Tiếng Việt | English

06/01/2023 - 10:17

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực tài nguyên và môi trường

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) khắc phục các tồn tại, hạn chế, đề ra phương hướng, chủ động các giải pháp thực hiện để nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực TN&MT.

Ngành Tài nguyên và Môi trường khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế, nhất là trong việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính

Theo Giám đốc Sở TN&MT - Võ Minh Thành, trong năm 2022, với tinh thần “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, Sở cùng các địa phương cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về TN&MT còn một số tồn tại: Việc lập Phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai thời kỳ 2021-2030, phân khai chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; tham mưu phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030 chậm tiến độ, phải đôn đốc nhiều lần; triển khai, thực hiện Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) tỉnh Long An không bảo đảm thời gian; việc thẩm định nhu cầu sử dụng đất chưa sát với nhu cầu thực tế dẫn đến tình trạng tách thửa, phân lô, bán nền, hình thành các khu dân cư tập trung không bảo đảm về vệ sinh môi trường, hạ tầng giao thông, phòng cháy, chữa cháy; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn hạn chế; tình trạng ô nhiễm môi trường tại Cụm công nghiệp Hoàng Gia và Cụm chỉnh trang Đức Hòa Hạ, Đức Hòa Đông (huyện Đức Hòa) chưa được giải quyết triệt để; chất thải rắn vẫn chưa được thu gom triệt để;...

Ông Võ Minh Thành nhấn mạnh, năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng, tạo đà, tạo lực cho những năm tiếp theo để hoàn thành thắng lợi trong triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh và Đại hội XIII của Đảng. Tỉnh ủy xác định nhiệm vụ trọng tâm năm 2023: Tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế bền vững; huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực để triển khai hiệu quả các chương trình đột phá, công trình trọng điểm. Kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh.

Đẩy mạnh cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường xã hội hóa trên các lĩnh vực; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững quốc phòng, an ninh, bảo đảm các hoạt động đối ngoại. Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; phát huy dân chủ và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Tỉnh ủy và hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu mà UBND tỉnh đề ra, ngành TN&MT phát huy tinh thần đoàn kết, nâng cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm khắc phục các tồn tại, hạn chế; đồng tâm hiệp lực tập trung thực hiện hoàn thành 60/60 nhiệm vụ mà ngành đề ra trong năm 2023. Trong đó, tập trung vào 8 nhiệm vụ, phương hướng chủ yếu:

Thứ nhất, khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế, nhất là trong việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, phấn đấu không còn tình trạng hồ sơ trễ hẹn và dư luận phản ánh của các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính của ngành TN&MT.

Thứ hai, kịp thời rà soát, sửa đổi, tham mưu ban hành mới các cơ chế, chính sách lĩnh vực TN&MT, nhất là các chính sách liên quan bồi thường, hỗ trợ tái định cư, quản lý đất đai, xử lý chất thải rắn.

Thứ ba, triển khai, thực hiện quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025 đồng bộ, thống nhất với quy hoạch tỉnh và các quy hoạch chuyên ngành theo hướng công khai, minh bạch, dễ tiếp cận.

Thứ tư, hoàn thành chỉnh lý biến động các hồ sơ tồn đọng và kịp thời chỉnh lý biến động đối với các hồ sơ mới phát sinh; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án tổng thể đo đạc bản đồ địa chính và cơ sở dữ liệu địa chính trên địa bàn tỉnh theo hướng chính xác, phù hợp với thực tế; phấn đấu đến hết năm 2023 bước sang năm 2024, tỉnh có cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính hoàn thiện, đồng bộ và thống nhất.

Thứ năm, tập trung phối hợp các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, trong đó, tập trung các dự án thuộc công trình trọng điểm, chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 như Đường tỉnh (ĐT) 830E, ĐT823D, ĐT822B, đường Vành đai 3 và các dự án trọng điểm phát triển kinh tế như Khu công nghiệp Nam Tân Tập, Khu công nghiệp IDICO Thủ Thừa; đồng thời, rà soát chọn những dự án còn vướng mắc kéo dài để tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ, giải quyết dứt điểm. Phấn đấu năm 2023, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tái định cư cho người dân đạt trên 95%. Huy động mọi nguồn lực tạo quỹ đất sạch; phối hợp các ngành, địa phương hoàn thành việc cắm mốc đất công, từ đó, xác định kế hoạch quản lý, khai thác, sử dụng quỹ đất công trên địa bàn tỉnh theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, phục vụ tích cực cho sự phát triển KT-XH của tỉnh.

Thứ sáu, tập trung kêu gọi thu hút đầu tư nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt theo công nghệ đốt, phát điện đúng lộ trình quản lý và sử dụng chất thải rắn theo Kế hoạch số 3558/KH-UBND, ngày 04/11/2021 của UBND tỉnh. Đẩy mạnh tuyên truyền và nhân rộng mô hình phân loại rác tại nguồn, phấn đấu đến cuối năm 2023, thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt khu vực nông thôn đạt 80%.

Tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm trên địa bàn tỉnh, trong đó, tập trung vào các khu, cụm công nghiệp và các doanh nghiệp có nguồn thải lớn, Cụm công nghiệp Hoàng Gia và 2 cụm chỉnh trang Đức Hòa Hạ, Đức Hòa Đông; tăng cường quan trắc nước mặt, không khí, phấn đấu trong năm không xảy ra điểm nóng về ô nhiễm môi trường.

Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, sửa đổi, tham mưu ban hành mới các cơ chế, chính sách trên lĩnh vực tài nguyên và môi trường, nhất là các chính sách liên quan bồi thường, hỗ trợ tái định cư, quản lý đất đai, xử lý chất thải rắn (Trong ảnh: Người dân nhận tiền bồi thường trong Dự án Giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để bố trí tái định cư Đường tỉnh 830E và phát triển khu đô thị)

Thứ bảy, hoàn thành việc đóng cửa mỏ và đưa ra bán đấu giá đất mặt nước các hầm đất đã khai thác xong. Tăng cường phối hợp địa phương trong việc thanh, kiểm tra, không để xảy ra hiện trạng khai thác không phép, không đúng giấy phép. Phối hợp các ngành có liên quan kiểm soát chặt chẽ trữ lượng khai thác. Phấn đấu hoàn thành việc đóng bít (trám lấp) các giếng khoan đối với các khu vực có đường cấp nước mặt tập trung đi qua theo Chỉ thị số 10/CT-UBND, ngày 09/5/2016 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý khai thác tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn tỉnh. Tăng cường phối hợp địa phương, không để xảy ra trường hợp khoan giếng không phép hoặc không đúng giấy phép.

Thứ tám, tập trung thanh, kiểm tra trên lĩnh vực TN&MT, nhất là lĩnh vực đất đai, trong đó, tập trung thanh tra đối với trường hợp doanh nghiệp chậm đưa đất vào sử dụng, kiên quyết xử lý nghiêm đối với trường hợp vi phạm, không để xảy ra tình trạng sử dụng không hiệu quả, lãng phí tài nguyên đất đai./.

Châu Sơn

Chia sẻ bài viết