Tiếng Việt | English

24/10/2020 - 16:05

Ngăn chặn thông tin xấu độc trước thềm Đại hội Đảng XIII

Mỗi người dân, mỗi cán bộ đảng viên nhận rõ bản chất của các thế lực thù địch; những phương thức, cách thức chúng đấu tranh chống lại sự nghiệp cách mạng của ta trong Đại hội Đảng lần này.

Càng gần đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các thông tin xấu độc ngày càng xuất hiện nhiều trên các trang mạng xã hội. Thế lực thù địch liên tục tung tin thất thiệt hòng chia rẽ lòng tin, bôi nhọ uy tín và xuyên tạc tình hình Việt Nam. Trong đó, nổi lên là thủ đoạn xuyên tạc công tác nhân sự của Đại hội XIII. Sắp "ghế" theo kiểu thông tin vỉa hè hòng chia rẽ, gây mâu thuẫn nội bộ và lung lạc lòng tin của người dân với Đảng.  

Lĩnh vực mà những kẻ cơ hội và thế lực thù địch ưa thích xuyên tạc, bóp méo trước thềm Đại hội XIII đó là: tung tin giả mạo, thất thiệt về công tác chuẩn bị nhân sự của Đảng. Trên các trang tin hải ngoại như BBC, VOA Tiếng Việt, Đài Châu Á Tự do RFA, mạng xã hội Facebook, các cây bút tự xưng là nhà báo, blogger tung ra rất nhiều bài viết sắp đặt đồng chí lãnh đạo A, đồng chí lãnh đạo B vào vị trí tứ trụ; đồng chí lãnh đạo C, D vào Bộ Chính trị. Chúng đặt tiêu đề những bài viết theo kiểu lấp lửng, phủ định: Đại hội XIII có vì lợi ích người dân? Vì sao nhiều lãnh đạo Hà Nội không còn trong Ban chấp hành Đảng bộ?... hòng gieo mầm mống nghi ngờ đối với người dân, cộng đồng xã hội.

Các đại biểu dự Đại hội đại biểu Thành phố Hà Nội biểu quyết thông qua số lượng uỷ viên Ban Chấp hành khoá XVII.

Các đại biểu dự Đại hội đại biểu Thành phố Hà Nội biểu quyết thông qua số lượng uỷ viên Ban Chấp hành khoá XVII.

Đề cập nỗ lực đấu tranh trên không gian mạng, ngăn chặn thông tin xấu độc trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, phóng viên VOV trao đổi với PGS-TS, Đại tá Đỗ Cảnh Thìn, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học, quản lý và quản trị an ninh phi truyền thống Đại học quốc gia Hà Nội.

PV: Thưa Đại tá Đỗ Cảnh Thìn, qua những thông tin trên, chúng ta thấy rằng, đây là thủ đoạn không mới, vẫn chỉ là “bổn cũ soạn lại” của các thế lực xấu, chống phá chế độ ta. Nhưng vì sao chúng vẫn xuất hiện với mật độ ngày càng nhiều trên các trang mạng xã hội của nước ta thời điểm này?

Đại tá Đỗ Cảnh Thìn: Chúng tôi hoàn toàn đồng ý, đây là những “bổn cũ soạn lại”. Những phương thức thủ đoạn và cách thức chống phá của các thế lực thù địch không có gì mới. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng, vào những thời điểm đất nước ta có các sự kiện chính trị hoặc sự kiện về văn hóa, thể thao, hay sự kiện nào đó xảy ra. Đặc biệt, trong dịp chúng ta tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII... Đây cũng là một cơ hội để các đối tượng, các thế lực thù địch, các phần tử phản động bất mãn, hoặc cơ hội chính trị tăng cường chống phá sự thành công của Đại hội.

Mục đích cao nhất của các đối tượng này là làm nhiễu loạn, bất ổn xã hội, dẫn đến suy yếu thể chế chính trị và vai trò lãnh đạo của Đảng đối với xã hội, đối với đất nước và sự nghiệp cách mạng của chúng ta.

PV: Thực chất đó là những tin bóp méo sự thật một cách trắng trợn với những kiểu dàn dựng, bịa đặt ngày càng tinh vi hơn hòng gây mất đoàn kết và bất ổn trong xã hội. Ông có thể phân tích rõ những thủ đoạn nguy hiểm mà các thế lực thù địch thường sử dụng trên không gian mạng để chống phá Nhà nước ta?

Đại tá Đỗ Cảnh Thìn: Với bản chất của các đối tượng, các thế lực thù địch cũng như các đối tượng, các phần tử cơ hội chính trị và phản động, chúng không bao giờ thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng ta đối với sự nghiệp cách mạng và thể chế chính trị. Các đối tượng này cũng không bao giờ vui mừng trước những thành công, những thành tựu của đất nước chúng ta. Vì vậy, mục tiêu không thay đổi của chúng là chống phá, làm suy yếu sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp cách mạng và sự phát triển đất nước.

Cho nên, lợi dụng không gian mạng với đặc tính lan truyền nhanh, đến mọi ngóc ngách của đời sống xã hội và tác động trực diện đến các đối tượng tiếp cận thông tin trong thời kỳ chúng ta đang tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Sự kiện này, liên quan đến cán bộ, nhân sự và đến tầm vóc, uy tín của Đại hội và đường hướng phát triển kinh tế, xã hội đất nước trong những năm tới. Theo đó, các đối tượng thường dùng rất nhiều thủ đoạn vu khống, vu cáo, xuyên tạc, bóp méo sự thật, thổi phồng sự kiện, bình luận ác ý và cài đặt ý đồ, những thông tin rất xấu, lập lờ làm cho người tiếp cận thông tin không biết đâu là sự thật, hoang mang dao động, thậm chí mất niềm tin vào đội ngũ lãnh đạo của Đảng và đường lối, chính sách của Đảng và bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như là bản chất tốt đẹp chế độ CNXH.

Hiện nay, một trong những phương thức mà các đối tượng cho rằng, hiệu quả nhất chính là sử dụng không gian mạng. Bởi, hiện chúng ta có gần 100 triệu dân và số người sử dụng điện thoại thông minh và sử dụng các phương tiện, thiết bị, sử dụng mạng xã hội chiếm một tỷ lệ rất cao, lên đến gần 70.000.000 thuê bao có sử dụng mạng xã hội. Đây chính là một kênh đối tượng triệt để lợi dụng để truyền tải những thông tin xấu độc để chống phá.

PV: Ngay sau khi hội nghị Trung ương XIII khai mạc, nhóm Việt Tân đã đăng tải một clip mang tên là "Tiết lộ danh sách ứng viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư sẽ đưa ra tại hội nghị XIII". Chúng cũng dùng nhiều tài khoản giả mạo khác nhau để đẩy clíp này và nhiều thông tin xuyên tạc khác về công tác nhân sự của Đại hội trên FaceBook hòng gây nhiễu loạn thông tin trước thềm đại hội. Theo ông, hành vi của chúng còn nhằm tới những tính toán nào khác?

Đại tá Đỗ Cảnh Thìn: Ngoài việc chúng gây chia rẽ và hoài nghi trong nội bộ, điều mà chúng ta vẫn khẳng định chính là các đối tượng dựng nên một hình ảnh, một tổ chức Đảng của chúng ta là một mớ hỗn độn, là những cá nhân tiêu cực, những người không đủ phẩm chất, năng lực và những nhóm lợi ích, chứ không phải là một tổ chức cách mạng tiên phong, có bản lĩnh, trí tuệ, có tầm nhìn, có trách nhiệm, có đạo đức có văn minh để lãnh đạo quốc gia dân tộc tiến lên văn minh hiện đại.

Đại tá, PGS Đỗ Cảnh Thìn

Đại tá, PGS Đỗ Cảnh Thìn

Những ý kiến sắp đặt cán bộ, những danh sách nhân sự mà các đối tượng đưa ra hầu hết là đoán mò. Bởi vì, quá trình tổ chức Đại hội Đảng các cấp cũng như Đại hội toàn quốc là rất chặt chẽ, công khai minh bạch, bài bản, khoa học và tiến bộ để làm sao đạt được mục đích cao nhất là chọn được người có đức, có tài, có tầm nhìn, có trí tuệ, bản lĩnh tham gia vào việc lãnh đạo trong các tổ chức của Đảng. Qua đó, lãnh đạo sự phát triển kinh tế đất nước.

Nhưng các đối tượng ở nước ngoài, hoặc đôi khi chỉ là những thông tin bên lề, từ đó, các đối tượng tạo dựng ra những thông tin như: ai vào vị trí này, người này vào vị trí kia,.... Điều ấy, những người tỉnh táo để nhận rằng, đây là những ý đồ, những âm mưu rất xấu và không có căn cứ. Bởi, đây chỉ là sự gây nhiễu loạn mà thôi.

PV: Thưa đại tá Đỗ Cảnh Thìn, trong bối cảnh thế lực thù địch coi mạng xã hội là công cụ, theo ông, làm thế nào để giúp người dân phân biệt đâu là những thông tin xấu độc để người dân không đặt niềm tin nhầm chỗ ?

Đại tá Đỗ Cảnh Thìn: Trước khi nói về việc người dân cần phải làm thế nào phân biệt đượì thông tin nào là sự thật, tránh bị dẫn dắt bởi những thông tin sai trái, xấu độc của các thế lực thù địch, cũng như các phần tử phản động. Chúng ta cũng cần phải thấy rằng, các phương thức, nội dung chủ yếu các đối tượng thù địch nhằm vào chống phá trong dịp Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng như trong sự nghiệp cách mạng là phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin bằng nhiều cách khác nhau.

Thứ hai, chúng đánh phá vào tư tưởng Hồ Chí Minh, các luận điệu, thông tin hoàn toàn sai lệch và có ý đồ xấu.

Thứ ba, là chúng chống phá các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực.

Từ nhận thức đó, tôi cho rằng, mỗi người chúng ta trước hết nêu cao tinh thần cảnh giác, chúng ta không dễ bị dẫn dắt bởi những thông tin sai lệch. Chúng ta cũng cần phải nhận ra vấn đề, bản chất cách mạng của Đảng ta, sự phát triển của đất nước, những hiện tượng tiêu cực, những vấn đề tồn tại trong xã hội là một điều tất yếu của quá trình phát triển của bất cứ quốc gia, dân tộc nào.

Và điều nữa mà tôi cho rằng, khi có những thông tin liên quan trên mạng xã hội, hoặc trên mạng internet, chúng ta cần phải biết phân tích, vì sao họ có những thông tin đó, những thông tin đó nó đúng đến đâu, cái gì là bình luận ác ý, xuyên tạc, nói sai bản chất,... Một điều nữa, tôi cho rằng, chúng ta cần phải tiếp cận được thông tin chính thống, mang tính tích cực, khoa học thay vì chúng ta chìm đắm, tìm tòi những thông tin trái chiều và những người chưa hiểu, chưa rõ thì chúng ta cần vạch rõ, để tránh đi sự lầm lạc về nhận thức.

PV: Thưa đại tá Đỗ Cảnh Thìn, ông có đánh giá như thế nào về vai trò của báo chí trong việc cung cấp thông tin chính thống?

Đại tá Đỗ Cảnh Thìn: Tôi cho rằng, trên không gian mạng, các cơ quan báo chí phải làm chủ trận địa thông tin. Chúng ta phải thấu suốt, nắm chắc quan điểm chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về các vấn đề phát triển KT-XH, về đối nội, đối ngoại. Qua đó, những thông tin nào sai lệch, chúng ta cần phải nhận diện. Khi ta không nhận diện được thì không thể chủ động, có biện pháp đấu tranh.

Một vấn đề nữa là chúng ta phải tích cực truyền tải những thông tin chính thống, đúng đắn, tích cực, tiến bộ đến các đối tượng tiếp nhận thông tin thay vì chúng ta bị động, lúng túng. Chúng ta chủ động vạch mặt, đấu tranh, vạch trần những điều sai trái, sự giả dối, những âm mưu thâm độc để cho người tiếp cận thông tin đó hiểu rõ bản chất của vấn đề. Đối với người đọc, người nghe, người xem và những người tiếp cận thông tin, các cơ quan báo chí và truyền thông cần tích cực lan truyền thông tin một cách trung thực, đúng đắn, kịp thời để tạo nên sự đồng thuận trong xã hội. Qua đó, tạo sức đề kháng trước các thông tin xấu độc.  

PV: Trong bối cảnh đất nước đang chuẩn bị bước vào những sự kiện lớn, trong đó có Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII thì theo ông, người dân cần phải lưu ý những điều gì nếu họ tiếp cận với thông tin xấu, độc?

Đại tá Đỗ Cảnh Thìn: Qua theo dõi và nghiên cứu, tôi thấy dù những khó khăn về kinh tế-xã hội vẫn còn, những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, những vấn đề liên quan đến dịch bệnh vẫn còn nhưng lòng tin của người dân vào Đảng và Nhà nước, thể chế chính trị luôn được củng cố và nâng cao.

Tuy nhiên, thông tin xấu độc trên internet và mạng xã hội cũng đang gia tăng với tốc độ rất lớn do các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị tiến hành. Hơn lúc nào hết, người dân cần tỉnh táo, đề cao trách nhiệm công dân. 

Thứ hai, mỗi người chúng ta cần phải nắm bắt tình hình KT-XH, những thành tựu và cả những khó khăn mà chúng ta đối mặt, những nỗ lực của Đảng, Nhà nước, các ngành, các cấp và nhân đang vượt qua. Chính những việc làm này, vừa ngăn chặn sự lan truyền thông tin xấu độc của các thế lực thù địch vừa tạo cho chúng ta có một nền tảng tư tưởng, nền tảng nhận thức, nền tảng văn hóa lành mạnh giúp chúng ta có tư duy tích cực.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết