Tiếng Việt | English

16/12/2021 - 19:27

Ngày 16/12: Việt Nam ghi nhận 15.270 ca nhiễm mới, 241 ca tử vong

Ngày 16/12, Việt Nam ghi nhận 15.270 ca nhiễm mới COVID-19, trong đó 15.267 ca ghi nhận trong nước tại 60 tỉnh, thành phố (có 9.888 ca trong cộng đồng), 241 ca tử vong.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho các trường hợp liên quan đến các ca F0 trên địa bàn phường Văn Miếu. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho các trường hợp liên quan đến các ca F0 trên địa bàn phường Văn Miếu. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Tính từ 16h ngày 15/12 đến 16h ngày 16/12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 15.270 ca nhiễm mới, trong đó 3 ca nhập cảnh và 15.267 ca ghi nhận trong nước tại 60 tỉnh, thành phố. Trong số này, có 9.888 ca trong cộng đồng.

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Cà Mau (1.339), Thành phố Hồ Chí Minh (1.175), Tây Ninh (932), Bình Phước (880), Đồng Tháp (795), Bến Tre (760), Cần Thơ (728), Khánh Hòa (598), Vĩnh Long (597), Bạc Liêu (516), Đồng Nai (479), Hà Nội (423), Trà Vinh (421), An Giang (387), Bình Định (338), Sóc Trăng (334), Tiền Giang (330), Hải Phòng (330), Hậu Giang (313), Bình Dương (275), Kiên Giang (267), Bà Rịa-Vũng Tàu (260), Thừa Thiên-Huế (253), Bắc Ninh (252), Đà Nẵng (212), Lâm Đồng (181), Quảng Ngãi (179), Thanh Hóa (157), Đắk Lắk (152), Bình Thuận (150), Gia Lai (128), Quảng Ninh (117), Quảng Nam (106), Lạng Sơn (95), Nghệ An (83), Phú Yên (75), Hà Giang (69), Long An (65), Thái Bình (52), Ninh Thuận (49), Quảng Bình (49), Hưng Yên (46), Thái Nguyên (39), Hòa Bình (34), Quảng Trị (31), Nam Định (29), Tuyên Quang (25), Sơn La (25), Đắk Nông (24), Phú Thọ (24), Vĩnh Phúc (21), Hà Nam (19), Bắc Giang (19), Hà Tĩnh (10), Lào Cai (7), Yên Bái (4), Kon Tum (4), Điện Biên (2), Bắc Kạn (2), Lai Châu (1).

Ngày 16/12/2021, Sở Y tế tỉnh Tây Ninh đăng ký bổ sung thông tin cho 18.792 ca nhiễm trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin tại Tây Ninh.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (-601), Bến Tre (-275), Sóc Trăng (-245).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bình Phước (+564), Cà Mau (+267), Hải Phòng (+214).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 15.269 ca/ngày.

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.493.237 ca nhiễm, đứng thứ 32/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 148/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 15.143 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.487.788 ca, trong đó có 1.061.644 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn, Lai Châu.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (491.610), Bình Dương (288.554), Đồng Nai (93.854), Tây Ninh (61.192), Long An (39.466).

Tình hình điều trị

(Số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý COVID-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế - cdc.kcb.vn)

Số bệnh nhân khỏi bệnh: Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 1.033 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi: 1.064.461 ca.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.852 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ (5.402 ca), Thở ô xy dòng cao HFNC (1.271 ca), Thở máy không xâm lấn (193 ca), Thở máy xâm lấn (967 ca), ECMO (19 ca).

Số bệnh nhân tử vong: Từ 17h30 ngày 15/12 đến 17h30 ngày 16/12 ghi nhận 241 ca tử vong.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh (65) trong đó có 7 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Long An (3), Tiền Giang (2), Đồng Nai (1), Tây Ninh (1).

Tại các tỉnh, thành phố khác: Đồng Nai (26), An Giang (20), Tây Ninh (19), Tiền Giang (15), Bình Dương (14), Cần Thơ (12), Đồng Tháp (10), Kiên Giang (10), Sóc Trăng (9), Bình Thuận (7), Vĩnh Long (6), Long An (5), Trà Vinh (4), Bạc Liêu (4), Bình Định (3), Bình Phước (3), Cà Mau (3), Bà Rịa - Vũng Tàu (2), Hà Nội (2), Quảng Ngãi (1), Khánh Hòa (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 239 ca.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 28.857 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 32/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 132/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 9/49 (xếp thứ 4 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).

Tình hình xét nghiệm

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 119.549 mẫu xét nghiệm cho 142.729 lượt người.

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 28.355.550 mẫu cho 71.914.717 lượt người.

Tình hình tiêm chủng

Trong ngày 15/12 có 501.084 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 135.736.968 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 75.215.180 liều, tiêm mũi 2 là 59.423.563 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vaccine Abdala) là 1.098.225 liều.

Những hoạt động của ngành y tế trong ngày

Bộ Y tế chuẩn bị báo cáo và tham dự cuộc họp trực tuyến với các địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì.

Bộ Y tế ban hành công văn gửi các cộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc phòng chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh. Theo đó, kể từ 1/1/2022, người nhập cảnh tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi COVID-19, xét nghiệm PCR âm tính sẽ cách ly tại nơi nhà 3 ngày...

Bộ Y tế có văn bản gửi các Hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng và phân phối oxy y tế tại Việt Nam về việc tăng cường sản xuất, cung ứng oxy y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Ngày 15/12, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp giao ban trực tuyến với lãnh đạo Sở Y tế và các Trung tâm hồi sức điều trị COVID-19 các tỉnh, thành phố phía Nam.

Thành phố Hồ Chí Minh: Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc đơn vị tại Thành phố Hồ Chí Minh (Trung tâm ICU TW Huế) đã chính thức được chuyển giao cho bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh để tiếp tục công việc tiếp nhận và điều trị những trường hợp bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch của Thành phố Hồ Chí Minh.

Thành phố Hà Nội: Hiện nay, do lượng khách sử dụng dịch vụ test nhanh giảm mạnh, tỷ lệ bao phủ vaccine lớn nên Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài đã thống nhất với đơn vị cung cấp dịch vụ tạm dừng triển khai việc test nhanh SARS-CoV-2 từ ngày 16/12. Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài cũng đưa ra khuyến cáo đối với khách hàng đi máy bay cần chủ động test nhanh SARS-CoV-2 tại các địa điểm được Bộ Y tế cấp phép, đồng thời nghiên cứu kỹ các quy định của Bộ GTVT và các giấy tờ theo quy định.

Một số kết quả phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam đến 15/12/2021

Đến ngày 15/12, thế giới ghi nhận gần 272 triệu ca mắc COVID-19, trên 5,3 triệu trường hợp tử vong. Về biến chủng Omicron, đã xuất hiện ở 4 châu lục và ít nhất 77 quốc gia và vùng lãnh thổ đã xác nhận các trường hợp biến chủng Omicron.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá Omicron là chủng đáng quan ngại do làm tăng nguy cơ tái nhiễm, có thể né tránh miễn dịch, khả năng lây lan nhanh hơn 3,2 lần so với chủng Delta. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng cho thấy biến chủng Omicron làm giảm hiệu quả của vaccine phòng COVID-19 cũng như chưa có bằng chứng tăng tỷ lệ nặng và tử vong.

Đến hết ngày 14/12/2021, cả nước đã tiêm được 135.202.794 liều. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Đến hết ngày 14/12/2021, cả nước đã tiêm được 135.202.794 liều. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Tại Việt Nam, đợt dịch thứ 4 đến ngày 15/12/2021, cả nước đã ghi nhận trên 1,4 triệu ca mắc, hơn 1 triệu người đã khỏi bệnh (72,8%), 28.500 ca tử vong. Đến nay, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, số ca mắc cộng đồng và tử vong tiếp tục có xu hướng gia tăng nhanh ở nhiều địa phương.

Về công tác tiêm chủng, vaccine phòng COVID-19

Đến ngày 14/12/2021, Việt Nam đã tiếp nhận gần 169 triệu liều vaccine phòng COVID-19, trong đó mua từ Ngân sách nhà nước hơn 80 triệu liều, từ các nguồn viện trợ/tài trợ: hơn 88 triệu liều.

Đến hết ngày 14/12/2021, cả nước đã tiêm được 135.202.794 liều, tỷ lệ sử dụng đạt 88% số vaccine phân bổ trong 103 đợt; Tỷ lệ tiêm chủng từ 18 tuổi trở lên là 127.570.019 liều (01 liều vaccine 96,8% và đủ 02 liều vaccine 80,3% dân số từ 18 tuổi trở lên và 1.059.436 liều mũi 3); từ 12 đến 18 tuổi tiêm được 7.632.755 liều (01 liều vaccine 65,8% và đủ 02 liều vaccine 17,8%). Tính trên toàn bộ dân số đã tiêm được 77% liều mũi 1; 60% liều mũi 2.

Từ đầu tháng 9/2021 đến tháng 12/2021, tốc độ tiêm chủng tại các địa phương tăng đáng kể (trung bình 1 ngày tiêm được từ 1-1,5 triệu liều vaccine và tốc độ tiêm vaccine của Việt Nam trong tháng 11/2021 đứng thứ 3 trên thế giới chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ).

