Tiếng Việt | English

22/07/2020 - 14:50

Người lính và nghĩa vụ tri ân

Phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam, quan tâm chăm sóc gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh,... là nghĩa vụ và trách nhiệm của từng thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang.

Đoàn công tác Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đến thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Xuyến

Đoàn công tác Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đến thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Xuyến

Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách lớn đối với quân đội và hậu phương quân đội, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Ban Chỉ đạo Quân khu, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Long An và sự hướng dẫn, giúp đỡ nhiệt tình của các cơ quan cấp trên, sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành, đoàn thể địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi cho Ban Chỉ đạo của tỉnh triển khai thực hiện Quyết định 62, 290, 142 của Thủ tướng Chính phủ đạt hiệu quả thiết thực. Đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết chế độ, chính sách theo Quyết định 290, 62, 142 của Thủ tướng Chính phủ cho gần 3.000 đối tượng với kinh phí trên 100 tỉ đồng. Cơ quan chức năng tiếp nhận, thẩm định, xét duyệt hồ sơ chặt chẽ, đúng quy trình, bảo đảm dân chủ, công khai, đúng đối tượng. Đồng thời, tập trung phối hợp giải quyết hồ sơ theo Quyết định 49/2015/QĐ -TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Trong chi trả thực hiện Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh quan tâm đến đối tượng không còn giấy tờ gốc. Ông Đỗ Văn Khuê (ấp Ông Nhan Đông, xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường) không giấu được niềm vui: “Tôi không còn giấy tờ nên cũng không hy vọng lắm nhưng nhờ Ban Chỉ huy Quân sự xã, đồng đội chứng minh nên được giải quyết chế độ, chính sách. Ngoài được trợ cấp tiền, tôi còn được cấp bảo hiểm y tế phòng khi ốm đau, bệnh tật”.

5 năm qua, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh giúp dân 78.000 ngày công lao động; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 4.150 đối tượng chính sách và dân nghèo với tổng kinh phí 1.377 tỉ đồng. Các địa phương, đơn vị vận động xây tặng 121 căn nhà tình nghĩa, nhà Đồng đội, nhà liền kề chốt dân quân biên giới,… với tổng kinh phí trên 5 tỉ đồng. Ông Nguyễn Văn Ngọt (xã Bình An, huyện Thủ Thừa) từng là chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu trên chiến trường Campuchia, chia sẻ: “Được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tặng nhà tình nghĩa, gia đình tôi mừng lắm! Kinh tế khó khăn, bản thân bị thương tật nặng và mắc bệnh ung thư hơn 2 năm nay, vợ bán vé số, nhà cửa xuống cấp không có tiền sửa chữa. Nay được xây tặng căn nhà, vậy là niềm mơ ước bấy lâu đã thành hiện thực”.

Những chuyến đi tìm đồng đội của cán bộ, chiến sĩ Đội K73 Long An thường rơi vào thời điểm đầu mùa khô và kết thúc vào gần cuối mùa mưa dầm của nước bạn. Những nơi các anh đến là rừng sâu, đầm lầy, vùng đất khô cằn, nhiều muỗi, vắt, thiếu nguồn nước sạch,… Suốt 18 năm qua, trên hành trình ấy, từng thế hệ người lính đã tìm kiếm, quy tập được 2.203 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, địa hình nhiều trắc trở.

Và góp phần cùng toàn xã hội thể hiện đạo lý Uống nước nhớ nguồn, lực lượng vũ trang tỉnh quan tâm, chăm sóc, nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, góp phần xoa dịu phần nào nỗi đau của các mẹ. Chúng tôi có dịp tháp tùng cùng đoàn công tác Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đến thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Xuyến (xã An Thạnh, huyện Bến Lức). Mẹ có 3 người con là liệt sĩ. Nghe có đoàn đến thăm, mẹ kêu người con gái dìu ra ghế ngồi, nắm chặt tay từng người và nói: “Các con mẹ đã hy sinh nhưng mẹ có rất nhiều đứa con bộ đội, lễ, tết nào, chúng nó cũng đến thăm mẹ”.

Thể hiện đạo lý Đền ơn đáp nghĩa, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh góp phần cùng xã hội chăm lo các Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh. Qua đó xoa dịu nỗi đau do chiến tranh để lại, thể thiện tấm lòng của thế hệ sau đối với những người đã ngã xuống vì nền hòa bình, độc lập của dân tộc./.

Thùy Trang

Chia sẻ bài viết