Người dân thu gom rác sinh hoạt
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Nguyễn Tân Thuấn, hiện nay, trên địa bàn tỉnh, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 870 tấn/ngày. Trong đó, Nhà máy Xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa đóng tại huyện Thạnh Hóa tiếp nhận xử lý bằng phương pháp đốt khoảng 300-350 tấn/ngày; phần còn lại xử lý tại địa phương, một phần chuyển đến TP.HCM để xử lý. Riêng rác thải sinh hoạt vùng nông thôn, người dân tự thu gom, đổ tại hố chôn trong vườn nhà và đốt.
Dự báo trong thời gian tới, lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng do quá trình phát triển công nghiệp. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh nói trên chưa được phân loại tại nguồn cũng như trên địa bàn các huyện chưa bố trí trạm trung chuyển.
Theo quy định tại khoản 4, Điều 77 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020: “Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải sử dụng thiết bị, phương tiện được thiết kế phù hợp đối với từng loại chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Việc vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải thực hiện theo tuyến đường, thời gian quy định của UBND cấp tỉnh”.
Để công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đi vào nề nếp, ngày 02/6/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 22 về việc ban hành Quy định thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, gồm 4 chương, 16 điều.
Quy định được ban hành đã nêu cụ thể nhiều nội dung. Trong đó, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân, cơ quan, tổ chức được phân loại theo các nguyên tắc: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; các loại chất thải rắn sinh hoạt còn lại. Tiêu chí phân loại “đạt” khi thành phần chất thải thực phẩm hoặc thành phần chất thải rắn sinh hoạt khác lẫn dưới 10% khối lượng chất thải khác nhóm trong danh mục nhóm chất thải phân loại theo quy định.
Đối với điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải bố trí 3 khu vực/thùng chứa khác nhau để lưu giữ các loại chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại, bảo đảm không để lẫn các loại chất thải đã được phân loại với nhau. Điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định.
UBND tỉnh cũng quy định tuyến đường, thời gian thu gom, vận chuyển và địa điểm xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. UBND cấp huyện căn cứ điều kiện thực tế của mỗi địa phương để quy định cụ thể, chi tiết về tuyến đường, thời gian vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với hiện trạng và bảo đảm không ngoài quy định của UBND tỉnh.
Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đến điểm tập kết trong khoảng thời gian do UBND cấp huyện hoặc UBND cấp xã (được UBND cấp huyện ủy quyền) quy định, sử dụng loa, chuông hoặc hình thức thông báo khác đã thỏa thuận với UBND cấp xã khi đến lấy chất thải rắn sinh hoạt.
Chủ cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải sử dụng phương tiện thu gom, vận chuyển đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định. Tùy thuộc vào thực tế về hiện trạng giao thông tại khu vực phát sinh chất thải rắn sinh hoạt, chủ cơ sở thu gom, vận chuyển bố trí các phương tiện thu gom, vận chuyển cho phù hợp,...
UBND cấp huyện hoặc ủy quyền UBND cấp xã chủ trì, phối hợp chủ cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt và tổ trưởng tổ dân phố, khu phố, ban quản lý chung cư, trưởng ấp xác định địa điểm và tần suất thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với hiện trạng, bảo đảm theo quy định.
Với chất thải rắn sinh hoạt có khả năng tái sử dụng, tái chế thì các hộ gia đình, cá nhân chủ động thời gian, địa điểm thu gom và chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển.
Theo quy định, chất thải thực phẩm ở khu vực đông dân cư và trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp thì tần suất thu gom, vận chuyển tối thiểu 1 ngày/lần; đối với khu vực thưa dân cư, tần suất thu gom, vận chuyển tối thiểu 2 ngày/lần. Còn chất thải rắn sinh hoạt khác có thể thu gom với tần suất tối thiếu 3 ngày/lần hoặc lâu hơn, tùy điều kiện từng địa phương và khối lượng rác phát sinh.
UBND cấp huyện hoặc UBND cấp xã (được UBND cấp huyện ủy quyền) căn cứ điều kiện thực tế của địa phương để quy định cụ thể, chi tiết về địa điểm và tần suất thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với hiện trạng và bảo đảm không ngoài quy định của UBND tỉnh.
Hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm đưa chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại đến điểm thu gom theo quy định hoặc chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; chi trả chi phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo đúng quy định của pháp luật hiện hành; tham gia hoạt động bảo vệ môi trường tại cộng đồng dân cư;...
Cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có trách nhiệm bố trí thiết bị, công trình lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với từng loại chất thải theo quy định; chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; có trách nhiệm ký hợp đồng dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt;...
Chủ cơ sở thu gom, vận chuyển phải báo cáo định kỳ hàng năm hoặc yêu cầu đột xuất về tình hình thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện và UBND cấp xã (được UBND cấp huyện ủy quyền)./.
Vũ Quang