Tiếng Việt | English

28/09/2020 - 09:54

Nông dân Đồng Tháp Mười 'ngóng' lũ

Những năm trước, vào tháng này, nước lũ đã tràn về phủ trắng các cánh đồng ở vùng Đồng Tháp Mười (Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Mộc Hóa, thị xã Kiến Tường) của tỉnh Long An. Thế nhưng, năm nay, đến thời điểm này, nước lũ còn rất thấp, thậm chí ở những vùng trũng, nước vẫn chưa đủ để ngập hết ngọn lúa chét của vụ lúa vừa qua. Giờ đây, ghe, lưới,... đã chuẩn bị sẵn sàng, người dân chỉ ngồi “ngóng” con nước.

Hầu hết những cánh đồng nước lũ chưa ngập đến

Những cánh đồng chưa có nước lũ tràn về

Vẫn chưa khai thác được thủy sản

Mùa nước về kéo theo nguồn thủy sản tự nhiên khá dồi dào. Đây được xem là nguồn thu nhập chính của người dân vùng lũ, nhất là đối với các hộ thuộc diện nghèo. Theo kinh nghiệm của người dân quen sống với nước lũ “Tháng bảy, nước nhảy khỏi bờ”, thế nhưng, đến nay, dù đã bước sang tháng 8 Âm lịch mà mực nước ở các huyện đầu nguồn vẫn còn khá thấp.

Anh Trần Văn Nghĩa (ấp Láng Sen, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng) đang ngồi cặm cụi sửa chiếc lọp trong căn nhà sát mé kênh Ngang. Hơn chục năm qua, khi lũ về, gia đình anh đều bám trụ với nghề đánh bắt thủy sản tự nhiên. Anh Nghĩa chia sẻ: “Đúng ra vào thời điểm này nước lên nhiều rồi! Nước thấp, hàng trăm chiếc lọp của gia đình vẫn còn sắp xếp ngay ngắn. Chắc năm nay, nghề mưu sinh mùa nước nổi (đánh bắt cá) của chúng tôi lại tiếp tục thất thu”.

Dụng cụ đánh bắt cá vẫn còn xếp trong nhà

Dụng cụ đánh bắt cá vẫn còn xếp trong nhà

Dừng công việc, anh Nghĩa đưa chúng tôi ra bờ kênh Ngang, rồi kể, nhiều năm về trước, cứ vào tầm tháng 7 đến tháng 10 Âm lịch, hàng trăm hộ dân ở đây bám theo con nước mà mưu sinh. Sáng sớm, họ len lỏi vào khắp các cánh đồng để giăng câu, thả lưới, đặt lờ, lọp,... Riêng ông, mỗi ngày kiếm được vài trăm ngàn đồng, đủ trang trải cuộc sống gia đình. Thế nhưng, những năm gần đây, dù ông đặt hơn 100 chiếc lọp và sau 2-3 ngày mới đi đổ 1 lần thì cũng chỉ mang về được 1-2kg cá.

Thời điểm này của năm trước, anh Trần Văn Vũ (xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng) đặt hơn 100 cái đú (12 cửa ngục), mỗi ngày thu về 300.000-500.000 đồng, có bữa trúng cả triệu đồng. Còn năm nay, con nước về thấp, phần lớn số đú của gia đình anh vẫn được xếp gọn gàng ở một góc nhà. “Nước trên ruộng không có, tôi phải lặn lội đặt ở dọc mấy đoạn kênh, miệng cống. Mỗi ngày, kiếm được 1-2kg cá chỉ đủ ăn cho cả nhà” - anh Vũ bộc bạch.

Dọc theo tuyến kênh Ngang về xã Tuyên Bình Tây, huyện Vĩnh Hưng - một trong những xã thuộc vùng trũng thấp của huyện, trước đây, khi con nước tràn về thì hầu như tất cả đều ngập, từ đồng ruộng đến nhà cửa,... Hàng trăm hộ dân sinh sống ở đây cũng bám theo mưu sinh, người thì giăng lưới, thả câu, người thì đặt dớn, đặt lọp,... Mỗi ngày có khi kiếm được vài trăm ngàn đồng, đủ trang trải cuộc sống cho những gia đình miền quê nghèo.

Anh Ngô Văn Đực, ngụ ấp Cả Gừa, xã Tuyên Bình Tây, nói: “Mùa khô, gia đình canh tác 2ha lúa, mùa nước làm nghề cá để kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Làm nghề giăng lưới cả chục năm mà chưa năm nào như năm nay. Mọi năm, thời điểm này, nước đã phủ trắng các cánh đồng, cá, cua về đầy đồng. Mấy năm nước lớn, tôi giăng 500-600m lưới, mỗi ngày kiếm được vài chục đến cả trăm kilôgam cá tạp, ngoài làm thức ăn nuôi cá lóc, bán kiếm thêm từ 200.000-300.000 đồng; giờ giăng kiếm cá ăn còn khó”.

Lọp, lưới, dớn,... là những dụng cụ mưu sinh gắn với người dân vùng lũ bao đời nay, góp phần mang lại miếng cơm manh áo, cuộc sống đủ đầy hơn. Vậy mà giờ đây, những dụng cụ ấy đều được người dân xếp gọn gàng ở mỗi góc nhà. Không thể mưu sinh đồng nước, dân nghèo vùng lũ phải bôn ba làm thuê kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau. Người đi làm công nhân, người làm phụ hồ, người ở lại thì cố gắng bám theo các dòng kênh để giăng lưới, thả câu với hy vọng kiếm thêm ít tiền sinh sống,...

Các loại sản vật cá lươn, rắn, ếch, bông điên điển, hẹ nước… khan hiếm ở các chợ

Các loại sản vật cá lươn, rắn, ếch, bông điên điển, hẹ nước… khan hiếm ở các chợ

Mong nước lũ về khá hơn

Dọc theo kênh 79 (huyện Tân Hưng) hay kênh 28 (huyện Vĩnh Hưng), con nước vẫn còn nằm sâu dưới lòng kênh. Những cánh đồng không phủ trắng nước như những năm trước mà vẫn xanh màu cỏ, lúa chét sau mùa thu hoạch. Có chăng thi thoảng bắt gặp vài vũng nước mưa đọng lại.

Những người dân sản xuất lúa rất lo lắng, mong mùa lũ lớn hơn, mang lại lượng phù sa dồi dào bồi đắp cho đồng ruộng, sâu rầy được cuốn trôi. Anh Lê Ngọc Thạch, ngụ xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, cho biết: “Gia đình có hơn 3ha lúa. Hàng năm, vào thời điểm này, nước đã vào ngập trắng ruộng, nhưng đến nay vẫn chưa thấy lũ về. Nếu như lũ năm nay nhỏ, vụ Đông Xuân tới, nông dân sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là dịch chuột bùng phát mạnh”.

Còn ông Nguyễn Văn Chương - lão nông tại xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, lo lắng: "Nếu lũ không về hoặc về nhỏ thì người dân sản xuất lúa phải đối mặt với thực trạng đồng ruộng không được vệ sinh, lượng phù sa bồi lắng giảm, chi phí đầu tư cho bơm, trục, thuốc diệt cỏ, sâu rầy, phân bón,... nhiều hơn”.

Năm nay, nếu nước lũ về thấp, không chỉ khiến cho người dân quen nghề mưu sinh theo con nước khốn khó mà còn ảnh hưởng đến sản xuất. Hiện người dân khu vực Đồng Tháp Mười đứng ngồi không yên, mắt luôn dõi theo con nước từng ngày./.

"Hơn 20.000 con cá lóc gần 2 tháng tuổi của gia đình cần lượng thức ăn khá lớn (mỗi ngày khoảng 1 tấn cá mồi), thế nhưng, hiện tại, lượng cá mồi cho cá nuôi ăn không nhiều nên phải mua thêm cá biển với giá cao gấp 2-3 lần, làm tăng giá thành trong quá trình chăn nuôi".

Ông Dương Văn Tèo (xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng)

"Vợ chồng tôi đến đây mưu sinh từ cuối tháng 6 Âm lịch. Những dụng cụ đánh bắt cá của năm trước đã được sửa chữa xong, vậy mà đến giờ vẫn chưa hoạt động được vì nước lũ quá thấp".

Ông Huỳnh Văn Tỉnh, quê tỉnh An Giang đến xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng làm nghề lọp cá kiếm sống

 

"Hơn 10 năm làm lọp bán, chưa năm nào ế như năm nay. Trung bình mỗi mùa lũ, tôi bán được hơn 1.000 cái lọp (chủ yếu bán cho người dân địa phương và bỏ mối ở các chợ), vậy mà năm nay chỉ bán được hơn 500 cái".

Ông Nguyễn Văn Dê, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng

 

"Thời điểm này, những năm trước, vào buổi sáng tấp nập xuồng, ghe cập bến chở theo sản vật mùa nước nổi. Mỗi ngày có hàng tấn cá, cua, lươn, ếch tập kết về đây để mang đi tiêu thụ khắp nơi. Thế nhưng, năm nay khan hiếm về chủng loại cũng như sản lượng. Không những các loại cá, lươn, rắn, ếch mà các sản vật khác như bông điên điển, bông súng, hẹ nước,... cũng khan hiếm tại các chợ"./.

Nguyễn Thị Ngọc Ngân - tiểu thương chợ cá Vĩnh Hưng

Văn Đát

Chia sẻ bài viết