Các khu vực vùng trũng, thấp, nước lũ mới vào chân ruộng
Xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng là một trong những vùng trũng thấp nhất ở khu vực Đồng Tháp Mười. Những năm trước đây, khi con nước tràn về, hàng trăm hộ dân cũng bám theo con nước mưu sinh, người giăng lưới, thả câu, người đặt dớn, đặt lọp,...
Năm trước, anh Trần Văn Nghĩa (xã Vĩnh Đại) đặt gần 1.000 cái lọp, mỗi ngày thu về 500.000-700.000 đồng, có hôm được cả triệu đồng. Còn năm nay, con nước chưa về, số lọp của gia đình anh đã chuẩn bị sẵn nhưng vẫn xếp gọn ở một góc nhà. “Hiện nước lũ còn ở mức thấp, không thể đặt lọp được, dù mọi công việc chuẩn bị cho mùa mưu sinh năm nay đã sẵn sàng” - anh Nghĩa nói.
Dụng cụ đánh bắt cá của anh Trần Văn Nghĩa vẫn còn để trong góc nhà
Mọi năm, khoảng đầu tháng 7 Âm lịch là nước lũ đã phủ hết các cánh đồng mang theo rất nhiều cá, cua. Anh Lâm Văn Đẳng (xã Vĩnh Đại) cho biết: “Cũng như mọi năm, để chuẩn bị cho việc mưu sinh mùa lũ, gia đình tôi sửa lại và làm mới trên 500 cái lọp, tốn hơn chục triệu đồng để đợi nước về rồi đi đánh bắt cá. Thế mà đến tận bây giờ vẫn chưa thấy nước đâu, lọp làm xong rồi cũng xếp để đó chứ có chỗ đâu mà đặt! Mấy năm trước nước lớn, với số lọp này, ngày nào tôi cũng kiếm được từ 300.000-400.000 đồng”.
Ngược về xã Tuyên Bình Tây, huyện Vĩnh Hưng, một trong những xã thuộc vùng trũng thấp nhất của huyện, những năm trước đây, thời điểm này, nước lũ về ngập đồng. Mỗi ngày, người dân có khi kiếm được vài trăm ngàn đồng, thu nhập cũng đủ trang trải cuộc sống gia đình.
Anh Ngô Văn Đực (xã Tuyên Bình Tây) chia sẻ: “Mùa khô, gia đình canh tác 2ha lúa; mùa nước làm nghề cá để kiếm thêm thu nhập cải thiện cuộc sống. Mọi năm, thời điểm này, nước đã phủ khắp các cánh đồng, năm nay đã đến đầu tháng 7 (Âm lịch) rồi mà nước còn ở mức thấp, vẫn chưa khai thác được cá. Mấy năm nước lớn, mỗi ngày, tôi giăng 500-600m lưới, kiếm được vài chục đến cả trăm kilôgam cá tạp, ngoài làm thức ăn nuôi cá lóc còn bán được 200.000-300.000 đồng”.
Thời điểm này, gia đình bà Võ Thị Bích chưa thể xuống dớn đánh bắt cá tạp cho cá nuôi ăn
Để chuẩn bị cho mùa lũ, cứ khoảng tháng 5 (Âm lịch) hàng năm, gia đình bà Võ Thị Bích (xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng) bắt đầu làm vèo ươm cá giống. Khoảng 2 tháng sau, bà tận dụng nguồn thức ăn dồi dào trên ruộng vào mùa lũ cho cá nuôi ăn. Đến khoảng tháng 10, 11, khi nước lũ rút cũng là thời điểm người dân thu hoạch cá. Mùa lũ năm nay, gia đình bà Bích thả nuôi 3.000 con cá lóc. Hiện cá được gần 2 tháng, cần nguồn thức ăn khá lớn. “Mọi năm, khi lũ về, gia đình tôi đặt gần chục cái dớn kiếm cá tạp về cho cá nuôi ăn nhưng năm nay, đến thời điểm này chưa thể xuống dớn” - bà Bích cho hay.
Dọc theo kênh 79 (huyện Tân Hưng) hay kênh 28 (huyện Vĩnh Hưng), con nước vẫn còn nằm sâu dưới lòng kênh. Những cánh đồng không phủ trắng nước như những năm trước mà vẫn xanh màu của cỏ, lúa chét sau mùa thu hoạch. Ông Nguyễn Văn Nhân (xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng) lo lắng nói: “Nếu lũ không về hoặc về nhưng nhỏ thì đồng ruộng không được vệ sinh, lượng phù sa ít, chi phí đầu tư cho bơm trục, thuốc diệt cỏ, sâu rầy, phân bón vụ tới sẽ tăng”.
Hầu hết các cánh đồng còn phủ đầy cỏ, lúa chét sau mùa thu hoạch
Người dân đang ngóng lũ về, mang lại nhiều sinh kế, người thì giăng câu, đánh cá, người thì thu hoạch các sản vật mùa nước nổi như bông súng, bông điên điển, hẹ nước,... để có thêm thu nhập. Con nước về cũng mang theo phù sa bồi đắp đồng ruộng, góp phần cho vụ mùa mới bội thu./.
Văn Đát