Tiếng Việt | English

27/07/2017 - 01:20

Người anh hùng ấy bây giờ ra sao?

Ai từng đọc và từng gặp người anh hùng độc nhất vô nhị - “Người bị CIA cưa chân 6 lần” và các quyển sách “Bóc vỏ trái đất” của Mã Thiện Đồng cùng 2 tác phẩm “Hoa Đước đỏ” của Trần Đồng Minh và “Người giao liên tình báo” của Nguyễn Trần Thiết viết về Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Thiếu tá tình báo Nguyễn Văn Thương, chắc không khỏi bàng hoàng, kính phục, yêu thương lẫn day dứt.


Thiếu tá tình báo Nguyễn Văn Thương trong ngày sinh nhật lần thứ 80 được tổ chức muộn

Mới đó mà gần 10 năm, tôi được gặp ông và được ông nhận làm con gái với biết bao ân tình. Ngày đó, ông mới 70 tuổi, tóc chưa bạc, tác phong vẫn còn nhanh nhẹn, đôi mắt sáng có thần, diễn thuyết vẫn còn hùng hồn, linh hoạt lắm. Ông vẫn thường nhận lời mời đi nói chuyện “truyền lửa” cho nhiều cơ quan, đơn vị công an, bộ đội, trường học khắp nơi. Dù đôi chân giao liên tung hoành khắp các chiến trường bị kẻ thù tàn bạo khảo tra, cưa sống 6 lần lên tận bẹn nhưng sức sống mãnh liệt cùng niềm tin bất diệt vào lý tưởng cách mạng tiếp tục nâng bước ông đến mọi nẻo đường.

Ngày đó, được đi, được mời nói chuyện, gặp gỡ, giao lưu với thế hệ trẻ là niềm vui lớn dù phải đi xa, di chuyển bằng xe lăn, mọi sinh hoạt cá nhân vô cùng bất tiện nhưng ông vẫn đi, vẫn cười hạnh phúc vì sống có ích. Không có cuộc nói chuyện nào của ông mà người nghe không bật khóc vì thương, vì cảm kích ý chí, nghị lực, sự hy sinh cao cả, phi thường của ông cho lý tưởng để bảo vệ đồng chí, bảo vệ đường dây giao liên và mạng lưới tình báo phía Nam.

Ông thường nói “Mất niềm tin là mất tất cả!”, “Ngã ở đâu là phải biết đứng lên ở đó!”. Ngày ấy, ông nằm lòng lời cấp trên huấn thị “Tài liệu là điệp viên. Mất tài liệu là mất điệp viên” và ông bảo vệ nó bằng chính sinh mạng của mình. Trước khi sa vào tay giặc, bị trực thăng Mỹ phát hiện, bao vây trên cánh đồng Mỹ Phước một buổi chiều tháng 02/1969, khi trên đường chuyển tài liệu mật về cứ, một mình một khẩu súng, Nguyễn Văn Thương chiến đấu chống cự ngoan cường, tiêu diệt nhiều tên lính Mỹ.

Trước khi bị thương ngất đi và sa vào tay giặc, ông kịp giấu được bản tài liệu mật an toàn và sau đó, đơn vị cử một trung đội đến tìm kiếm rồi chuyển kịp thời lên R. Nó có giá trị lớn lao mà ta không tưởng nổi. (Sau ngày giải phóng, ông mới được biết, đó là danh sách 36 tên điệp viên CIA Mỹ cài vào các cơ quan của ta để hoạt động, phá hoại và nhờ bản danh sách mà ta phá được ổ gián điệp, bắt ngay tên gián điệp nằm trong một cơ quan cao cấp của tỉnh Quảng Bình,...).

Rồi bắt đầu 100 ngày “mật ngọt” trong biệt thự Hoa hồng với mỹ nữ cận kề, cám dỗ chết người nhưng không làm lung lay ý chí, CIA áp dụng những đòn tra tấn kinh khủng, man rợ nhất loài người đối với Nguyễn Văn Thương hòng lấy được lời cung khai phản bội. Cứ 15 ngày cưa chân 1 lần. 100 ngày cưa chân 6 lần - 6 đoạn, cướp mất vĩnh viễn đôi chân giao liên dạn dày, dũng cảm. Nhưng cuối cùng, tên trung tá tình báo CIA Mỹ phải cay đắng thốt lên: “Ôi! một sinh vật bằng thép, chúng tôi đã thua ông!”.

Không lấy được một lời cung khai nào, kẻ thù đày ải ông đi khắp các nhà lao tàn bạo nhất ở miền Nam cho đến khi được trao trả tù binh ngày 14/02/1973 từ nhà tù Phú Quốc trong hình hài gầy còm, chỉ còn bộ xương với đôi mắt quắc sáng trên một nửa thân thể còn lại. Suốt 5 năm trong chốn tù đày tàn bạo, tăm tối, Nguyễn Văn Thương vẫn ngoan cường tranh đấu, giữ vững khí tiết người cộng sản kiên trung.

Ông được tín nhiệm bầu làm bí thư chi bộ và người chiến sĩ cộng sản ấy nhắn với đồng chí bên ngoài đóng đảng phí giùm mình. Không phút nào, ông cho phép mình xa rời lý tưởng, rời xa tổ chức. Rồi Nguyễn Văn Thương được tổ chức đưa ra Bắc an dưỡng, điều trị, lắp chân giả. Một lần nữa, các bác sĩ của ta ứa nước mắt khi phải xử lý cưa lại lần nữa vết cưa xéo đoạn xương đùi còn lại mà kẻ thù thâm độc gây ra đối với ông.

Mùa Đông đất Hà Bắc rét thấu xương nhưng khát vọng được trở về Nam chiến đấu trên “đôi chân mới” thôi thúc ông tập đi với đôi chân giả qua nhiều lần vấp ngã đầy đau đớn tưởng chừng phải bỏ cuộc. Và ông chiến thắng, là tấm gương kiên cường để nhiều thương binh nặng khác noi theo, không tuyệt vọng gục ngã.

Ngày 30/4/1975, Nguyễn Văn Thương hạnh phúc trở về Nam trong vòng tay đồng đội thân yêu với biết bao niềm cảm phục, yêu thương vô hạn. Ông lại vững vàng cùng đồng chí bước vào cuộc chiến đấu mới của một đất nước đầy thương tích sau chiến tranh đang hồi sinh, hối hả dựng xây cuộc sống mới.

Người thương binh anh hùng đó cùng người vợ kiên cường, son sắt thủy chung, chờ đợi ông suốt bao năm dài xa cách đầy thử thách khốc liệt, tiếp tục gắn bó, sẻ chia, đi lên từ trăm bề thiếu thốn, xây dựng hạnh phúc gia đình, chăm sóc, nuôi dưỡng hai người con khôn lớn, trưởng thành. Người dân khu phố Bình Lợi, quận Bình Thạnh, TP.HCM, mỗi sáng sớm, chiều chiều, lại thấy bà đẩy chiếc xe lăn đưa ông ra bờ sông tắm nắng, hóng gió.

Bà thầm lặng quên đi tuổi xuân, quên đi bản thân, hy sinh quyền được chăm sóc, cận kề chăm chút ông trong từng bữa cơm, giấc ngủ, cắn răng chia sẻ thức trắng đêm cùng ông mỗi lần vết thương trở trời hành hạ đầy đau đớn. Bà lại đồng hành cùng ông trong những chuyến ông được mời ra Bắc, về Nam, đến trường quay hay đến các điểm nói chuyện báo cáo về tấm gương người chiến sĩ, thương binh anh hùng, trung dũng, bất khuất.

Tôi may mắn được ông nhận làm con gái. Ông yêu thương, tin tưởng, trao niềm tin và trọng trách được lưu giữ nhiều sách báo, băng đĩa, hình ảnh, tài liệu quý về ông và những quyển sách, tư liệu viết về đồng đội ông. Ba Thương dặn tôi: “Con giữ gìn cẩn thận các tài liệu này cho ba và giới thiệu cho bạn bè, học trò con cùng đọc để hiểu về thế hệ cha anh, thế hệ của ba đã sống, chiến đấu, hy sinh như thế nào để có ngày hôm nay...”.

Mỗi lần tôi lên thăm ba là được tiếp thêm sức mạnh, niềm tin, trách nhiệm sống mãnh liệt. Ba lại để sẵn những quyển sách mới, những tư liệu mới được bạn bè tặng hoặc gửi đi photo nhiều bản trao cho tôi và ký tặng cho thư viện trường. Ba âu yếm vỗ vỗ đầu tôi và cười thật hiền từ, gọi tôi là “đồng chí”, dặn phải ráng làm việc cho giỏi, dạy học trò cho ngoan, dù có giận cũng không được đánh học trò,...

Tôi hạnh phúc tuân lệnh “Dạ! Đồng chí ba!”. Tôi rất sướng mỗi khi lên thăm ba lại được nghe ba nói với má: “Bà tiểu đội trưởng ơi, nấu cơm cho tụi nhỏ ăn nha!”. Qua giới thiệu của ba, tôi được biết thêm những đồng đội khả kính khác của ba. Khi được nói chuyện với những nhân chứng sống từng vào sinh, ra tử với ba, tôi càng hiểu, càng yêu kính, tự hào thêm vì tất cả họ đều một mực yêu thương, kính phục thần tượng ba đến dường nào!

Năm nay, ba Thương 80 tuổi. Sức khỏe suy yếu rất nhiều. Mắt không nhìn thấy rõ, tai không còn nghe được như trước nữa. Ba không nghe được điện thoại của bất cứ ai gọi hỏi thăm nữa rồi. Ba cũng không còn đi nói chuyện với lớp trẻ nữa nhưng tinh thần người chiến sĩ sẵn sàng nhận nhiệm vụ luôn thường trực trong ba. Trên đầu giường của ba vẫn để sẵn những quyển sách viết về đồng đội: Điệp viên hoàn hảo, chuyện kể về những cán bộ tình báo,...

Má - Bà tiểu đội trưởng của ba như ba thường âu yếm gọi - đã 76 tuổi, sức khỏe cũng yếu đi nhiều nhưng vẫn cần mẫn chăm sóc ba như ngày nào bằng tất cả tình yêu thương của người vợ hiền, người đồng chí, người công dân đối với một người chồng thương binh đặc biệt. Nghe má tâm sự mà thương, mà xót tận tâm can: “Phải chi ba con còn có chân, má dìu đi cũng dễ! Đằng này, tai ba con lại không nghe, lúc mặc tã cho ba, má kêu nghiêng trái, nghiêng phải, ba cũng không phối hợp được. Mặc xong tã cho ba con, má vã mồ hôi nhưng được một lát, ba con lại cởi bỏ...”.

Ôi! Ở tuổi này lẽ ra có con cháu đông đầy phụng dưỡng nhưng má vẫn một mình chăm sóc ba chu tất mà quên luôn sức khỏe của mình, chỉ có ước muốn bình thường thôi “Phải chi ba con còn có chân”! Nghe mà trào nước mắt. Còn biết bao người vợ các thương binh khác cũng có những ước mơ bình thường tương tự như thế! Chiến tranh không phải trò đùa. Chiến tranh kết thúc 42 năm rồi nhưng nỗi đau sâu xoáy vẫn hiện hữu đó. Nhưng dù sao, những người vợ thương binh vẫn còn may mắn, hạnh phúc hơn những người mẹ, người vợ liệt sĩ, họ mãi mãi không được dịp yêu thương, chăm sóc, ôm vào lòng những người thân yêu mãi mãi không trở về.

Hôm 11/7, 3 anh em chúng tôi phối hợp nhau làm được một việc ý nghĩa. Chúng tôi tổ chức mừng sinh nhật 80 tuổi muộn của ba sau hơn một tháng (ba Thương sinh ngày 05/6). Người anh hùng chưa hề rơi lệ trước kẻ thù đã chảy nước mắt khi chúng tôi thắp nến, đứng vòng quanh hát bài Chúc mừng sinh nhật và má cũng khóc vì xúc động. Ba lại cầm tay má vỗ vỗ mà không nói nên lời. Có những cuộc đời như huyền thoại và cũng có những tình cảm ấm áp được liên kết với nhau thật tự nhiên như thế trong cuộc đời. Những tấm gương lấp lánh như ba Thương mãi mãi là biểu tượng, niềm tin để mỗi người soi vào và biết sống xứng đáng hơn giữa cuộc đời./.

(Kính tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Thương nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7)

Trần Thị Bửu Luật

Chia sẻ bài viết