Độ bao phủ vaccine, đến 14/12/2021, độ bao phủ vaccine đã tăng đáng kể (tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine cho dân số từ 18 tuổi trở lên là 96,8% tăng 3,9 lần so với tỷ lệ đến hết tháng 8/2021, tỷ lệ tiêm đủ 02 liều vaccine cho dân số từ 18 tuổi trở lên là 80,3% tăng 21,1 lần so với tỷ lệ đến hết tháng 8/2021. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine của Việt Nam/dân số xếp thứ 4 trong khu vực (sau Singapore và Campuchia, Brunei).

Mục tiêu của Tổ chức Y tế thế giới, 40% dân số của các quốc gia được tiêm đủ liều vaccine đến cuối năm 2021 và 70% dân số của các quốc gia được tiêm đủ liều vaccine đến giữa năm 2022. Đến nay, Việt Nam đã đạt trên 60% dân số được tiêm đủ liều vaccine, vượt 20% so với mục tiêu của Tổ chức Y tế thế giới trong năm 2021.

Về công tác điều trị và thuốc điều trị COVID-19

Bộ Y tế đã phân công 16 bệnh viện Trung ương hỗ trợ cho 11 tỉnh, thành phố về công tác điều trị, bao gồm cử bác sĩ, điều dưỡng, kiểm soát nhiễm khuẩn và cán bộ quản lý có kinh nghiệm chống dịch để tiếp tục hỗ trợ các tỉnh phía Nam có số ca nặng và tử vong cao. Các đơn vị hỗ trợ triển khai đánh giá tình hình, phối hợp với địa phương rà soát phương án thu dung điều trị, tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trực tiếp kết hợp hỗ trợ từ xa, tham gia điều trị người bệnh đồng thời đề xuất các phương án phù hợp trong phân tầng điều trị, phân loại nguy cơ và quản lý F0 tại nhà.

Đến nay, Bộ Y tế cơ bản đã đảm bảo đủ nhu cầu đối với các thuốc phòng chống dịch, đặc biệt là với 46 thuốc quy định tại Quyết định số 2626/QĐ-BYT ngày 28/5/2021 của Bộ Y tế.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong thời gian tới tiếp tục thực hiện các giải pháp sau:

Thường xuyên rà soát cập nhật các cấp độ dịch bám sát với thực tế tình hình dịch, trong trường hợp cần thiết tăng cường một số biện pháp phòng chống dịch theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT; Dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết; Tăng cường các biện pháp giám sát, truy vết phát hiện nhanh các trường hợp tiếp xúc với ca bệnh, cách ly F1 tại nhà, nơi lưu trú; Truyền thông nâng cao ý thức người dân Thực hiện triệt để 5K, truyền thông thống nhất nhận thức thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh phải dựa trên nguyên tắc “5K + vaccine, thuốc+biện pháp điều trị phù hợp+công nghệ+đề cao ý thức người dân” và các biện pháp khác...

Công tác tiêm chủng, vaccine phòng COVID-19: Các tỉnh, thành phố khẩn trương tổng rà soát đối tượng tiêm chủng trên địa bàn, khẩn trương đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng đảm bảo bao phủ đủ mũi cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên; Khẩn trương rà soát đối tượng, lập kế hoạch, đẩy nhanh việc tiêm liều bổ sung và liều nhắc theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế; Đề xuất nhu cầu vaccine và xây dựng kế hoạch tiêm chủng năm 2022-2023 đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương...

Công tác điều trị và thuốc điều trị COVID-19: Các địa phương triển khai tốt việc quản lý, chăm sóc F0 tại nhà; Huy động chính quyền cơ sở tham gia rà soát, phân loại nguy cơ người bệnh, tập trung vào các đối tượng nguy cơ cao. Thực hiện “chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ” như khẩn trương tiêm vaccine cho các đối tượng chưa tiêm đủ 2 mũi, nhất là đối tượng người cao tuổi, người mắc bệnh nền; Các Sở Y tế tăng cường kiểm tra giám sát quản lý F0 tại cộng đồng. Tăng cường đội y tế lưu động, huy động tổ dân phố, tình nguyện viên, khoảng 10.000 dân có một trạm y tế lưu động.

Nâng cao năng lực y tế cơ sở: Tiếp tục nhất quán thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về quan điểm “Y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng” nhằm nâng cao năng lực giám sát của hệ thống y tế dự phòng, năng lực chăm sóc, cấp cứu, điều trị, dự phòng, quản lý người bệnh của tuyến y tế cơ sở để ứng phó với tình hình dịch bệnh COVID-19.../.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết