Tiếng Việt | English

03/02/2022 - 09:45

Năm Dần nói chuyện cọp

Hơn 300 năm từ thuở tiền nhân xuôi phương Nam “khẩn hoang, lập ấp”, loài cọp đã trở thành dấu ấn sâu sắc trong tâm thức của người dân Nam bộ. Từ chỗ kinh sợ, sau đó, họ tìm mọi cách “kết thân” với loài mãnh thú khi phong chức tước, phong thần, thờ cúng, kiêng kỵ dùng từ “con cọp” trong xưng hô mà thay bằng “ông ba mươi”, “ông cọp”, “ông thầy”, “cả cọp” với mong muốn cọp đừng quấy phá để được yên ổn làm ăn.

Cọp - động vật quý hiếm cần được bảo vệ

Cọp - động vật quý hiếm cần được bảo vệ

1. Mùng 3 tết, sau khi hối vợ con soạn cơm, canh cúng tiễn ông bà, ông già Mười quần áo chỉnh tề, mang ra xấp giấy hồng điều có in hình cọp với dòng chữ Hán “Sơn lâm đại tướng quân” đã chuẩn bị sẵn từ trước. Miệng vừa lầm thầm khấn vái “ông cọp” phù hộ gia đình bình yên, tay vừa dùng cây nhang đang cháy “điểm nhãn” cọp. Xong xuôi, ông dùng hồ quét mặt sau, rồi dán phía trước cửa chính nhà. Già Mười lý giải nghi thức này với ngụ ý mở “mắt thần” cho cọp canh giữ nhà cửa, còn mở miệng để cọp gầm thật lớn làm tà ma kinh sợ mà tránh xa.

Đám trẻ thích thú đứng xem nghi lễ, hễ đứa nào vô tư gọi là con cọp, lập tức bị người lớn la mắng. Sở dĩ có sự kiêng kỵ vì chuyện kể rằng ngày xưa, ở Cái Bát, Cà Mau, có bà mẹ có con nhỏ hay khóc đêm. Dỗ hoài không nín, một đêm nọ, bà ta giận quá, bồng đứa nhỏ lại sát vách lá, vạch lỗ trống đưa chân đứa bé ra ngoài rồi dọa “Mày còn khóc, tao vái cho con cọp tới bắt mày”. Vừa vái xong, một con cọp lớn từ trong bụi rậm bỗng nhào đến, cắn cổ tha đứa nhỏ đi mất. Từ đó, dân trong vùng không còn ai dám rủa con là “cọp vật mày”, “cọp bắt mày” nữa. Rút kinh nghiệm từ câu chuyện này, nhiều nơi ở Nam bộ mỗi khi nhà có trẻ hay khóc đêm, người lớn bèn đốt đèn sang nhà hàng xóm đi... ăn trộm cọp. Gọi là ăn trộm nhưng thường kẻ trộm sẽ “xi nhan” cho chủ nhà biết trước để khỏi phiền. Sau khi ăn trộm cọp giấy dán trước cửa nhà, kẻ trộm sẽ đem về giấu trong gối với niềm tin rằng trẻ sẽ hết khóc.

Giáo sư Trần Ngọc Thêm trong cuốn Văn hóa người Việt vùng Tây Nam bộ đã lý giải nguyên nhân sâu xa cho cách đối xử có phần kiêng dè của người dân với loài mãnh thú. Trong buổi đầu khai phá Nam bộ, những lưu dân từ miền Trung vào, thân còn lạ nước lạ cái, trước hết phải đối mặt với tự nhiên khắc nghiệt. Thời ấy rừng rậm còn hoang vu, nhiều loài thú dữ, dưới sông cá sấu, trên bờ cọp beo. Nhiều vụ người dân khẩn hoang bị cọp tấn công, sát hại. Bởi vậy, người dân tin rằng cọp là loài có oai linh, là chúa tể, người cai quản rừng nên cần phải tôn sùng để cọp đừng quấy phá.

Ngoài việc “kỵ húy”, nhiều nơi ở miền Tây còn phong chức tước cho cọp. Chuyện kể rằng, 200 năm trước, tại làng Hòa Tú (Sóc Trăng), sau khi khẩn hoang lập ấp đã ổn, người dân họp lại bầu Ban Hội tề và Hương cả, là những người lớn tuổi, hiểu biết và có uy tín trong cộng đồng.

Vị Hương cả đầu tiên được bầu chỉ sau vài tháng, ông và vợ con bỗng bệnh nặng, cả nhà chết hết. Ông Hương cả thứ 2, thứ 3 cũng chung số phận. Lo ngại điềm gở, suốt 3 năm liền trong làng không có ai dám lên giữ chức. Thời này, rừng rậm còn nhiều cọp, trong đó có một con cọp ba chân hay đi quanh bìa rừng được dân chúng gọi là “Ông Ba Cụt”. Sau nhiều lần bàn bạc, các bô lão quyết định dựng một miếu thờ ông sau miếu Thành Hoàng, rồi bầu “Ông Ba Cụt” vào chức Hương cả. Từ lúc “Hương cả Cụt” được tấn phong, làng nhiều năm mưa thuận, gió hòa. Giai thoại này cũng được truyền miệng tại một số tỉnh như Bến Tre, Long An.

Những mô tuýp này dù thoạt nghe có vẻ huyễn hoặc, nhưng thật ra nó thể hiện tâm thức tôn trọng tự nhiên, “rừng nào, cọp nấy”, sống cùng với thiên nhiên của người xưa. Không chỉ dừng lại ở đó, sự sùng bái cọp còn thể hiện ở việc phong thần như “Sơn Quân chi thần”, “Chúa xứ Sơn Lâm”, “Thần hổ”, lập miễu, tạc tượng hoặc vẽ tranh cọp để thờ như miễu thờ Cọp Bạch ở xã Thới Sơn (Tịnh Biên, An Giang), hang Ông Hổ ở Thất Sơn (An Giang).

Tại nhiều địa phương, cọp còn được xây miếu thờ ngay trong các đình làng. Vị trí miếu thờ cọp thường nằm bên trái. Ngoài tượng, tranh, một số nơi, người dân còn thờ nguyên bộ da cọp được nhồi trấu như ở đình Bình Thủy (Cần Thơ), lăng mộ Nguyễn Huỳnh Đức (phường Khánh Hậu, TP.Tân An, Long An), thờ sọ cọp ở đình Quới Sơn (Châu Thành, Bến Tre).

Hàng năm, khi cúng kỳ yên, người dân thường đặt thịt heo sống trên bàn thờ hổ với niềm tin rằng, ban đêm thần hổ sẽ về hưởng lễ vật trả ơn, trả tờ sớ cũ và lấy tờ sớ mới do dân làng soạn, mong quốc thái dân an.

2. Cọp và những giai thoại xoay quanh cũng xuất hiện nhiều trong văn chương, nghệ thuật. Nhà văn Đoàn Giỏi trong Đất rừng phương Nam đã miêu tả nhân vật An cùng tía nuôi có lần “sởn tóc gáy” khi chạm trán cọp sau một vụ cháy rừng. Trong truyện, người dân bản địa nhận biết có cọp xuất hiện khi nghe tiếng chim lệnh kêu boong… boong… kroỏi. Tương truyền, đây là loài chim cộng sinh với cọp, chuyên ăn các thức ăn còn sót lại sau buổi đi săn. Thậm chí, mỗi lần cọp ăn thịt bị mắc răng, chim còn đến rỉa hết thịt.

Cố nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển trong thời gian làm báo, cũng từng có loạt bài phóng sự Thâm sơn kỳ cục án, trong đó có chuyện Chơi con cọp “cười ra nước mắt” của một anh người dân tộc Cơ Tu (Quảng Nam). Anh này có nuôi 5 con bò, một hôm lùa bò về phát hiện một con chỉ còn phân nửa. Biết bị cọp vồ, Zơ Râm Mạnh tức mình, lấy cuốc đào hố, đặt bẫy. Hôm sau, anh thăm bẫy, thấy cọp dữ dính một chân, gầm gừ dữ dội, Mạnh định thả đi, nhưng sợ lúc mở bẫy bị vồ nên về nhà vác súng mua từ những người đào vàng trộm, bắn hai phát. Cọp chết, Mạnh xẻ thịt bán xương, da được 10 triệu đồng. Có tiền, anh xuống thị trấn uống rượu, khoe với nhiều người vừa “chơi” “ông Ba Mươi”. Kiểm lâm nghe chuyện mời Mạnh làm việc. Tòa án sau đó xét xử, thấy Zơ Râm Mạnh là người dân tộc, không biết cọp là động vật quý hiếm, lại bị cọp giết mất bò, nên chỉ tuyên phạt 18 tháng tù treo. Mạnh mừng quá, hứa với tòa về bảo dân làng từ rày về sau đừng “chơi” con cọp nữa. 

Thi sĩ Thế Lữ trong Nhớ rừng cũng từng mượn hình ảnh con hổ trong vườn bách thú để bộc bạch nỗi niềm của một trí thức trong cảnh đất nước bị ngoại bang xâm lược,...

“Ôn cố nhi tri tân”, hổ là loài vật thiêng trong tín ngưỡng dân gian, đứng thứ 3 trong 12 con giáp, cũng là loại săn mồi dũng mãnh đứng đầu chuỗi thức ăn ngoài tự nhiên. Tuy vậy, những năm gần đây, do môi trường thay đổi, cộng với nạn săn bắt trộm, nhiều loài hổ đã tuyệt chủng. Vì vậy, cần tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức cộng đồng chung tay bảo vệ để các thế hệ mai sau vẫn còn được chiêm ngưỡng “ông Ba Mươi” bằng xương, bằng thịt chứ không phải qua giai thoại, tư liệu bảo tàng./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết