Ảnh minh họa
Tôi nhớ hồi còn ở với ngoại trong căn nhà sàn cập mé sông. Cứ chiều chiều, tôi lại cho chân mình vào khỏa nước sông, đưa mắt nhìn những khóm lục bình trôi đi mải miết. Ngoại ngồi trên xuồng, lấy dầm vớt mấy nhánh củi mục trôi sông hay vớt chai lọ, đồ nhựa để bán lại cho cô mua ve chai lông vịt mà buổi trưa nào cũng cập vào bến nói vọng lên bờ “Hôm nay có gì bán không bà Hai ơi?”.
Những ngày mưa nặng hạt, ngồi trong nhà ngó ra, những bong bóng nước ken dày cả mặt sông. Lâu lâu lại cho chiếc ghe thương hồ chạy vụt qua mà chẳng tìm chỗ trú. Người đàn ông cầm máy co ro trong miếng cao su chật chội vẫn xé mưa chạy về phía trước. Tôi vẫn nhìn về phía chiếc ghe cho đến khi nó chìm vào màn mưa trắng xóa. Nghĩ, bên trong ghe còn có bao phận người lênh đênh cố tìm cho mình một bến dừng chân?
Như tôi, năm sáu tuổi, ba má cập ghe lại bến sông nhà ngoại, dắt tôi lên bờ chỉ vì muốn con mình biết được cái chữ, sau này lỡ có đi lạc cũng biết đường về... Bữa đó tôi khóc dữ lắm, cứ dõi mắt nhìn ra bến sông có mấy rặng ô rô xơ xác. Đêm đầu tiên ở nhà ngoại cũng vào một đêm mưa rả rích, căn nhà lá nghiêng bên nào cũng dột, những cơn gió thổi vào lạnh cả sống lưng. Chắc vì vậy mà nước mắt cũng mau khô hơn. Ngoại nằm gác tay lên trán, lâu lâu lại vuốt tóc tôi, “sao giờ này còn chưa ngủ nữa con, tới hè ba má con về rước chứ gì, coi vậy chứ nhanh lắm!”.
Hừng sáng, ngoại đã bơi xuồng dỡ lú(1) dưới sông, cất vó luôn chỉ vừa đủ ơ kho quẹt cho hai bà cháu ăn sáng chiều. Hôm nào trời mưa, ngoại biểu tôi ở trong nhà, không bao giờ cho tôi theo cùng. Cầm chiếc dầm nhỏ ngoại đẽo cho tôi mà lòng buồn đến lạ. Cái nón lá rách vành không che nổi gương mặt lạnh căm của ngoại, tôi rưng rưng nắm đôi bàn tay móp méo đang khẽ run lên của ngoại. Chẳng biết phải thương bao nhiêu cho vừa.
Ngoại bán thêm nước màu dừa. Mỗi lúc ngoại thắng nước màu, tôi vẫn ngồi cùng ngoại bên cái cà ràng(2) nhóm lửa. Ngoại vẫn biểu tôi ngồi yên những lúc thấy tôi khỉ khọt với củi lửa. Tôi ngồi trước mũi xuồng với chiếc dầm vừa tay. Sau mấy ngày chống chọi với cái dầm, tôi cũng đã biết làm thế nào để nó nghe lời của mình. Ngoại chèo phía sau, mang qua những mái nhà, rao “ai nước màu cốt dừa hôn”. Xuồng cập dưới mé sông, ngoại dỡ nắp cái khạp da bò nhỏ, múc từng vá nước màu sền sệt đen óng vào cái keo của người mua hoặc vào cái bọc nylon rồi cột lại cho khách. Những đồng bạc lẻ được ngoại cất vào cái khăn màu cháo lòng kỹ lưỡng. Trên mỗi khúc sông đi qua, ngoại vẫn dừng lại mỗi khi thấy củi mục, chai lọ. Có hôm may mắn, ngoại còn nhặt được món đồ chơi bằng nhựa cho tôi. Món đồ chơi đứa trẻ nào bỏ đi (hay làm rơi) lại là món quà cho đứa trẻ khác. Buổi chiều tắt nắng, tôi hay nằm dưới xuồng ngước mặt lên trời nhìn những áng mây trôi trên nền trời xa thẳm, một vài cánh chim lạc bầy cố nhớ đường bay về tổ. Trong ý nghĩ lúc ấy của tôi, chiều mênh mông hơn tôi tưởng.
Có hôm trên đường về, xuồng của tôi và ngoại phải tấp vào một rặng trâm bầu hay bụi cây nào đó để trú mưa. Tôi ngồi trong lòng ngoại, hé miếng cao su nhìn ra bên ngoài mặt sông, màn mưa vẫn trắng xóa. Tôi đưa tay ra hứng nước mưa, “mưa điệu này chắc còn lâu mới tạnh hen ngoại”. Ngoại chỉ cười, ờ, hồi tối nghe đài báo bão…
Những bận đi về trên nhánh sông quê, chợt thấy sông quê mình bao dung quá đỗi, chở che biết bao nhiêu thân phận con người mưu sinh lênh đênh cùng sóng nước. Ghe dừng lại không lưu lại dấu nằm dưới sông, chỉ có những ánh nhìn là còn vương lại đâu đó nơi bến sông nào đó, bởi những dáng người trên bờ vẫn hay nói vọng xuống ra, có cần nước mưa thêm hông? Lên bờ xách mớ củi xuống ghe để xài? Nhà có buồng chuối già đem xuống cho sấp nhỏ ăn lấy thảo? Để có lần quay ghe về lại, chủ ghe tức tốc nhảy lên bờ cầm tay nhau, "má phẻ hông má. Con mang cho má chục nem chua, mấy chai dầu gió với con chó phốc"…
Giờ về lại bến sông xưa, mái nhà ngày xưa chỉ còn lại một bãi đến trống trơ. Ngoại đã về với đất đai quê nhà. Trời lất phất mưa như cái hôm tôi rời nhà ngoại, tôi đứng dưới ghe ngoái đầu nhìn lại dáng ngoại già nua vì mưa nắng. Má quệt nước mắt cho tôi, biểu tựu trường năm sau lại về ở với ngoại. Mà điều đó đã không thành hiện thực. Ngoại đi vào một ngày mưa rơi lất phất. Mớ nước màu dừa vẫn chưa kịp nguội. Chiếc xuồng chênh chao sóng nước. Tôi lấy cây dầm và cái khạp da bò xuống ghe, nước mắt rơi suốt dọc đường đi.
Ngày về, tôi áp mặt vào sông, nhìn hoàng hôn đổ dài trên mặt sông. Chợt thèm một cơn mưa về qua lối cũ. Tôi ngồi bên bụi cỏ ven đường, chờ một chiếc xuồng lướt nhẹ trên sông. Tôi đã ngồi chờ ở đó rất lâu…
(1) Lú: vật dụng đặt dưới sông để bắt cá.
(2) Cà ràng: cái bếp lò.
Nguyễn Chí Ngoan