Tiếng Việt | English

02/10/2022 - 17:10

Người mẹ 7 lần 'khóc thầm lặng lẽ'

Ở xã Tuyên Bình Tây, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, có một nhà tưởng niệm được xây dựng gần UBND xã, nhìn ra dòng Vàm Cỏ Tây. Đó là nhà tưởng niệm Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) Trần Thị Viết, người đã mất 7 người con trai trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, có 2 liệt sĩ chưa tìm được mộ.

Trong Nhà tưởng niệm Mẹ VNAH Trần Thị Viết là bàn thờ mẹ, cụ ông Nguyễn Văn Dành (chồng mẹ) và 7 liệt sĩ. Lần lượt 8 lần tiễn con đi, mẹ 7 lần "khóc thầm lặng lẽ". Một nỗi đau không thể nào kể xiết!

Ký ức về người mẹ anh hùng

Mẹ Viết sinh ra và lớn lên ở huyện Thủ Thừa, theo chồng về sống ở Tuyên Bình Tây bằng nghề đương đệm, giăng câu, bắt cá. Mẹ có 10 người con: 2 gái, 8 trai. Cả 8 người con trai của mẹ đều lần lượt lên đường đi kháng chiến.

Con trai lớn Nguyễn Văn Liễng tham gia cách mạng năm 1952. Chính mẹ là người động viên con lên đường chống giặc, tiếp nối truyền thống của gia đình, bởi chồng mẹ cũng từng tham gia phong trào Cần Vương kháng Pháp. Một năm sau, mẹ hay tin con trở thành liệt sĩ. Thương con dâu trẻ bơ vơ, cháu nội côi cút, mẹ gọi con dâu đem cháu về cùng mẹ rau cháo nuôi nhau.

Thẻ căn cước của mẹ

Mất một người con, mẹ như đứt từng khúc ruột nhưng rồi lại lấy tấm gương của anh Hai Liễng để động viên các con tiếp tục nối bước cha anh. Những người con khác của mẹ: Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Kiểng, Nguyễn Văn Trị, Nguyễn Văn Anh, Nguyễn Văn An, Nguyễn Văn Dẫu (khi mới 16 tuổi) lần lượt lên đường chiến đấu. Mẹ ở nhà với bao nỗi chờ mong.

Nhưng khi tin thắng trận dội về, lòng mẹ chưa kịp hân hoan thì giấy báo tử của các con cũng lần lượt tới. Năm 1960, liệt sĩ Nguyễn Văn Tạo hy sinh trên đường công tác từ Tuyên Bình ra Mộc Hóa khi mới tròn 22 tuổi. Năm 1962, người con thứ 3 của mẹ - anh Nguyễn Văn Kiểng cũng anh dũng hy sinh. Chưa vơi nỗi đau thì năm 1963, mẹ lại hay tin người con thứ tám - Nguyễn Văn Trị bị bắt trong một trận cướp súng không thành và bị xử bắn tại Mộc Hóa.

Chiếc khăn choàng là di vật của mẹ còn để lại

Nén nỗi đau mất con, mẹ ở lại quê nhà cùng các con dâu nuôi dạy cháu. Ngày mẹ đi nhổ bàng, bắt cá, đêm về cặm cụi bên ánh đèn khuya để đương đệm, kiếm tiền nuôi các cháu lớn khôn. Cũng bằng ánh đèn chong, mẹ làm ám hiệu cho các anh, các chú trong rừng biết khi nào có Tây bố ráp, lúc nào được an toàn.

Không ít lần mẹ bị địch quấy nhiễu, hành hung. Không tháng nào mẹ được yên thân với chúng, bởi cả 8 người con trai của mẹ đều đã theo cách mạng. Có lần, mẹ bị địch tra khảo tàn nhẫn, hòng ép mẹ gọi các con về nhưng mọi âm mưu của chúng đều thất bại. Nỗi đau mất con mẹ còn có thể vượt qua thì những trận đòn roi của địch có đáng là gì!

Những tưởng đau thương đến thế thì thôi, mẹ đâu ngờ lại liên tiếp nhận về những hung tin. Năm 1968, “út yêu út quý” của mẹ - liệt sĩ Nguyễn Văn Dẫu hy sinh trên chiến trường Mỹ Tho. Rồi cùng năm 1972, nỗi đau lên đỉnh điểm khi hai người con của mẹ là liệt sĩ Nguyễn Văn Anh (người con thứ năm) và liệt sĩ Nguyễn Văn An (người con thứ chín) cùng ngã xuống ngay tại quê hương Đồng Tháp Mười anh dũng.

Mẹ lại nén đau thương, cùng con dâu chăm lo cho các cháu. Một tay mẹ ẵm bồng, dạy dỗ, lo cho các cháu từ giấc ngủ đến miếng ăn. Để rồi, hình ảnh đó mãi in sâu trong ký ức của các cháu cho đến tận bây giờ.

Anh ơi chớ vội ưu phiền

Bao nhiêu tóc rối em nguyền gỡ suông.

Đã ngoài 50 tuổi nhưng những lời hát ru của mẹ Viết, anh Nguyễn Văn Bình (cháu nội Mẹ VNAH Trần Thị Viết) vẫn còn nhớ rõ. Anh Bình là con của liệt sĩ Nguyễn Văn An. Cha hy sinh khi anh còn đỏ hỏn, anh được nội nuôi nấng từ tấm bé đến lúc trưởng thành. Vợ chồng anh Bình cũng là người phụng dưỡng mẹ đến ngày về với Bác.

Anh Nguyễn Văn Bình - cháu nội Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Viết, thắp hương tại nhà tưởng niệm

Anh Bình kể: “Hồi cha mất, tôi còn chưa biết gì nên nội nuôi tôi từ nhỏ. Chắc "mến tay mến chân" nên sau này, nội sống với vợ chồng tôi luôn. Nội tôi dễ tính và hiền lắm, hồi đó giờ chưa khi nào lớn tiếng, nặng lời với con cháu. Ngày nhỏ, ngủ với nội, nội hay hát ru tôi, sau này tôi có con, nội lại hát ru cháu cố. Nội thương vợ chồng tôi lắm!”. Nói xong, anh Bình cười, nụ cười thật hiền.

Tấm lòng con cháu

Khi biết được câu chuyện của Mẹ VNAH Trần Thị Viết, nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang đã vận động xây dựng nhà tưởng niệm mẹ với tổng kinh phí hơn 1 tỉ đồng. Trong nhà ghi ơn đặt tượng đồng bán thân của mẹ, bàn thờ mẹ, chồng mẹ và 7 liệt sĩ. Trên tường là những bằng Tổ quốc ghi công, một số hiện vật và hình ảnh của mẹ cũng được trưng bày ở đó.

Nhà tưởng niệm được khánh thành làm nức lòng nhiều người dân, cựu chiến binh, những người biết về câu chuyện của người mẹ anh hùng Trần Thị Viết. Từ khi xây dựng đến nay, nhà tưởng niệm trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống của địa phương. Các đoàn khách phương xa ghé qua xã đều đến thắp hương tưởng nhớ mẹ cũng như ôn lại truyền thống bất khuất, anh hùng của dân tộc nói chung và những người mẹ VNAH nói riêng. Trong sổ lưu bút đặt tại Nhà tưởng niệm mẹ, Đại tá Trần Thế Tuyển ghi: “Chúng con, những cựu chiến binh Trung đoàn 174 Cao Bắc Lạng được đến thăm, kính viếng Nhà tưởng niệm Mẹ VNAH Trần Thị Viết. Chúng con vô cùng biết ơn bà Mẹ VNAH đã hiến dâng cho đất nước 7 người con thân yêu”.

Nhà tưởng niệm nhìn từ bên ngoài

Nhà tưởng niệm được giao cho địa phương quản lý, có phân công cán bộ trông coi, dọn vệ sinh nhưng một tháng đôi lần, vợ chồng anh Bình vẫn đến thắp hương, dọn dẹp như một thói quen. Chị Ngô Thị Thắm - vợ anh Bình, kể: “Hồi trước, tuần nào, tôi với ông xã cũng ra dọn dẹp, thắp nhang cho nội. Năm nay, phải giữ cháu nhỏ nên 2 tuần mới đi 1 lần. Lúc sinh thời, nội chăm sóc, thương vợ chồng tôi lắm! Thấy tôi thường xuyên ra thăm viếng, dọn dẹp, thắp hương cho nội ở nhà tưởng niệm, các con tôi cũng làm theo, thỉnh thoảng là ra thắp hương cho ông bà cố, ông nội và các ông trong gia đình”.

Bên trong Nhà tưởng niệm Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Viết

Chủ tịch UBND xã Tuyên Bình Tây - Trần Văn Khánh cho biết, địa phương quy hoạch 1.400m2 để xây công trình nhà tưởng niệm. Theo dự kiến, công trình sẽ có các hạng mục phụ trợ bên cạnh công trình chính như nhà khách, nhà trưng bày, nhà vệ sinh, hàng rào, công viên cây xanh,... Tuy nhiên, do nguồn kinh phí còn hạn chế nên đến nay, công trình vẫn chỉ có nhà tưởng niệm. Ông Trần Văn Khánh nói: “Mẹ Viết là Mẹ VNAH có nhiều người con hy sinh nhất ở Long An. Khi Nhà nước có quyết định phong tặng danh hiệu Mẹ VNAH thì mẹ Viết là một trong những mẹ đầu tiên được phong tặng. Địa phương rất hoan nghênh sự chung tay, chung sức của mạnh thường quân trong việc tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn chỉnh khu Nhà tưởng niệm Mẹ VNAH Trần Thị Viết”.

Mẹ Viết mất năm 2011, hưởng đại thượng thọ 119 tuổi. Mẹ VNAH Trần Thị Viết đã về với Bác, với các con của mẹ nhưng câu chuyện về người mẹ anh hùng của vùng Đồng Tháp Mười thì còn mãi trong tim thế hệ đi sau./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết