Tiếng Việt | English

06/11/2020 - 08:29

Nâng cao vai trò của Công đoàn trong đối thoại tại doanh nghiệp

Thời gian qua, Công đoàn (CĐ) đóng vai trò hết sức quan trọng trong mọi cuộc đối thoại nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho công nhân, lao động (CNLĐ).

Từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đến nay, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung đã đối mặt với 2 đợt dịch Covid-19. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, có hàng ngàn doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thực trạng trên đã đặt ra cho các cấp CĐ một nhiệm vụ hết sức khó khăn, đó là phải đối thoại với người sử dụng lao động nhằm chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho đoàn viên, CNLĐ bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh.

Cán bộ Công đoàn bao giờ cũng là “cầu nối” trong mọi hoạt động

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh - Nguyễn Văn Quí cho rằng, muốn đối thoại mang lại kết quả, cán bộ CĐ phải sâu sát cơ sở, nắm bắt kịp thời tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và việc thực hiện chế độ, chính sách đối với CNLĐ để có giải pháp phối hợp giải quyết kịp thời; thường xuyên gần gũi, liên hệ mật thiết với đoàn viên, CNLĐ, phát huy vai trò tập thể trong việc đối thoại, thương lượng; tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt là Bộ luật Lao động năm 2019 cho cả CNLĐ và người sử dụng lao động để CNLĐ tự bảo vệ mình trước khi được CĐ bảo vệ. CĐ các cấp phải tăng cường giúp đỡ, tư vấn cho cán bộ CĐ cơ sở về quy trình, kỹ năng thương lượng, tập trung vào các chế độ, chính sách liên quan đến CNLĐ như chế độ tiền lương, thưởng, bảo hiểm, thời gian làm việc,...

Nâng cao vai trò của Công đoàn trong đối thoại tại doanh nghiệp

Trực tiếp đối thoại với chủ doanh nghiệp, đề nghị doanh nghiệp và vận động, tuyên truyền CNLĐ thực hiện tốt các quy định về việc làm và tiền lương của CNLĐ trong thời gian bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nếu trường hợp doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, bắt buộc phải lựa chọn thì việc lựa chọn đối tượng CNLĐ nào ở lại làm việc và phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương, chấm dứt hợp đồng lao động và các chính sách, quyền lợi của CNLĐ chưa bao giờ là công việc dễ dàng với các cán bộ CĐ. Chủ tịch CĐ cơ sở Công ty (Cty) TNHH JiaHsin - Lâm Cẩm Hà trăn trở: “Mong mỏi lớn nhất của người làm CĐ là làm chiếc “cầu nối” giữa doanh nghiệp và CNLĐ, làm sao để góp phần giúp doanh nghiệp ngày càng phát triển và đời sống CNLĐ ngày càng tốt hơn”.

Theo Chủ tịch CĐ cơ sở Cty TNHH Giầy ChingLuh Việt Nam - Nguyễn Văn Khải: “Công tác đối thoại tại các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã có tác động trực tiếp đến tình hình quan hệ lao động tại các doanh nghiệp trong thời kỳ khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Nhiều doanh nghiệp dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn chấp nhận các phương án đề xuất của CĐ cơ sở với mục đích cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng sa thải CNLĐ”.

Thực tế đã chứng minh, nếu giữa người sử dụng lao động và người lao động có mâu thuẫn thì trước hết phải thông qua đối thoại, thương lượng tập thể để giải quyết. Đây chính là bước tiếp cận nhằm cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập, đời sống của CNLĐ. Thông qua đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể nhằm đưa ra các điều khoản có lợi cho CNLĐ,... Những điều đó đòi hỏi CĐ không ngừng nâng cao vai trò của mình trong các cuộc đối thoại, thương lượng đột xuất nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết