Tiếng Việt | English

27/04/2025 - 10:30

Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông

Viễn Đông bao gồm các quốc gia Đông Á. Vào giữa thế kỷ 19 khi người Pháp chiếm được Đông Dương với vùng đất đầu tiên là Sài Gòn. Sau đại chiến thế giới lần thứ nhất, kinh tế nam kỳ Việt Nam phát triển mạnh với nhiều công sở, nhà xưởng, phố xá được xây dựng đặc biệt là ở Sài Gòn. Cụm từ “Hòn ngọc Viễn Đông” lúc đầu được sử dụng cho toàn cõi Đông Dương, nhưng sau đó với sự phát triển vượt bậc về kinh tế, thương mại và văn hóa nên xuất hiện danh xưng Sài Gòn - Hòn Ngọc Viễn Đông vào năm 1913. Đến ngày 02 tháng 7 năm 1976, Sài Gòn được vinh dự mang tên Thành phố Hồ Chí Minh.

Về lịch sử đấu tranh cách mạng, tại đền Bến Dược - Củ Chi, trên văn bia có đoạn viết về thời cha ông đi mở cõi: “Vùng đất sáng ở Miền Nam Tổ quốc, nửa tiếp Trường Sơn, nửa nối đồng bằng. Chống xăm lăng từ Trương Định, Trương Quyền, máu dũng sĩ chảy tràn sông suối…”

Sài Gòn là nơi tập trung người 3 miền bắc trung nam, là nơi giao thoa hội tụ văn hóa “Đêm lảnh lót tiếng ca quan họ, nghe ngọt ngào điệu hát cải lương, hò mái đẩy ngân nga dìu dặt, giọng bài chòi tha thiết nhớ thương”. Nơi diễn ra sự giao lưu mua bán giữa dân cư nhiều nước như khu Chợ Lớn tập trung người Hoa kiều, khu quận 5 và quận 8 có cầu Chà và của người Ấn độ.  Chợ Campuchia bắt đầu từ đình chợ Lê Hồng Phong, chạy dọc theo đường Hồ Thị Kỷ - cũng là khu chợ bán hoa sỉ lớn nhất TPHCM.

Đi từ cửa ngõ vào tới trung tâm Sài Gòn sẽ thấy cả một chiều dài lịch sử của Việt Nam qua từng con đường. Cửa ngõ Bến xe Miền Tây có các đường Hồng Bàng, An Dương Vương, Kinh Dương Vương đến Hùng Vương, Bà Triệu, Lý Nam Đế, Lý Thường Kiệt, Triệu Quang Phục, Phùng Hưng, Ngô Quyền, Lý Chiêu Hoàng, Trần Hưng Đạo... theo dòng lịch sử. Trước dinh Độc Lập có 2 con đường nhỏ mang tên Hàn Thuyên và Alexandre de Rhodes để nhớ ơn những người đã tạo ra ngôn ngữ cho nước Việt.

Một phần tuổi ấu thơ của tôi trôi qua trong chiến tranh, do những thay đổi của thời cuộc, gia đình tôi chuyển từ bắc vô nam, từ thủ đô về miền quê rồi đi lên thành phố. Có một căn nhà khắc sâu trong ký ức tôi nằm trên đường Trần Hưng Đạo TPHCM, nơi gắn bó với tôi suốt thời thiếu nữ mộng mơ, thời sinh viên nhiều khát vọng, tuổi trung niên tận tâm cống hiến phục vụ… Ngôi nhà đã chứng kiến sự trưởng thành của anh em tôi: tốt nghiệp đại học, đi làm, lập gia đình. 50 năm trôi qua có biết bao đổi thay trên mỗi phận người ra đi và trở lại. Có một lần trên đất Thái Lan, nghe một Việt Kiều hát “Em còn nhớ, hay em đã quên, nhớ Sài Gòn mưa rồi chợt nắng” với một tình hoài hương tha thiết và du khách đã không cầm được nước mắt khi nghe người hướng dẫn viên này tâm sự. Anh gốc người Sài Gòn, vượt biên nhưng không tới Mỹ, số phận tình cờ cho anh dừng chân ở Thái, cưới vợ Thái sinh con lai, biết tiếng Việt và Thái nên anh làm phiên dịch. Trong lòng anh vẫn không nguôi mong muốn một ngày trở lại Sài Gòn để sáng ăn một tô hủ tiếu Nam Vang, uống 1 ly “bạc sỉu”, trưa ăn dĩa cơm tấm Sài Gòn  và tối uống ly bia Bến Thành. Chúng tôi chợt hiểu rằng Sài Gòn đã trở thành máu thịt yêu thương của những người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này.

Người Sài Gòn văn minh lịch thiệp, du khách phương xa tới đều trầm trồ trước cảnh tan trường các nữ sinh mặc áo dài trắng thướt tha đi trên đường phố. Người Sài Gòn kiêu sa, đài các, thoạt nhìn vẻ khó gần nhưng lại rất giàu lòng nhân ái, bất cứ nơi đâu có thiên tai dịch họa là có các mạnh thường quân kẻ giúp công người giúp của đến với những mảnh đời bất hạnh. Người Sài Gòn năng động sáng tạo tạo nên một tính cách công nghiệp bắt kịp đà phát triển của thế giới.

Tham quan Sài Gòn hôm nay, mời các bạn trải nghiệm Metro đi từ chợ Bến Thành qua nhà hát Thành phố, xưởng Ba Son, công viên Văn Thánh, Tân Cảng, Thảo Điền tới Thủ Đức, Khu Công nghệ cao, Đại học quốc gia và Suối Tiên…để thấy rõ sự thay đổi không ngừng và phát triển giàu đẹp của thành phố. Nửa thế kỷ đã trôi qua, Sài Gòn đã đi qua những ngày đầu gian khó, từng bước khẳng định vị thế là trung tâm kinh tế, khoa học, giáo dục hàng đầu của cả nước, một nơi luôn thắp sáng tinh thần dấn thân, dẫn đầu và đổi mới, bắt kịp đà phát triển của các quốc gia hùng cường.

Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi./.

Lý Thị Nhất Định

Chia sẻ bài viết