành phục vụ nhu cầu xông đèn thanh long trái vụ và phát triển công nghiệp huyện Châu Thành; công trình đường dây 110kV Mộc Hóa-Vĩnh Hưng và trạm biến áp 110kV Vĩnh Hưng phục vụ nhu cầu sử dụng điện trong sản xuất nông nghiệp và phát triển công nghiệp huyện Vĩnh Hưng cũng như khu vực Đồng Tháp Mười sẽ được triển khai sớm so quy hoạch, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Lĩnh vực cấp nước tuy chưa có dự án mới đi vào hoạt động nhưng nhìn chung, công suất vẫn đủ cho sản xuất công nghiệp. Nhà máy nước Hòa Khánh Tây đi vào hoạt động; đồng thời, một số dự án cấp nước khác được triển khai sẽ đáp ứng yêu cầu cho những năm tiếp theo.

Chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm

Đây là 1 trong 2 chương trình đột phá của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020); cùng với đó là 3 công trình trọng điểm: ĐT 830 (Đức Hòa-Tân Tập), đường Vành đai TP.Tân An, trục hạ tầng giao thông-đô thị kết nối với TP.HCM. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 07 về huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Theo Bí thư Tỉnh ủy - Phạm Văn Rạnh, mục tiêu của Nghị quyết 07 là huy động và sử dụng nguồn lực từ các thành phần kinh tế để cùng ngân sách Nhà nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm, đưa công nghiệp trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh cho biết, trong kế hoạch thực hiện Chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm có tổng cộng 14 công trình, trong đó có 4 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước, 10 dự án đầu tư giai đoạn 2016-2020. Tổng nhu cầu vốn để thực hiện đầu tư 14 công trình khoảng 3.725 tỉ đồng (không kể 3 công trình trọng điểm của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X và công trình đường Tân Tập-Long Hậu với tổng nhu cầu vốn 4.985 tỉ đồng). Trong đó, ngân sách tỉnh cân đối để thực hiện 1.006 tỉ đồng, chiếm 27%; ngân sách Trung ương hỗ trợ 1.775 tỉ đồng, chiếm 48%; vốn huy động từ các doanh nghiệp tham gia đóng góp 944 tỉ đồng, chiếm 25%.

UBND tỉnh cũng xác định, ngoài việc huy động nguồn lực thực hiện 3 công trình trọng điểm Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh và các công trình còn lại của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, tỉnh tập trung huy động vốn đầu tư 14 công trình giao thông quan trọng. Tùy điều kiện ngân sách và khả năng huy động vốn sẽ thực hiện đầu tư theo thứ tự ưu tiên từng công trình, như: ĐT823, ĐT824, ĐT825, ĐT823B (đường qua Khu công nghiệp Đức Hòa 2-3); cải tạo và nâng cấp ĐT826B, đường Lương Hòa-Bình Chánh,... sớm hoàn thành nhằm phát huy hiệu quả, tác động thúc đẩy phát triển công nghiệp và kinh tế vùng.

Để thực hiện các công trình của chương trình đột phá về giao thông, tỉnh xác định các nhiệm vụ, giải pháp: Tiến hành đồng thời công tác tuyên truyền với cải cách hành chính; nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành, quản lý đầu tư, thực hành tiết kiệm; tăng cường đầu tư vốn ngân sách Nhà nước và tập trung huy động vốn đầu tư ngoài ngân sách;... Trong đó, vốn đầu tư phân bổ có trọng điểm, tránh dàn trải; giải quyết dứt điểm từng hạng mục, từng công trình được phân loại theo tính chất quan trọng, cấp thiết cần tập trung đầu tư; thực hành tiết kiệm, chống thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản. Công tác kê biên, bồi thường giải phóng mặt bằng bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, đúng tiến độ triển khai dự án đầu tư và thực hiện chính sách tái định cư hợp lý.

Bên cạnh giải pháp tăng cường vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, tỉnh cũng tập trung huy động vốn đầu tư ngoài ngân sách, huy động sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp. Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần khẳng định: 2 lĩnh vực đang được tỉnh ưu tiên kêu gọi đầu tư là xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, thủy lợi, nước sạch, năng lượng sạch,... theo hình thức hợp tác công tư (PPP), hợp đồng BOT, giao khai thác quỹ đất,... Tỉnh cũng chú trọng hình thức huy động doanh nghiệp cùng Nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng liên quan trực tiếp đến lợi ích của dự án. Đồng thời, vận dụng linh hoạt các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư của Trung ương phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh nhằm gia tăng khả năng huy động nguồn vốn từ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư.

Bên cạnh đó, tỉnh còn tích cực phối hợp TP.HCM tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình liên kết giữa 2 địa phương, đề nghị TP.HCM đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình giao thông quan trọng kết nối giữa 2 tỉnh, thành như: Cầu Rạch Dơi, cầu Thầy Cai, ĐT823,... nhằm tạo sự nối kết hữu hiệu giữa các công trình giao thông của tỉnh và thành phố, nâng cao tính tiện ích các công trình giao thông đối với các doanh nghiệp trên 2 địa bàn.

Giao thông phát triển sẽ phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, là giải pháp quan trọng trong thu hút đầu tư; đồng thời cũng là cơ hội đầu tư của doanh nghiệp./.

Tấn Lộc

Chia sẻ bài viết