Phiên tòa trực tuyến theo tinh thần cải cách tư pháp được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh phối hợp Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức xét xử rút kinh nghiệm trong năm 2024
Nhiều kết quả nổi bật
Thông tin từ Viện KSND tỉnh Long An, trong 6 tháng đầu năm 2024, Viện KSND 2 cấp tỉnh đã kiểm sát thụ lý 11.171 vụ việc sơ thẩm, 489 vụ việc phúc thẩm; kiểm sát giải quyết 5.050 vụ việc sơ thẩm, 406 vụ việc phúc thẩm của TAND.
Trong đó, số vụ việc thuộc trường hợp Viện KSND tham gia phiên tòa, phiên họp sơ thẩm là 667 vụ việc, chiếm 13,2%/tổng số vụ việc giải quyết; phúc thẩm là 406/406 vụ việc, đạt 100%. Trong số án phúc thẩm đã giải quyết, có 154 vụ sửa và 45 vụ hủy án sơ thẩm.
Qua thực hiện nhiệm vụ, Viện KSND tỉnh đã thực hiện tốt 3 quyền năng cơ bản, ban hành 28 văn bản kiến nghị, trong đó có 5 kiến nghị phòng ngừa vi phạm đối với cơ quan, tổ chức về các lĩnh vực công chứng - chứng thực; điều kiện về độ tuổi kết hôn, tình trạng ly hôn ngày càng tăng, độ tuổi ly hôn có xu hướng trẻ hóa, phụ nữ khởi kiện ly hôn chiếm tỷ lệ cao; về tình trạng tranh chấp hụi gây mất trật tự xã hội, ảnh hưởng xấu đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân; ban hành 23 kiến nghị vi phạm đối với TAND liên quan đến tình trạng án tạm đình chỉ để kéo dài, việc chậm thụ lý đơn khởi kiện, thời hạn gửi văn bản tố tụng, chuyển hồ sơ, vi phạm nội tại trong mỗi vụ việc,... và ban hành 33 quyết định kháng nghị phúc thẩm.
Tất cả các kiến nghị, yêu cầu đều được cơ quan, tổ chức, tòa án tiếp thu, phản hồi, khắc phục vi phạm, thiếu sót; số kháng nghị Viện KSND bảo vệ, TAND đưa ra xét xử, tuyên chấp nhận đạt 97,83%/chỉ tiêu 70% của Quốc hội và của ngành, riêng kháng nghị trên cấp được chấp nhận 100%.
Để đạt kết quả đó, bên cạnh phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh, chỉ đạo, quản lý, điều hành, toàn ngành KSND đã có những thay đổi đồng bộ để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, đặc biệt là phân công chỉ đạo, theo dõi, phối hợp ứng dụng công nghệ 4.0 nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin vào khâu công tác.
Đặc biệt, trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Viện KSND 2 cấp tỉnh luôn chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, mỗi kiểm sát viên, công chức phải nêu cao ý thức trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu, hoàn thành công việc, nhiệm vụ được giao, qua đó, mỗi cán bộ, công chức đều hăng hái tham gia phong trào thi đua yêu nước trong ngành năm 2024 với chủ đề “Đoàn kết, gương mẫu, trách nhiệm, vượt khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2024”.
Qua kiểm sát các vụ việc dân sự, hiện còn những hạn chế như tình trạng án bị cấp phúc thẩm tuyên sửa, hủy nhưng Viện KSND ngang cấp không phát hiện vi phạm để xảy ra kháng nghị; một số vụ kháng nghị chưa được TAND cấp phúc thẩm chấp nhận toàn bộ hoặc kháng nghị không phát hiện hết vi phạm trong hồ sơ, bản án của tòa án cấp sơ thẩm; còn nhiều vụ án thụ lý để kéo dài mà Viện KSND chưa kịp thời có giải pháp tác động tòa án để sớm đưa ra giải quyết.
Sở dĩ còn hạn chế này do cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Theo đó, hiện nay, Bộ luật Tố tụng Dân sự không quy định tòa án phải gửi tài liệu, chứng cứ kèm theo các văn bản tố tụng nên Viện KSND khó có thể phát hiện được vi phạm, thiếu sót nếu chỉ căn cứ vào văn bản tố tụng do tòa án gửi.
Các quy định pháp luật mới về luật tố tụng, nội dung còn nhiều điểm bất cập, chưa rõ ràng, chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất nên có nhiều cách đánh giá và áp dụng khác nhau.
Bên cạnh đó, nhiều vụ việc còn trường hợp đương sự không phối hợp cung cấp chứng cứ ở cấp sơ thẩm mà đến giai đoạn phúc thẩm mới cung cấp; một số vụ việc phức tạp nhưng hướng dẫn áp dụng luật không rõ ràng, cụ thể, nhiều cấp, ngành lưu giữ chứng cứ không cung cấp cho tòa án kịp thời, không trả lời xác minh của tòa án theo quy định của pháp luật hoặc trả lời theo kiểu nước đôi,...
Ngoài ra, hiện nay, pháp luật quy định quyền kháng nghị của Viện KSND nhưng cũng quy định về quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự nên có những vụ việc kháng nghị của Viện KSND có cơ sở nhưng đương sự không kháng cáo hoặc tại phiên tòa phúc thẩm đồng ý với quyết định của bản án sơ thẩm nên tòa chỉ chấp nhận một phần kháng nghị hoặc Viện KSND phải rút kháng nghị,...
|
Tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm, đột phá
Thông tin từ Viện KSND tỉnh, thực hiện Chỉ thị số 01/CT-VKSTC của Viện trưởng Viện KSND Tối cao liên quan đến việc tập trung rà soát kết quả thực hiện khâu công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, trong đó, xác định khâu công tác này là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của toàn ngành.
Trong năm 2024, Viện KSND 2 cấp tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm, đột phá nhằm tạo chuyển biến tích cực trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, góp phần bảo đảm việc giải quyết các vụ việc này của TAND tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự.
Viện KSND 2 cấp tỉnh sẽ tập trung xây dựng quy chế phối hợp TAND cùng cấp trong thực hiện các hoạt động tố tụng theo quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015. Trong đó, tập trung đẩy mạnh xây dựng quy chế, tổ chức sơ kết việc thực hiện quy chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương và theo quy định của pháp luật, nhất là sự phối hợp của cơ quan, tổ chức trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ cho TAND.
Đồng thời, Viện KSND 2 cấp tỉnh đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị có liên quan việc thu thập tài liệu, chứng cứ, thường xuyên kiểm tra các vụ việc mà tòa án tạm đình chỉ kéo dài, từ đó có văn bản yêu cầu, kiến nghị tòa án sớm có biện pháp tác động cơ quan, tổ chức trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ.
Từ nay đến cuối năm 2024 cũng như những năm tiếp theo, toàn ngành sẽ tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xét xử như phối hợp tòa án tổ chức phiên tòa trình chiếu chứng cứ, phiên tòa trực tuyến, thực hiện số hóa hồ sơ kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, báo cáo án bằng sơ đồ tư duy nhằm đáp ứng yêu cầu công tác cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay.
Đặc biệt, trong các giải pháp trọng tâm, Viện KSND tỉnh cũng xác định việc rèn luyện kỹ năng kiểm sát cho đội ngũ kiểm sát viên là một trong những giải pháp quan trọng để hạn chế số lượng bản án, quyết định bị tòa án xét xử tuyên hủy, sửa. Trong đó, mỗi kiểm sát viên, kiểm tra viên, công chức phải nêu cao tinh thần tự học, tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, bảo đảm mỗi cán bộ, công chức trong ngành phải “vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao./.
Thụy Anh