Tiếng Việt | English

14/08/2019 - 17:44

Ngành giáo dục đặt hàng loạt nhiệm vụ trong năm học mới 2019-2020

Trước thềm năm học mới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đặt ra hàng loạt nhiệm vụ cho ngành như phát động phong trào học tiếng Anh, giải quyết dứt điểm tình trạng giáo viên hợp đồng, phê duyệt sách giáo khoa...

Năm học mới, ngành giáo dục sẽ có 9 nhiệm vụ trọng tâm. (Ảnh: PV)

Phát động phong trào học tiếng Anh để nâng cao trình độ ngoại ngữ; xử lý dứt điểm tình trạng giáo viên ký hợp đồng lâu năm mà không được tuyển dụng viên chức; trình Chính phủ đề án sáp nhập, giải thể các trường đại học và quy hoạch lại mạng lưới trường sư phạm... Đó là những nhiệm vụ mới Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đặt ra trong Chỉ thị về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2019-2020 của ngành giáo dục.

Phát động phong trào học tiếng Anh

Chất lượng dạy và học ngoại ngữ vẫn luôn là một trong những vấn đề nhức nhối của ngành giáo dục trong nhiều năm qua. Trong Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2019, ngoại ngữ vẫn tiếp tục là một trong những môn có kết quả thi bết bát nhất với 70% thí sinh điểm dưới trung bình.

Vì thế, nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo là một trong 9 nhiệm vụ được Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra trong năm học mới.

Theo đó, một trong những nhiệm vụ cụ thể là phát động phong trào học tiếng Anh trên cả nước cho các nhóm đối tượng người học, trước hết là phong trào “giáo viên và học sinh cùng học tiếng Anh”; xây dựng và phát triển môi trường học và sử dụng ngoại ngữ ở các cấp học và trình độ đào tạo.

Bên cạnh đó, các hoạt động nhằm đẩy mạnh học và dạy tiếng Anh từ những năm trước sẽ vẫn được Bộ tiếp tục duy trì như khuyến khích cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh, khuyến khích dạy tiếng Anh tự chọn cho học sinh lớp 1, 2; phát triển, bồi dưỡng nâng cao năng lực giáo viên, giảng viên tiếng Anh; đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá môn ngoại ngữ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học...

Thực hiện án sáp nhập, giải thể trường đại học

Trình Chính phủ đề án về sáp nhập, giải thể các trường đại học yếu kém, không thể để tình trạng chất lượng giáo dục đại học thấp, quy hoạch lại mạng lưới trường sư phạm là một trong những “đặt hàng” của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong năm học mới.

Thực hiện chỉ đạo này, năm học 2019-2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt nhiệm vụ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch xây dựng quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và đào tạo sư phạm giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045. Sau khi được ban hành, Bộ sẽ tổ chức thực hiện Đề án sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các cơ sở giáo dục đại học công lập và Đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm.

Bên cạnh quy hoạch lại hệ thống giáo dục đại học, sư phạm, ngành giáo dục tiếp tục đặt rà soát, quy hoạch, phát triển cơ sở giáo dục phổ thông trên cả nước là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm học mới. Trong đó có việc dự báo quy mô phát triển giáo dục, đề xuất và quy hoạch bố trí quỹ đất để xây dựng trường, xây dựng chơ chế chính sách phát triển nhóm trẻ tư thục và trường mầm non ở các địa bàn có khu công nghiệp.

Việc dồn các điểm trường lẻ, sáp nhập các cơ sở giáo dục có quy mô nhỏ tại địa phương, sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp thực hiện theo nguyên tắc tạo thuận lợi, bảo đảm quyền lợi học tập của học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục.

Bộ Giáo dục đặt mục tiêu nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong năm học mới. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Xử lý dứt điểm việc hợp đồng giáo viên nhiều năm

Vấn đề giáo viên hợp đồng hàng chục năm nhưng không được biên chế, viên chức chính thức, dẫn đến hàng loạt hệ lụy như việc giáo viên bất ngờ bị sa thải, hoang mang khi phải thi tuyển viên chức... cũng là một bất cập trong ngành giáo dục hiện nay. Tình trạng giáo viên viết đơn kêu cứu tới các cơ quan, bộ ngành tái diễn nhiều năm liên tục, ở nhiều địa phương trên cả nước.

Đây là vấn đề liên quan đến nhiều cơ quan quản lý nhà nước, vượt thẩm quyền, chức năng của riêng ngành giáo dục, là hệ lụy lịch sử từ nhiều năm trước.

Năm học 2019-2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt nhiệm vụ xử lý dứt điểm tình trạng này.

Theo đó, Bộ sẽ rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên bảo đảm quy định về định mức số lượng, chuẩn giáo viên đối với các cấp học; không để xảy ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, bảo đảm nguyên tắc ở “đâu có học sinh thì ở đó phải có giáo viên”. Các địa phương chủ động đặt hàng các trường sư phạm trong việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cho địa phương, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng.

Bên cạnh việc ổn định về số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ cũng là một yêu cầu được Bộ đặt ra trong năm học mới.

Cụ thể là việc thực hiện bồi dưỡng giáo viên, nhất là giáo viên lớp 1 và cán bộ quản lý giáo dục phục vụ cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bộ cũng yêu cầu các địa phương nâng cao đạo đức nhà giáo; giảm áp lực sổ sách cho giáo viên; khắc phục tình trạng dạy thêm trái quy định; đảm bảo các chế độ chính sách cho nhà giáo.

Chuẩn bị cho việc triển khai chương trình mới

Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai từ năm học 2020-2021, bắt đầu với lớp 1.

Vì thế, năm học 2019-2020, ngành đặt nhiệm vụ chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình mới.

Thứ nhất là về cơ sở vật chất, bổ sung xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo phòng học, các phòng chức năng, bếp ăn, nhà vệ sinh, công trình nước sạch và mua sắm bổ sung các thiết bị dạy học còn thiếu, trong đó chú trọng các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo.

Bộ sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhà vệ sinh và công trình nước sạch trong các cơ sở giáo dục; không đưa vào sử dụng các công trình trường, lớp học, nhà vệ sinh chưa bảo đảm an toàn theo quy định.

Thứ hai là sách giáo khoa. Trong năm học 2019-2020, Bộ tổ chức thẩm định và phê duyệt sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông mới, trước hết là sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6, đồng thời tập huấn cho giáo viên, cán bộ quản lý sử dụng sách.

Bộ cũng sẽ chỉ đạo các địa phương biên soạn, thẩm định và tổ chức thực hiện nội dung giáo dục địa phương trong chương trình giáo dục phổ thông mới; ban hành Thông tư quy định lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông để các địa phương tổ chức việc lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với kế hoạch giáo dục và điều kiện thực tiễn, bảo đảm công khai, minh bạch.

Ngoài ra, trong năm học mới, ngành giáo dục cũng đặt mục tiêu đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên, bảo đảm an toàn trường học; nâng cao hiệu quả giáo dục dân tộc.

Ngành sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; phân cấp và thực hiện tự chủ với giáo dục đại học; hội nhập quốc tế và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết