Liên minh Ả rập sẽ tham gia đánh IS ở Syria và Iraq
Ngày 16-12, ông Al Saud Trợ lý của Hoàng thái tử kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Vương quốc Saudi Arabia Muhammad bin Salman cho biết tại một cuộc họp báo rằng, một liên minh quân sự do nước này thành lập sẽ bắt đầu tham gia đánh tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS.
Ông Al Saud phát biểu trên kênh truyền hình SPA rằng, các hành động quân sự chống khủng bố của Liên minh các quốc gia Hồi giáo do Saudi Arabia dẫn đầu “đã được thỏa thuận với chính quyền hợp pháp của hai quốc gia Syria và Iraq và các lực lượng chống khủng bố quốc tế hiện diện tại đó”.
"Sự can thiệp của liên quân vào tình hình ở Syria và Iraq sẽ được thực hiện phối hợp với chính quyền hợp pháp của các nước ấy và các lực lượng quốc tế. Chiến dịch chống khủng bố sẽ được điều phối ở cấp quốc tế và Saudi Arabia mong muốn cộng đồng quốc tế ủng hộ liên minh này - ông Al Saud nêu rõ.
Tuy vị Trợ lý của Hoàng thái tử Saudi Arabia không nói rõ là liên minh này đã bàn bạc với cả liên quân 64 nước phương Tây và liên quân 4 nước Nga, Syria, Iraq và Iran (RSII) hay chỉ một mình liên quân của Mỹ, nhưng nếu chính quyền của ông Bashar al-Assad đã đồng ý thì có lẽ Nga cũng đã gật đầu phối hợp.
Ông Al Saud cũng lưu ý rằng Liên minh quân sự Hồi giáo này sẽ bao gồm 34 quốc gia, có Bộ tư lệnh đặt tại với Riyadh (thủ đô của Saudi Arabia). Liên minh mới này không có quan hệ gì với liên minh Ả Rập do Saudi Arabia lãnh đạo đang tham chiến ở Yemen.
Liên minh này có sự tham gia của các quốc gia Hồi giáo từ các châu lục, nòng cốt là nước chủ nhà, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Qatar, Jordan, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ…cùng với một số quốc gia châu Á, châu Phi khác như Mali, Malaysia, Pakistan, Lebanon.
Liên minh các quốc gia Hồi giáo mới vẫn sẽ do Saudi Arabia lãnh đạo
Cộng hòa Hồi giáo Iran dòng Shia, đối thủ chính tranh giành ảnh hưởng trong thế giới Arab với Vương quốc Hồi giáo Saudi Arabia dòng Sunni, vắng mặt trong danh sách, bởi hai cường quốc của khu vực bất đồng về các vấn đề từ Syria đến Yemen.
Bộ trưởng Quốc phòng Saudi Arabia, Hoàng tử Mohammed bin Salman tuyên bố, hoạt động của liên minh mới sẽ phối hợp với các nỗ lực chống khủng bố tại Iraq, Syria, Libya, Ai Cập và Afghanistan, tuy nhiên không nói rõ sẽ phối hợp trên không hay trên bộ.
Được biết, Saudi Arabia đang đứng đầu liên quân các nước Arập tiến hành các hoạt động quân sự tại Yemen nhằm vào lực lượng phiến quân Hồi giáo dòng Shi'ite Houthi và cũng là một phần trong liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu oanh kích tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria.
Saudi Arabia và các nước láng giềng vùng vịnh Arab đã mắc kẹt trong cuộc chiến kéo dài 9 tháng với phiến quân Houthi được coi là do Iran hậu thuẫn ở nước láng giềng Yemen. Liên quân này đã thực hiện hàng trăm phi vụ không kích ở Yemen nhưng chưa tiêu diệt được lực lượng này.
Mỹ từng nhiều lần khẳng định về tầm quan trọng của việc các nước Vùng Vịnh đóng vai trò nhiều hơn nữa trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS tại Iraq và Syria, đồng thời Saudi Arabia cũng nỗ lực thể hiện sự chủ động khi đứng ra thành lập 2 Liên minh quân sự Ả rập.
Chiến hạm Ai Cập vượt kênh đào Suez đến tham chiến ở Yemen trong khuôn khổ Liên minh quân sự do Saudi Arabia đứng đầu
Tuy nhiên, không thể khẳng định rằng các nước vùng Vịnh đã thoát khỏi vòng tay của Mỹ, tự chủ trong các chính sách của mình. Saudi Arabia có thể lãnh đạo một khối quân sự nhưng mục đích thành lập, đường lối hoạt động sẽ do Washington chi phối, Riyadh chỉ là người đứng ra tổ chức thực hiện mà thôi.
Chỉ mới hôm trước, chưa hề có thông tin gì về Liên minh quân sự Ả rập mới. Lệnh ngừng bắn được thiết lập ở Yemen hôm 15-12 và tiến trình đàm phán hòa bình do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn được triển khai, thì ngay lập tức nó được thành lập để tham gia vào cuộc chiến chống IS ở Syria và Iraq.
Một khối liên minh quân sự lớn, nhất là lại bao gồm nhiều nước thuộc các châu lục khác nhau sẽ mất nhiều thời gian để thống nhất được mục tiêu hành động, đường lối lãnh đạo, khả năng tham chiến trong lĩnh vực nào và phần đóng góp của các nước trong liên minh.
Sự xuất hiện “đột ngột, đầy bất ngờ” của Liên minh này có thể là dấu hiệu cho thấy, kế hoạch quân sự khổng lồ của Mỹ ở vùng Vịnh đã bắt đầu triển khai.
Mỹ bắt đầu triển khai kế hoạch đưa 100.000 quân vào Syria và Iraq?
Ngày 10-12, lãnh đạo khối đối lập Iraq (Irada) là bà Hanan al-Fatlawi đã tiết lộ kế hoạch của Mỹ triển khai 100 nghìn binh sĩ nước ngoài, trong đó có 10.00 lính Mỹ và 90 nghìn quân của các nước Trung Đông trên lãnh thổ Iraq tấn công IS, mà chính quyền Baghdad buộc phải chấp thuận.
Bà Hanan al-Fatlawi đã đăng tải một bài viết trên Facebook với tiêu đề "McCain thông báo cho ông al-Abadi rằng, việc đưa 90.000 binh sĩ của các nước vùng vịnh đến Iraq là quyết định không phải bàn cãi".
Bài viết tiết lộ, thông báo này được đưa ra trong cuộc họp phối hợp hoạt động quân sự các bên chống IS, diễn ra vào ngày 27-11, tại sở chỉ huy chiến thuật Mỹ-Iraq ở Baghdad, do Thượng nghị sĩ John McCain, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, và thượng nghị sĩ Lindsey Graham, thành viên ủy ban này.
Trong chuyến thăm trong khuôn khổ chuyến thăm Baghdad ngày 27-11, hai vị dân biểu Mỹ đã hội kiến với Thủ tướng Iraq Haydar al-Abadi và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cùng phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Iraq và đại diện lực lượng đặc nhiệm nước này,
Bà Hanan al-Fatlawi cho biết rằng, quyết định này dường như là một vấn đề mà Washington đã quyết và Baghdad không được phép bàn cãi. “Phái đoàn Mỹ đã nói với phía Iraq rằng, quyết định này đã được chuẩn y và không nằm trong nội dung thảo luận” - vị nghị sĩ này viết.
Pháo binh Saudi Arabia đang pháo kích vào một vị trí của phiến quân ở Yemen
Thượng nghị sĩ John McCain và thượng nghị sĩ Lindsey Graham khẳng định, đợt điều động binh sĩ lần này sẽ khác so với chiến tranh Afghanistan kéo dài 14 năm và gần 9 năm ở Iraq - 2 cuộc chiến đã giúp IS hình thành, phát triển và chiếm nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn ở Iraq và Syria.
“Lần này sẽ là một đội quân nước ngoài bao gồm các binh sĩ trong khu vực cùng một số ít binh sĩ phương Tây. Hai cuộc chiến trước đây có sự tham gia của quá nhiều binh sĩ phương Tây, trong khi số lượng binh sĩ trong khu vực quá ít”, ông Graham cho biết.
Theo đó, liên minh quân sự đa quốc gia do Mỹ lãnh đạo bao gồm khoảng 100 nghìn quân, trong đó, Mỹ đóng góp 10.000, còn lại 90.000 quân sẽ lấy từ các quốc gia Ả Rập dòng Sunni xung quanh như: Saudi Arabia, United Arab Emirates (UAE), Qatar, Jordan và một số quốc gia khác.
Thông báo còn cho biết, để tập hợp được lực lượng 100.000 quân là điều tương đối khó với liên minh, bởi Saudi Arabia hiện can dự vào cuộc chiến ở Yemen, trong khi Ai Cập đang nỗ lực chống lại các phiến quân. Tuy nhiên, ông McCain tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có đóng góp lớn cho liên quân này.
Lực lượng Liên minh chống IS này sẽ tiến vào lãnh thổ Iraq, đóng quân ở phía tây nước này (giáp biên giới Syria), để triển khai các hoạt động tấn công tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS. Tuy nhiên, 10.000 quân Mỹ sẽ chỉ tham gia các hoạt động cung cấp hỗ trợ hậu cần, kỹ thuật.
Mỹ đang triển khai kế hoạch đưa quân đồng minh Ả Rập vào Syria và Iraq?
Do đó, rất có thể trong bối cảnh Quốc hội Iraq gây sức ép với chính quyền Baghdad phải mời Moscow tham gia chiến dịch quân sự chống IS ở nước này, Mỹ không thể để Nga đóng thêm vài trò quan trọng ở Iraq nên đã kích hoạt kế hoạch này cùng với các đồng minh Trung Đông.
Và sự kiện ngừng bắn ở Yemen ngày 15-12 đã đến rất đúng lúc để có thể giúp Saudi Arabia rảnh tay tập trung vào thành lập lực lượng quân sự 90.000 quân này và dĩ nhiên là Liên minh quân sự Ả rập mới đã “thần tốc” ra đời.
Đây cũng có thể là nguyên nhân khiến Thổ Nhĩ Kỳ phớt lờ mọi chỉ trích của cộng đồng quốc tế và của cả Liên Hợp Quốc để kiên quyết đóng quân trong lãnh thổ Iraq. Thời gian tới, các quốc gia trong liên minh sẽ lần lượt gửi quân đến nước này, mở đầu cho cuộc chiến lớn ở Trung Đông.
Bài viết của bà Hanan al-Fatlawi chưa được xác thực từ phía chính quyền Baghdad và từ phía Washington, nhưng việc liên minh mới được thành lập với cơ cấu tương tự như tiết lộ trên đã cho thấy, thông tin của bà hoàn toàn có thể biến thành sự thật.
Sự việc này khiến Nga lâm vào tình thế khó xử bởi họ đã tuyên bố sẵn sàng hợp tác với các tổ chức hay quốc gia tiến hành chống khủng bố nên buộc phải chấp thuận cho liên quân này tham gia vào cả Syria và Iraq, phá vỡ kế hoạch của Moscow ở Syria.
Sau khi IS bị đánh bại, việc có quá nhiều nước và khối quân sự tham gia vào cuộc chiến Syria, sẽ khiến tiến trình hòa giải dân tộc ở nước này thêm rắc rối. Khi đó, Nga chỉ là 1 bên có tiếng nói trong quá trình thành lập Hội đồng chuyển tiếp dân tộc, nên những toan tính của Moscow sẽ rất khó thực hiện./.
dantri.com.vn (Theo Đất Việt)