Tiếng Việt | English

14/11/2015 - 11:17

Mỹ đe Trung Quốc bằng B-52

2 máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ vừa bay gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây trái phép ở biển Đông.

Tranh chấp ở biển Đông sẽ là vấn đề trọng tâm trong thời gian Tổng thống Mỹ Barack Obama tham dự một loạt hội nghị cấp cao ở châu Á vào tuần tới.

Tiếp tục chỉ trích và răn đe

Tuyên bố trên được Nhà Trắng đưa ra hôm 12-11 cùng với nhận định khó có khả năng các bên đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) tại các cuộc gặp nói trên, theo nhận định của Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Susan Rice.

Theo Kyodo, ông Obama đến Manila ngày 17-11 để dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Bên lề sự kiện, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ lần lượt gặp Tổng thống nước chủ nhà Benigno Aquino và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và vấn đề Trung Quốc xây đảo nhân tạo phi pháp ở biển Đông chắc chắn nằm trong nội dung thảo luận chính bất chấp việc Bắc Kinh liên tiếp nói không nên bàn đến biển Đông tại một hội nghị về kinh tế.

Sau đó, ông chủ Nhà Trắng sẽ đến thủ đô Kuala Lumpur - Malaysia ngày 20-11 để dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á và Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Mỹ. Khi được hỏi tại sao Tổng thống Obama lại muốn tham gia nhiều hội nghị tại châu Á chỉ trong thời gian ngắn như vậy, trợ lý phụ trách chính sách đối ngoại của ông Obama, ông Ben Rhodes, nhấn mạnh: “Nếu vắng mặt, chúng tôi sẽ trở thành mục tiêu để người khác công kích”.

Trước khi ông Obama công du châu Á, 2 máy bay ném bom chiến lược B-52 đã bay gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây trái phép biển Đông trong chuyến tuần tra đêm 8 và ngày 9-11, theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc Bill Urban.

Tuy chưa rõ 2 chiếc B-52 có bay vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo hay không nhưng chỉ riêng sự có mặt của “pháo đài bay” này ở biển Đông cũng thể hiện sức mạnh răn đe trước tham vọng bành trướng của Trung Quốc cũng như cam kết bảo vệ đồng minh của Mỹ. 

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ashton Carter ngồi trên máy bay V-22 Osprey sau khi thăm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt ở biển Đông hôm 5-11 Ảnh: Reuters

Đối thủ cũ, thách thức mới

Theo chuyên gia Ankit Panda của tờ Diplomat, việc Mỹ công khai thông tin về chuyến tuần tra của B-52 nhằm ngăn ngừa khả năng Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Đông. Hồi tháng 11-2013, ngay sau khi Trung Quốc tuyên bố lập ADIZ trên biển Hoa Đông, 2 chiếc B-52 của Mỹ lừng lững bay qua khu vực này mà không hề báo trước.

Ngoài ra, đội tàu đổ bộ Essex (ARG) thuộc Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ đã quá cảnh qua eo biển Malacca và tuần tra tại biển Đông từ ngày 7 đến 10-11. Theo trang navy.mil, đội tàu này gồm tàu tấn công đổ bộ USS Essex (mang theo máy bay) và 2 tàu vận tải đổ bộ USS Anchorage và USS Rushmore. Bên cạnh tuần tra, chúng còn tham gia huấn luyện quân đội Brunei và Malaysia.

Để đón đầu khả năng Trung Quốc tăng cường quân sự hóa các đảo nhân tạo nhằm chống lại hoạt động tuần tra của hải quân Mỹ, ông Malcolm Davis - PGS Viện Quan hệ quốc tế thuộc Trường ĐH Bond (Úc) - cho rằng Washington cần tăng cường quan hệ và sức mạnh của các đồng minh cũng như đối tác chủ chốt trong khu vực, có thể kể ra Úc, ASEAN, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc.

Theo Reuters, khi đến Philippines, Tổng thống Obama sẽ bàn việc củng cố quan hệ quân sự song phương, bao gồm sử dụng lại căn cứ cũ của Mỹ tại vịnh Subic. Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết đang đẩy mạnh bán vũ khí cho các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương. Cụ thể, chính phủ Mỹ đã phê chuẩn thương vụ bán máy bay do thám E-2D Advanced Hawkeye (trị giá hơn 151 triệu USD) cho Nhật và máy bay trinh sát Poseidon P-8A cho Úc.

Không chỉ Mỹ, yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông còn đối mặt thách thức mạnh mẽ từ Indonesia. Bộ trưởng An ninh Indonesia Binsar Pandjaitan 11-11 tuyên bố có thể kiện Trung Quốc ra Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) nếu nước này không giải quyết qua đối thoại vấn đề tranh chấp vùng biển ngoài khơi quần đảo Natuna. “Đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tự ý vẽ trên biển Đông “liếm” đến tận Natuna và đây là nguồn cơn khiến Indonesia gia tăng thái độ cứng rắn.

Hôm 12-11, đến lượt Bộ Ngoại giao Indonesia yêu cầu Trung Quốc làm rõ vấn đề trên. Trong lúc giới quan sát cho rằng đã đến lúc Jakarta từ bỏ lập trường trung lập trên biển Đông thì Trung Quốc bước đầu tỏ vẻ nhượng bộ. “Phía Trung Quốc không phản đối chủ quyền của Indonesia đối với quần đảo Natuna” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi cho biết.

Giới quan sát đánh giá thấp khả năng Jakarta thực sự muốn khởi kiện nhưng những tuyên bố trên chứng tỏ nước này đang rất khó chịu. 

Trọng tâm là TPP

Philippines ngày 13-11 tuyên bố hành động của Trung Quốc ở biển Đông không có lợi cho các mục tiêu của Hội nghị cấp cao APEC. Đài VOA của Mỹ cùng ngày đưa tin Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ là trọng tâm thảo luận của APEC tại Philippines vào tuần tới. Do đó, ngay cả khi căng thẳng biển Đông không nằm trong chương trình nghị sự chính thức thì cuộc cuộc đối đầu Mỹ - Trung vẫn có thể bao trùm sự kiện quan trọng này.

Theo nhà kinh tế học Mỹ Fred Bergsten thuộc Viện Kinh tế quốc tế Peterson, vào những năm 1990, APEC lần đầu tiên khởi xướng kế hoạch tạo ra một vùng thương mại tự do mang tầm khu vực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Và TPP được ký kết là động thái bước đầu hiện thực hóa những mục tiêu được đặt ra hơn 20 năm trước của APEC. Tuy nhiên, hiệp định quy tụ 12 nền kinh tế xuyên Thái Bình Dương chiếm 40% GDP toàn cầu, trong đó có Mỹ và Nhật Bản, lại vắng mặt Trung Quốc.

Nhiều thành viên khác của APEC như Hàn Quốc, Indonesia và Philippines đều muốn gia nhập TPP nhưng Trung Quốc vẫn chưa một lần ngỏ ý. Theo ông Bergsten, Trung Quốc có thể đang cảm thấy lạc lõng và chưa dứt khoát trong nước cờ tiếp theo.

Thu Hằng

Huệ Bình/Theo nld.com.vn

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích