Tiếng Việt | English

12/05/2018 - 09:19

Ngân hàng - doanh nghiệp cần nâng cao hiệu quả kết nối

Để giải quyết bài toán ngân hàng (NH) thừa vốn, doanh nghiệp (DN) thiếu vốn, chương trình kết nối NH - DN tại Long An được thực hiện từ năm 2014 đến nay. Hiện nay, phần lớn vốn vay của DN đều dựa vào NH. Chính vì thế, giữa 2 bên cần có sự kết nối hiệu quả, hỗ trợ lẫn nhau để cùng hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Lãnh đạo tỉnh chứng kiến ký kết kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp

Lãnh đạo tỉnh chứng kiến ký kết kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp

Phải có sự kết nối

Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh Long An - Đào Văn Nghiệp cho rằng: “Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tập trung chỉ đạo các NH thương mại trên địa bàn chủ động tìm kiếm khách hàng, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ tín dụng với lãi suất hợp lý cho từng khách hàng đang hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, NHNN minh bạch thông tin tín dụng, công khai trên các trang thông tin về quy trình, thủ tục, hồ sơ, thời gian cung cấp dịch vu, lãi suất,... Đồng thời, NHNN còn thông qua đối thoại trực tiếp giữa NH - DN để lắng nghe ý kiến của các bên, từ đó có biện pháp tháo gỡ khó khăn. Quan điểm của NHNN là tập trung nguồn vốn hỗ trợ, làm cho đồng vốn NH đến với tất cả thành phần kinh tế”.

Giám đốc NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Long An (BIDV Long An) - Võ Minh Dũng thông tin: Quí I/2018, huy động vốn của BIDV Long An đạt hơn 3.800 tỉ đồng, quy mô dư nợ tín dụng đạt hơn 3.600 tỉ đồng. Để hỗ trợ khách hàng, BIDV Long An triển khai nhiều gói sản phẩm cho vay với lãi suất hợp lý: Gói sản xuất, kinh doanh; gói 15.000 tỉ đồng dành cho khách hàng DN nhỏ và vừa; gói 4.000 tỉ đồng dành cho DN khởi nghiệp và siêu nhỏ. BIDV Long An luôn mong muốn đồng hành cùng DN, giúp DN tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý để duy trì, phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nguồn vốn tín dụng NH được xem là yếu tố quan trọng bảo đảm hoạt động của DN được liên tục, tập trung vốn sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh. Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Bảo tồn Phát triển giống gà tre Chấn Phong (phường 5, TP.Tân An) - Lương Minh Quang cho rằng: “Đa số DN nhỏ, tổ hợp tác đều gặp khó khăn trong giai đoạn đầu khởi sự kinh doanh cũng như trong quá trình duy trì hoạt động và phát triển, mở rộng quy mô. Trong khi đó, việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, nhất là vốn ưu đãi còn hạn chế. Nguyên nhân, DN, HTX thường có quy mô nhỏ, vốn sở hữu và năng lực tài chính hạn chế, thiếu tài sản bảo đảm cho khoản vay theo quy định có giá trị thấp. HTX Chấn Phong hoạt động sản xuất trên lĩnh vực nông nghiệp nên luôn có rủi ro. Ở lĩnh vực chăn nuôi có nguy cơ dịch bệnh, điều kiện thời tiết thay đổi thất thường, đòi hỏi phải đầu tư trang trại chăn nuôi và thiết bị tốt cùng quy trình an toàn nên rất cần nguồn vốn trung và dài hạn từ NH”.

Tại Hội nghị kết nối NH - DN vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh cho rằng, nghịch lý hiện nay diễn ra là NH thừa vốn, DN thiếu vốn. Vấn đề đặt ra là sớm tháo gỡ khó khăn thực tại, làm sao giữa NH - DN có sự cộng sinh, tương tác, hỗ trợ nhau cùng phát triển, góp phần cùng tỉnh thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.

Khó khăn thực tại

Giám đốc HTX Thanh long Tầm Vu (huyện Châu Thành) - Trương Quang An cho rằng, thực tế, HTX còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn NH. Trong đó có nguyên nhân về thủ tục vay vốn NH, tài sản thế chấp, tỷ lệ vốn huy động của các thành viên HTX chưa đáp ứng đủ điều kiện của NH. Khó vay vốn NH nên không ít DN, HTX phải tìm đến nguồn vốn vay bên ngoài với lãi suất cao khiến chi phí gia tăng và đội giá thành, sản phẩm giảm sức cạnh tranh.

Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - Võ Quan Huy chia sẻ: “Chủ trương từ các NH là cho DN vay vốn nhưng để thực hiện vô cùng khó khăn. Việc định giá tài sản bảo đảm hiện quá thấp so với giá đất thực tế. Điều này khiến DN không đủ vốn dành cho sản xuất. Bên cạnh đó, DN do tôi làm chủ hoàn toàn ứng dụng công nghệ cao, nhưng Nhà nước vẫn chưa có những quy định cụ thể nào về chuẩn mực cho sản xuất công nghệ cao. Đây cũng là khó khăn thực tại khiến tôi không thể vay vốn ưu đãi trong sản xuất công nghệ cao. Theo tôi, muốn tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp bền vững, phải tháo gỡ những khó khăn đang diễn ra giữa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực NH để DN, nông dân tiếp cận được vốn”.

Còn Giám đốc HTX Thuận Bình (huyện Thạnh Hóa) - Bùi Văn Khắp cho rằng: “Việc định giá tài sản hiện khá thấp. NH nên nghĩ đến việc cho khách hàng vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, không phải để đến đường cùng là siết đất, tài sản”.

Chủ động từ hai phía

Làm sao giải quyết được bài toán khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng, NH? Giải quyết được vấn đề này để tạo thêm động lực về tài chính cho DN, từ đó, họ có thể mở rộng quy mô sản xuất, gia tăng sức cạnh tranh.

Về phía DN, HTX, hộ kinh doanh cá nhân cần nâng cao năng lực quản trị điều hành, minh bạch tài chính, dòng tiền, xây dựng phương án kinh doanh khả thi, thị trường tiêu thụ. “Riêng vấn đề DN phản ánh về định giá tài sản, NHNN sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng có phương án định giá tốt hơn căn cứ theo giá đất thay đổi hàng năm của tỉnh kết hợp giá thị trường để tăng khả năng tiếp cận vốn cho khách hàng” -  Giám đốc NHNH Chi nhánh Long An - Đào Văn Nghiệp thông tin./.

Gia Hân

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích