Tết Bính Thân 2016, lần đầu tiên đón năm mới tại quê hương thứ 2 của mình cho tôi nhiều cảm giác mới lạ. Tết năm nay theo như nhiều người miền Tây cảm nhận là lạnh hơn so mọi năm.
Mặc dù vậy, nhưng so với cái lạnh đến cắt da cắt thịt ở miền Trung quê tôi, quả thật nó còn dễ chịu hơn nhiều. Ăn tết ở quê hương thứ hai cho tôi cảm nhận những hương vị khác biệt, đầy ắp tình người với những nét văn minh, hiện đại và lịch sự.
Các phương tiện tham gia giao thông trong dịp tết
3 ngày tết, đường phố như rộng mở thênh thang hơn. Từng tuyến đường tại trung tâm TP.Tân An, tỉnh Long An như bừng sáng hẳn lên. Xe cộ dường như ít hẳn. Các phương tiện tham gia giao thông đều đi rất trật tự, ngăn nắp.
Tại các tuyến giao thông quan trọng như Quốc lộ 1, Quốc lộ N2 từ TP.HCM về các tỉnh miền Tây và ngược lại, không còn cảnh kẹt xe, chen lấn hay tiếng bíp còi inh ỏi của các bác tài.
Các hàng quán đều đồng loạt treo tấm bảng ‘‘nghỉ bán’’, sau tết sẽ khai trương lại. Hay như địa bàn phường 4, TP.Tân An, tỉnh Long An - nơi tập trung dày đặt các dịch vụ vui chơi, ăn uống và các quán nhậu cũng đều thưa khách; những chợ ‘‘chòm hỏm’’ lấn chiếm lòng lề đường cũng không còn.
Trang trí tết tại TP.Tân An
Công viên tấp nập với chợ hoa trước tết cũng được dọn dẹp sạch hẳn,... trả lại cho thành phố những ngày đầu xuân với không khí trong lành, tươi mát.
Nhịp sống dường như chậm lại, mọi người bớt hối hả như xưa. Tất cả đó như là khởi đầu cho những ngày nghỉ tết thư thái sau một năm làm lụng vất vả.
Ngày đầu năm mới, nhìn những em bé xúng xính trong bộ quần áo mới theo ba mẹ hoặc người thân đi chúc tết ông bà, tôi lại nhớ về hình ảnh mình của hơn hai mươi năm về trước.
Cái cảm giác cùng giúp mẹ gói bánh, được mẹ may cho bộ đồ mới để đi chúc tết với hy vọng nhận được bao lì xì cũng giống y hệt như tụi nhỏ bây giờ. Ai cũng mong sẽ xua tan đi những muộn phiền, hạnh phúc, may mắn và niềm vui sẽ tràn ngập trong dịp năm mới.
Gói bánh tét cúng ông bà
Đón tết thời hiện đại, con người ta cũng có những tiến bộ và văn minh hơn xưa nhiều. Tôi nghe mẹ chồng bảo rằng trước đây, đón tết rất cầu kỳ. Ngày nay, tết đến, mẹ không phải mua sắm bánh trái nhiều như xưa nữa. Muốn cúng ông bà, chỉ việc gói một ít bánh tét, nấu nồi thịt kho tàu, canh khổ qua hầm hoặc có thể ghé chợ mua về.
Tuy nhiên, nhà nhà vẫn giữ tục ‘‘xông đất đầu năm’’, chúc tết họ hàng. Đây là điều mà các gia đình ở quê đều lưu giữ. Đan xen trong nhiều câu chuyện bên bàn trà, rượu, tất cả mọi người đều tươi cười, chúc nhau một năm mới làm ăn phát tài và mạnh khỏe.
Những ngày tết, trong khi nhà nhà quây quần bên bữa cơm chiều cuối năm, cùng nhau đón giao thừa, hoặc đầu năm đi chùa cầu bình an, hay những gia đình trẻ lại chở nhau đi du lịch,... thì tại các tuyến đường lớn, có những người dù đón tết vẫn không quên nhiệm vụ của mình. Đó là những anh, chị lao công vẫn hằng đêm lặng lẽ làm đẹp phố phường. Đó là những công nhân vệ sinh vẫn từng ngày đi lấy rác để đem đến cảnh quang môi trường tươi mát. Hoặc đó là những người công nhân tưới cây xanh ven đường,... Tất cả họ đều lấy niềm vui, cùng nhau giữ gìn thành phố xanh-sạch-đẹp làm lẽ sống.
Những người lao công, công nhân lấy rác vẫn không quên nhiệm vụ trong dịp tết vào ban ngày...
và cả ban đêm
Lần đầu đón tết xa nhà, tôi cảm nhận mỗi nơi đều có phong tục, tập quán đón tết khác nhau. Tuy nhiên, tất cả đều không nằm ngoài những nét đẹp, giá trị truyền thống văn hóa dân tộc. Ở quê, tết không chỉ đơn giản là một ngày nghỉ, mà nó còn là một thời khắc quan trọng của năm, nó như là một sự chuyển giao của mùa, là một dấu mốc cho sự lớn lên.
Tôi sẽ mãi lưu giữ và trân trọng những hình ảnh đẹp, làm động lực và hành trang tiếp bước trên con đường tương lai phía trước./.
Thanh Nga